Phụ nữ quận Gò Vấp tham gia 'giải cứu rác chết'

22/01/2019 - 18:00

PNO - Hội LHPN Gò Vấp là đơn vị cấp quận đầu tiên trong hệ thống Hội tham gia 'giải cứu rác chết' trên địa bàn TP.HCM.

Sáng 22/1, Hội LHPN quận Gò Vấp, phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai chương trình thực hiện “Tái chế vỏ hộp sữa giấy”.

Chương trình nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông về phân loại rác, cụ thể là phân loại và thu gom vỏ hộp sữa giấy để tái chế (đây là loại rác quen thuộc mà các em học sinh bỏ ra hàng ngày) tại tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn Quận Gò Vấp, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tốt cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường.

Phu nu quan Go Vap tham gia 'giai cuu rac chet'
Bà Nguyễn Thị Lan và ông Nguyễn Thanh Thủy ký kết văn bản thực hiện chương trỉnh

Hoạt động còn nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi hành vi; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ trong công tác giáo dục con em, người thân; đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Phu nu quan Go Vap tham gia 'giai cuu rac chet'
Ông Huỳnh Hữu Hải Bình - Giám đốc dự án Hành trình giải cứu rác chết (đứng, giữa sân khấu) cùng các tình nguyện viên hướng dẫn giáo viên, cán bộ Hội thực hành xếp gọn hộp sữa để thuận tiện trong thu gom, vận chuyển. 

Theo kế hoạch, trong quý I/2019, hai đơn vị chọn 6 trường công lập gồm Mầm non Anh Đào, Mầm non Hạnh Thông Tây, Tiểu học Lê Đức Thọ, Tiểu học Lê Quý Đôn, Trung học cơ sở Phan Văn trị, Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi triển khai làm điểm.

Từ quý II, III, IV/2019, phấn đấu đủ 100% các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận Gò Vấp thực hiện chương trình, 100% trường học trực thuộc có tổ chức, bố trí hệ thống cơ sở vật chất (1 thùng rác 200 lít có nắp đậy) phục vụ việc phân loại, thu gom vỏ hộp sữa giấy sau khi sử dụng.

Đến hết năm 2020, duy trì 100% giáo viên và học sinh tiếp cận các thông tin tuyên truyền về chương trình; 100% trường trực thuộc tổ chức thực hành hiệu quả chương trình Tái chế vỏ hộp sữa giấy.

Theo bà Nguyễn Thị Lan- Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp - Hội sẽ là đầu mối trực tiếp phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền đến 16 phường, tập huấn chương trình đến các trường học trực thuộc quận; tổ chức sơ kết đánh giá các kết quả đạt được của chương trình sau khi kết thúc thí điểm tại 6 trường học, làm cơ sở định hướng cho các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ phân công tuyên truyền viên của các câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ môi trường thực hiện truyền thông tại các trường (với trường tiểu học, trung học cơ sở: thực hiện thông tin tại buổi chào cờ; với trường mầm non: các tuyên truyền viên đến từng lớp hướng dẫn cách xử lý, phân loại và thu gom vỏ hộp sữa vào các vị trí quy định trong trường).

Hội LHPN quận sẽ hỗ trợ phường trang bị các nội dung truyền thông (phướn, băng rôn, poster, bảng hướng dẫn…); thùng carton lưu trữ tại các lớp học tại trường mầm non. Các hội viên phụ nữ sẽ là tình nguyện viên chuyên chở rác thải, giao lại cho ban tổ chức dự án Hành trình giải cứu rác chết (NHC) để nơi đây sử dụng nguyên liệu làm thành các hộp giấy, túi xách, sổ tay… dùng trong sinh hoạt và những tấm lợp sinh thái phục vụ việc xây dựng. Từ đó, gây quỹ hỗ trợ cộng đồng, giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện đến trường”, bà Lan chia sẻ.

Phu nu quan Go Vap tham gia 'giai cuu rac chet'
Các giáo viên và cán bộ Hội học và thực hành việc gấp, ép hộp sữa để tham gia chương trình
Phu nu quan Go Vap tham gia 'giai cuu rac chet'
Chương trình thu hút hơn 200 người giam dự, đây chính là lực lượng giáo viên, cán bộ Hội sẽ trực tiếp triển khai chương trình ở 150 trường học và 16 phường trên địa bàn quận Gò Vấp.

Cùng đồng hành với Hội LHPN quận Gò Vấp trong việc thực hiện chương trình, ông Nguyễn Thanh Thủy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - cho biết rất an tâm khi cùng quận Hội thực hiện chương trình này. Bởi giáo dục một đứa trẻ phải có sự nhất quán và phối hợp nhịp nhàng với gia đình, mà việc phân loại, tái chế rác tại nhà chính là những người chị, người mẹ.

"Tạo điều kiện để học sinh tham gia chương trình là cách thức chúng ta góp phần gìn giữ môi trường sống trong lành cho ngày mai ngay từ hôm nay. Tôi tin các em sẽ là giám sát viên, tác động ngược lại người lớn, trước hết là phụ huynh về ý thức, hành vi bảo vệ môi trường”, ông Thủy khẳng định.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI