TS. Dương Kim Anh – Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phụ nữ TP. HCM xung quanh vấn đề ngoại tình trong gia đình Việt Nam.
PV: Báo chí đang nói rất nhiều đến các vụ việc cán bộ công, viên chức ngoại tình, đặc biệt là ở cấp xã (địa phương, vùng nông thôn). Là người phụ nữ, đồng thời cũng là nhà khoa học nghiên cứu về giới, gia đình cảm nhận của chị như thế nào khi tiếp xúc với các thông tin này?
TS. Dương Kim Anh: Tôi không bất ngờ lắm với thông tin trên. Trong bối cảnh ngoại tình chính thức trở thành tội hình sự tại Việt Nam theo điều 182 Bộ Luật hình sự 2015, kể từ ngày 1/7/2016, việc dư luận quan tâm đến hành vi này là tất yếu. Tuy nhiên, tôi thấy không công bằng khi quá nhấn mạnh đến việc ngoại tình của cán bộ, viên chức ở địa phương. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, ngoại tình là căn bệnh hiểm nghèo, bất ngờ, khó lường trước. Đã là căn bệnh thì bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải, không phân biệt già trẻ, sang hèn, nông thôn hay thành thị. Mấu chốt của vấn đề là tìm ra thuốc chữa (các giải pháp phù hợp). Hình phạt của luật pháp có thể giúp ngăn chặn hành vi ngoại tình, nhưng có thể không giải quyết được nguyên nhân sâu xa của nó.
Làng quê, vùng nông thôn thường tạo cho chúng ta cảm giác yên bình, tĩnh lặng – việc ngoại tình vì thế mà trở thành những sự kiện dậy sóng, khó được chấp nhận hơn. Bên cạnh đó, do mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng ở làng quê rộng rãi hơn, khi việc ngoại tình bại lộ, người ngoại tình rất khó được tha thứ, đặc biệt là người phụ nữ - thường bị lên án nặng nề hơn người đàn ông trong xã hội phụ quyền. Ngoại tình là vi phạm chuẩn mực, giá trị xã hội. Các chuẩn mực, giá trị lại do xã hội tạo ra, vì thế xã hội sẽ lên án những vi phạm đó.
Tóm lại, theo tôi, ngoại tình có thể xảy ra bất cứ ở đâu, với bất cứ ai không biết tôn trọng giá trị của hôn nhân và hạnh phúc. Ngoại tình dù ở đâu, thời điểm nào, cũng là hành vi vi phạm đạo đức đáng bị chỉ trích. Ngoại tình là một hệ lụy tất yếu nếu như ai đó sống buông thả, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và những người xung quanh; hoặc phiêu liêu mạo hiểm với những cảm xúc nhất thời.
Nạn nhân chịu thiệt thòi nhất của ngoại tình là con trẻ, khi các em phải sống trong cảnh gia đình xung đột, thiếu thốn tình cảm.Việc báo chí đưa các thông tin về ngoại tình của cán bộ công chức ở địa phương, một mặt cho thấy thực trạng phức tạp của ngoại tình: không trừ một nơi nào, một ai; mặt khác là tiếng chuông cảnh tỉnh các cán bộ, công chức địa phương – những người gần dân nhất, cần phải gương mẫu trong các hành vi của mình.
Một cuộc đánh ghen, lột đồ giữa 2 người phụ nữ xảy ra vào giữa tháng 5/2016 tại TP. Hà Nội.
PV: Nhà văn Trang Hạ - một người rất nổi tiếng trong vấn đề bảo vệ phụ nữ nói rằng: Nhiều bà vợ quan chức đang bất lực, không biết làm sao để giải quyết tình trạng ngoại tình khi mà họ chỉ chọn cách im lặng, khăng khăng cho rằng chồng chung thủy mặc dù sự thật hiện hữu trước mắt. Ngoài ra, họ còn được nhận xét là người phụ nữ hiền hậu, biết lo cho gia đình.
Kể cả những người phụ nữ đi ngoại tình cũng còn được hàng xóm nhận xét là đoan trang, trước khi ngoại tình chưa nghe đến chuyện họ lăng nhăng tình ái. Có vẻ như tất cả đang rất “đúng quy trình” nhưng ngoại tình vẫn diễn ra ngày một nhiều?
TS. Dương Kim Anh: Những điều được gọi là “đúng quy trình” ở trên, thực chất đã ẩn chứa những điều bất bình thường, là tác nhân khiến ngoại tình xảy ra ngày một nhiều. Chừng nào xã hội còn cho rằng những hiện tượng nêu trên là “đúng quy trình” thì ngoại tình còn cơ hội phát triển.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao người phụ nữ chọn cách im lặng và bênh vực cho chồng, mặc dù biết rằng anh chồng phụ tình? Liệu trong lòng chị ta có đau khổ không? Có thể người phụ nữ đó không muốn làm to chuyện, gây hại đến uy tín của người chồng. Cũng có thể, chị ta quá nhẫn nhục, quá phụ thuộc vào chồng. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” khiến cho vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội thấp kém hơn so với nam giới.
Bên cạnh đó, với tư tưởng cho rằng “xấu chàng hổ ai”, không nên “vạch áo cho người xem lưng”, nhiều phụ nữ đã trực tiếp dung túng, tiếp tay cho tội ngoại tình. Ngoài ra, định kiến giới ăn sâu bám rễ trong xã hội phương Đông, cho rằng “Đàn ông năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, khiến nhiều phụ nữ phải phụ thuộc, cam chịu trong cuộc sống hôn nhân.
Còn trường hợp người phụ nữ trong mắt hàng xóm là đoan trang, nết na, nhưng một ngày chị ta lại ngoại tình. Điều này cũng có thể xảy ra với người nam giới được cho là nghiêm túc, đàng hoàng. Ngoại tình là một hành vi lệch chuẩn, có thể xảy ra với cả nam giới lẫn nữ giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ che đậy hành vi ngoại tình tốt hơn nam giới, phụ nữ thường kín đáo hơn trong thể hiện tình cảm, tính toán kỹ lưỡng hơn trong các mối quan hệ, v.v.
PV: Ở đây, tôi muốn bàn sâu hơn về người phụ nữ trong các vụ việc ngoại tình. Có người phụ nữ có chồng ngoại tình, có người trực tiếp ngoại tình. Giữa 2 người phụ nữ này, có điểm chung nào không không?
TS. Dương Kim Anh: Có hai điểm chung dễ nhận thấy: Họ đều là phụ nữ; đều có quan hệ liên đới tới hành vi ngoại tình. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ: một bên là nạn nhân, một bên là thủ phạm của hành vi ngoại tình. Từ đó có thể thấy, một người đáng thương, một người đáng trách. Tuy nhiên cũng cần xem xét, lỗi ngoại tình là do ai, do người phụ nữ hay nam giới để có đánh giá phù hợp, tránh áp đặt tư tưởng định kiến lên người phụ nữ.
Tại sao người phụ nữ chọn cách im lặng và bênh vực cho chồng, mặc dù biết rằng anh chồng phụ tình? Liệu trong lòng chị ta có đau khổ không?
PV: Tháng 6/2015, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường có công bố một kết quả điều tra cho thấy, ngoại tình đang trở thành một trong 3 vấn đề lớn của Gia đình Việt Nam ngoài nợ nần và xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Liệu rằng 3 vấn đề này có mối liên hệ gì với nhau không?
TS. Dương Kim Anh: Nếu đặt các từ ở những vị trí khác nhau, chúng ta sẽ thấy được mối liên quan giữa 3 vấn đề: Nợ nần, xung đột giữa các thành viên, ngoại tình; Ngoại tình, xung đột giữa các thành viên, nợ nần; Xung đột giữa các thành viên gia đình, ngoại tình, nợ nần. Trong đó, ngoại tình và xung đột gia đình có mối quan hệ chặt chẽ nhất do ngoại tình là tác nhân tạo nên bất hòa, phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Xét về mặt kinh tế, nợ nần cũng là nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình khiến niềm tin, giá trị đạo đức bị xói mòn, liên kết gia đình trở nên lỏng lẻo khiến người vợ hoặc người chồng bị tách rời khỏi mối liên kết đó. Xung đột gia đình liên quan đến bạo hành tình dục (ép quan hệ tình dục, ác dâm) hoặc bạo hành xã hội (ngăn không cho tiếp xúc với bạn bè, người ngoài) khiến hôn nhân trở thành ác mộng và người phụ nữ/nam giới liên quan dễ sa vào mối quan hệ ngoài hôn nhân, hòng kiếm một mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Ngoài ra nợ nần, xung đột gia đình, ngoại tình đều có liên quan đến bất bình đẳng giới. Bất bình đẳng giới với những phân biệt đối xử mang tính lịch sử vừa là nguyên nhân, vừa là hệ lụy của các vấn đề trên.
PV: Cũng tại nghiên cứu này cho thấy, tình trạng ngoại tình được phụ nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam giới. Cứ 10 chị em thì có hai người cảm thấy đây là vấn đề trong gia đình mình, trong khi con số này ở nam giới chỉ khoảng 1/10. Phải chăng người phụ nữ đang thiếu tự tin về chính bản thân mình?
TS. Dương Kim Anh: Tôi không cho rằng phụ nữ đang thiếu tự tin về chính bản thân mình. Con số “10 chị em thì có hai người cảm thấy đây là vấn đề trong gia đình mình, trong khi con số này ở nam giới chỉ khoảng 1/10” thể hiện một số vấn đề sau.
Thứ nhất, trên thực tế, nam giới ngoại tình nhiều hơn nữ giới khiến nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của ngoại tình hơn nam giới.
Thứ hai, phụ nữ được mệnh danh là “người xây tổ ấm” nên có thể họ quan tâm sát sao hơn tới hạnh phúc gia đình. So với nam giới, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào vai trò tái sản xuất (sinh sản, nuôi dưỡng), trong đó có việc chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình. Trong khi đó, nam giới tham gia nhiều hơn vào vai trò sản xuất và vai trò lãnh đạo cộng đồng nên mối quan tâm của họ tới gia đình ít hơn.
Thứ ba, suy nghĩ, kỳ vọng của phụ nữ và nam giới là khác nhau nên chúng ta sẽ không có được số liệu tách biệt giới như nhau cho cả nam giới và phụ nữ khi tìm hiểu một vấn đề nào đó trên thực tế.
Trân trọng cảm ơn TS. Dương Kim Anh đã chia sẻ với báo Phụ nữ TP. HCM!
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.