Phụ nữ Philippines khao khát "thoát" khỏi hôn nhân độc hại

12/08/2024 - 21:28

PNO - Cho đến nay, Philippines là quốc gia duy nhất ngoài Tòa thánh Vatican cấm ly hôn. Nhiều phụ nữ nước này đang mong đợi quốc hội sửa luật để giải phóng họ khỏi những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

 Jessica, không phải tên thật, lo sợ cho tính mạng của mình sau khi bỏ trốn cùng hai cô con gái để thoát khỏi người chồng vũ phu. (Ảnh: CNA/Wisnu Agung Prasetyo)
Jessica lo sợ cho tính mạng của mình sau khi bỏ trốn cùng 2 cô con gái để thoát khỏi người chồng vũ phu. (Ảnh: CNA/Wisnu Agung Prasetyo)

Jessica sống với người chồng nghiện rượu suốt 15 năm. Chừng ấy thời gian là cơn ác mộng của cô và các con. Một đêm năm 2023, chồng của Jessica lại say xỉn và nổi cơn thịnh nộ. Hắn túm tóc và đập đầu cô vào tường.

Nhưng không giống như trước, lần này, cô con gái 12 tuổi của Jessica xuất hiện và can thiệp. “Không được làm hại mẹ tôi!”.

Chứng kiến ​​lòng dũng cảm của con gái chính là bước ngoặt đối với người mẹ 33 tuổi của 2 đứa con. Sáng hôm sau, trong khi chồng vẫn còn ngủ say, Jessica và 2 cô con gái đã lẻn ra khỏi nhà và đi xe buýt suốt 12 giờ để đến Manila.

Dù đã chạy trốn đến thành phố khác nhưng Jessica vẫn khó có thể thoát khỏi cái bóng của chồng. Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Vatican xem ly hôn là bất hợp pháp.

Nghĩa là ngay cả khi chồng của Jessica vào tù vì tội bạo hành gia đình thì cô vẫn được coi là vợ hợp pháp của hắn ta.

Ngày 22/5, Hạ viện của Philippines đã thông qua Đạo luật ly hôn tuyệt đối và chuyển cho Thượng viện để thảo luận thêm. Nếu dự luật được thông qua tại thượng viện, thì việc ly hôn ở Philippines sẽ là hợp pháp.

Ông Edcel Lagman, một thành viên của Hạ viện và là tác giả chính của dự luật ly hôn cho biết đây là bước tiến xa nhất của Đạo luật ly hôn tuyệt đối. Năm 2018, dự luật cũng đã được hạ viện thông qua nhưng Thượng viện không đưa nó vào danh sách các dự luật ưu tiên để thảo luận. Lần này, ông Lagman tiếp tục đưa lên và một số thượng nghị sĩ ủng hộ. Dự luật còn được sự ủng hộ củaTtổng thống Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr, khi ông nói rằng có những trường hợp cần phải ly hôn.

"Tôi lạc quan rằng trước khi nhiệm kỳ của quốc hội kết thúc vào năm 2025, chúng ta sẽ cùng cộng đồng các quốc gia hợp pháp hóa việc ly hôn" - ông Lagman nói. Dự luật này có thể đưa ra giải pháp giúp một số phụ nữ có thể ly hôn.

Dự luật ly hôn được đề xuất nhằm mở rộng các căn cứ để chấm dứt hôn nhân. Điều này bao gồm bạo lực thể xác đối với người nộp đơn hoặc con của họ. Bà Mavi Millora - tổng thư ký của nhóm vận động Liên minh ly hôn Pilipinas - cho biết, việc không cho phép các cặp đôi chấm dứt hôn nhân đã dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình ở nước này.

Do nạn nhân không có nhiều động lực để báo cáo hành vi lạm dụng, thủ phạm có thể thoải mái lặp lại hành vi nhiều lần. “Chỉ một số ít người lên tiếng và nói rằng họ bị ngược đãi hoặc bỏ rơi. Trẻ em lớn lên, chứng kiến ​​cảnh ngược đãi và nghĩ rằng đó là điều bình thường và ổn, rồi tạo ra một chu kỳ ngược đãi" - bà Millora nói.

Theo một cuộc khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe năm 2022 do Cơ quan Thống kê Philippines thực hiện, 17,5% phụ nữ Philippines trong độ tuổi 15-49 đã từng bị bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần từ bạn tình.

Chu kỳ lạm dụng và cơ hội thoát khỏi nó rất ít, đó là một trong những lý do khiến nhiều người rơi vào trầm cảm.

Trong Báo cáo Sức khỏe tâm trí, công ty bảo hiểm AXA phát hiện ra rằng, năm 2023, có đến 22% phụ nữ Philippines bị căng thẳng nghiêm trọng, 16% bị trầm cảm nghiêm trọng và 6% bị lo lắng nghiêm trọng, gần gấp đôi so với tỉ lệ mắc các vấn đề này ở nam giới.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng có nhiều báo cáo về việc phụ nữ đã kết hôn tự tử sau nhiều năm chịu đựng bạo hành thể xác thường xuyên được đưa tin trên các phương tiện truyền thông Philippines cũng như các trường hợp vợ cố giết chồng.

Tình hình cũng dẫn đến di cư hàng loạt khi những người có hôn nhân gặp trục trặc tìm kiếm một khởi đầu mới xa vợ/chồng của họ ở một thành phố khác hoặc, trong trường hợp của Jessica, là một quốc gia khác. Ngay sau khi rời xa chồng, cô để con cho người chị gái sống ở Manila chăm sóc và đến Ả Rập Xê Út làm người giúp việc.

Theo Viện Chính sách di cư, ước tính có khoảng 10 triệu người Philippines đang sống ở hơn 200 quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 60% lao động Philippines ở nước ngoài là phụ nữ.

Những vấn đề này là một số lý do tại sao việc hợp pháp hóa ly hôn ngày càng được ủng hộ. Một cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện vào tháng Ba cho thấy, 50% người lớn Philippines ủng hộ dự luật, 31% phản đối, phần còn lại vẫn chưa quyết định.

Ông Lagman cho biết, nếu dự luật được thông qua thành luật, sẽ có một khoảng thời gian ngắn hệ thống tư pháp của đất nước thực hiện một vài điều chỉnh trước khi có thể bắt đầu xét xử các vụ ly hôn.

Jessica cho biết cô không thể chờ đến ngày được ly hôn với người chồng vũ phu. "Tôi không nên bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân độc hại như thế này nữa. Tôi muốn công lý. Tôi muốn tự do" - cô nói.

Thảo Nguyễn (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI