Phụ nữ phát triển kinh tế và thách thức trong chuyển đổi số

04/12/2024 - 06:18

PNO - Đây là diễn đàn để đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia, nữ doanh nhân cùng bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong thời đại chuyển đổi số.

Chương trình có sự tham gia của nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM; tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM); bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện Âu Cơ.

Phụ nữ phát triển kinh tế đang gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi số

Các
Các đại biểu trao đổi tại chương trình.

Bà Võ Thị Trung Trinh – Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TPHCM chia sẻ: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của chuyển đổi kinh doanh. Điều quan trọng là làm gì để thích nghi? Việc chuyển từ truyền thống qua số, phụ thuộc vào hiểu biết và khả năng vận dụng của mình"".

Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, với tư cách giáo viên, nhà nghiên cứu, tôi thấy khó khăn nhất trong chuyển đổi số là... sợ. Song cần phải nhìn nhận đây là cơ hội lớn, chúng ta có thể mang sản phẩm bán ở thị trường rộng lớn hơn thay vì trong môi trường làng. Khi vượt qua nỗi sợ, quyết tâm thì không còn có gì khó.

Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên
Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên - Viện nghiên cứu phát triển TPHCM

Theo nhà báo Vũ Kim Hạnh, quy mô của nền kinh tế số năm 2025 đạt khoảng 25% của GDP. Đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 30%. Với sự phát triển như vậy thì sự chen chân của chị em phụ nữ rất quan trọng. Tôi thấy các bạn trẻ mua đồ online “nhay nháy”. Nhưng cần nói khía cạnh khác là sử dụng công cụ số vào phát triển kinh tế. Vận dụng số cho hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả và hỗ trợ thực hiện như thế nào?

Nhà báo Vũ Thị Kim Hạnh
Nhà báo Vũ Thị Kim Hạnh

Về vấn đề này, bà Đậu Thị Mai Liên cho rằng, việc hỗ trợ cần thực chất. Sự kết nối chưa rõ nhưng chính quyền và hiệp hội đang quan tâm hỗ trợ. Bản thân doanh nghiệp phải thể hiện rõ ràng cần hỗ trợ cái gì. Có ý kiến lắng nghe thì có sự hỗ trợ cần thiết và đúng thời điểm.

Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết thêm, kế hoạch phát triển kinh tế số của TPHCM có 2 nội dung gồm: Hỗ trợ nền tảng số thông qua các hội, doanh nghiệp… và kết hợp chuyển đổi số qua thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Việc này có thực hiện thí điểm ở quận Phú Nhuận và ghi nhận thành công. Thực tế cho thấy, một khi dư địa kinh doanh ở kênh truyền thống không còn thì chúng ta phải nghĩ tới kinh tế số, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi. Có kế hoạch rồi thì làm sao hỗ trợ cho hiệu quả. Chúng ta có kênh Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM và thông qua đó để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra kết hợp nội dung đào tạo thông qua các Hiệp hội, quỹ, để hỗ trợ chị em chuyển đổi số.

Bà Võ Thị Trung Trinh
Bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TPHCM.

Ví dụ 2025 chúng tôi hỗ trợ chuyển đổi kỹ năng số cơ bản cho người dân, giúp họ tiếp cận dịch vụ số. Bên cạnh đó hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Ví dụ sau khi tham gia chương trình hôm nay của Báo Phụ nữ TPHCM thì tôi có điều chỉnh để hỗ trợ chị em tiếp cận phù hợp hơn. Tôi chỉ có lời khuyên là: "Trong chuyển đổi số thì chủ thể quyết định lớn. Chúng tôi có lời khuyên là chị em mạnh dạn tìm hiểu công nghệ để chuyển đổi phù hợp".

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện Âu Cơ đề nghị, chị em phụ nữ phải chủ động tiếp cận học hỏi, hiện có rất nhiều môi trường, nền tảng chung tay hỗ trợ. Hawee có rất nhiều chương trình, nếu chị em biết về Hội Nữ doanh nhân thì biết chúng tôi có nhiều chương trình hỗ trợ như hội thảo, các khóa tập huấn hoặc trường hợp nào muốn học hỏi tấm gương thành công thì có hỗ trợ “một người kèm một người” để các chị em phát triển được năng lực của mình, tham quan nhà máy để học hỏi thêm về việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ doanh nhân TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện Âu Cơ.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh nhận định: "Tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên có đưa ra khía cạnh khá sắc sảo trong chuyển đổi số. Trong kỹ thuật số, nếu nhuần nhuyễn sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng chuyển đối số trong doanh nghiệp chỉ có 20% là thành công, còn lại chưa thành công. Lý do là vì nghĩ rằng chuyển đổi số là của kỹ thuật công nghệ. Vậy để chuyển đổi hiệu quả thì doanh nghiệp cần phải như thế nào?"

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh cho rằng, hầu như các doanh nghiệp đều nhận thức rằng chuyển đổi số là quan trọng nhưng để đạt hiệu quả giá trị cao nhất phải đi từ dưới lên trên. Để chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp cần phải để chuyển đổi số ăn vào văn hóa, thay đổi tư duy của toàn bộ bộ máy và phải hiểu đó là sự sống còn. Nếu đầu tư máy móc hiện đại mà người sử dụng không hiểu, không tiếp cận thì không đạt được thành công. Phải thay đổi tư duy, ý nghĩ để tiếp tục phát triển bền vững chứ không phải làm theo bề nổi. Thay đổi văn hóa tiếp cận công nghệ tạo giá trị bền vững hơn nhiều.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh đặt câu hỏi với bà Võ Thị Trung Trinh: "Thách thức nào là quan trọng trong chuyển đổi số?''

Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, thách thức lớn nhất là nhận thức và văn hóa doanh nghiệp và đây là yếu tố quan trọng. Yếu tố tiếp theo là kỹ năng số. Khi chúng ta nói về kỹ năng số bao hàm nhiều. Tuy nhiên khi đưa vào từng góc cạnh thì khác. Ví dụ bắt đầu sẽ làm sao sử dụng thành thạo, quen thuộc. chúng ta trả lời qua email, hay họp trực tuyến… Chuyển đổi số không thành công phần lớn là câu chuyện kỹ năng số. Đối với người chủ doanh nghiệp, giai đoạn đầu chuyển đổi thì chưa rõ ràng sự kết hợp kinh tế số đưa vào. Vì gốc của vấn đề là đưa vào kinh doanh mô hình phù hợp. Yếu tố quyết định là thay đổi mô hình kinh doanh. Trước câu chuyện dùng số thì 80% phải biết kỹ năng. Khi nói kỹ năng thì hiểu biết rồi mới biết ai là người sử dụng nó. Không có phép màu là đầu tư dự án 200 triệu sẽ giúp tăng doanh thu 10-20% đâu, mà nó phụ thuộc vào mô hình chúng ta chuyển đổi.

Bà
Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM tặng hoa cảm ơn các đại biểu tham gia chương trình.

Tại chương trình, nhà báo Vũ Kim Hạnh đã nhận được câu hỏi từ bạn đọc Mỹ Duyên - ở một công ty kinh doanh nông sản hỏi: ''Tôi cần được hỗ trợ về vốn, công nghệ, hãy cho tôi biết tôi liên hệ tổ chức nào?''

Nhà báo Vũ Kim Hạnh cho biết: ''Thưa các bạn, tổ chức hỗ trợ vốn là đoàn thể, có thể có hỗ trợ vốn trung bình hay nhỏ, còn lại là nhờ ngân hàng thôi. Riêng về công nghệ thì TPHCM chọn người phụ nữ năng động làm Giám đốc trung tâm, với nhiều kỳ vọng thúc đẩy chuyển đổi số. Chúng ta cũng biết thành phố có chương trình đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học Công nghệ và khá nhiều chương trình khác. Vậy chị Trung Trinh có thể cho biết doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn ở đâu? Doanh nghiệp trung bình tiếp cận ở đâu?

Bà Võ Thị Trung Trinh nói: Thứ nhất, liên quan đến tiếp cận thì nơi nào gần mình nhất sẽ hỗ trợ mình tốt nhất. Ví dụ tổ chức gần với các chị nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Thứ hai, chúng tôi đang phối hợp với các hiệp hội thực hiện các chương trình hướng đến đối tượng hỗ trợ phù hợp. Mặc dù tôi là người làm kỹ thuật, nhưng tôi đề cao vai trò của cá nhân, người thực hiện chứ không phải là công nghệ quyết định. Hành trình này không chỉ là câu chuyện bán hàng thành công trong 1-2 tháng mà là cả quá trình, là đứa con tinh thần cần quá trình từ 2-3 năm. Quá trình này luôn đi cùng quá trình vận hành của doanh nghiệp chứ không phải dự án đơn lẻ. Chúng tôi muốn đồng hành cùng chị em, doanh nghiệp nữ trong câu chuyện là cả quá trình mới đi đường dài.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ, tôi có kinh nghiệm đi cùng chương trình khởi nghiệp xanh. Lớp doanh nhân trẻ họ có thể chia sẻ với nhau nhiều, chăm sóc nhau trong thực hành. Vì vậy trước khi tôi khái quát từ khóa ''chuyển đổi số'' cho phụ nữ, vậy mỗi bạn cho tôi một câu trả lời, một lời khuyên cho bạn đọc.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh nói: ''Giống như câu đầu tôi vẫn nói đó là “thích ứng”. Tất cả các môi trường từ cuộc sống tới công việc thì mới nhanh và hiệu quả''.

Bà Đậu Thị Mai Liên khẳng định: ''Vẫn là câu nói đầu tiên “chủ động” gồm chủ động học hỏi, chủ động tham gia''.

Bà Võ Thị Trung Trinh thì cho rằng phải “đam mê”. Khi bắt đầu chuyển đổi từ truyền thống qua cái mới thì phải đam mê để có thất bại thì vẫn bắt đầu lại được''.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh đồng tình, phải đam mê thì mới chủ động và quan trọng nữa là thích ứng. Tôi xin tóm lại các nội dung: ''Chuyển đổi số đặt ra sự tham gia của người phụ nữ đặt trong mối quan tâm của toàn xã hội. Các gia đình, đơn vị, trường học. Tại sao nói gia đình, vì ông xã - người đồng hành với chị em phụ nữ phải hiểu. Quan trọng hơn là chính sách của nhà nước phải hỗ trợ thiết thực, trang bị hiệu quả cho người thụ hưởng là người phụ nữ. Điều quan trọng nữa là dù chính sách tốt mà người phụ nữ không chủ động thì không thành công. Do đó tôi nghĩ chúng ta có nền tảng chính sách, chúng ta có tạo cơ hội cho người phụ nữ, sự tham gia của các chị có sự bền bỉ sẽ mang lại kết quả tốt''.

Chương trình được phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên trang Facebook (fanpage) và phiên bản điện tử Báo Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn), trên fanpage của Hội LHPN TPHCM và hội LHPN các cấp.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho các đại biểu dự talk show qua email toasoan@baophunu.org.vn hoặc qua số điện thoại 0913159315. Rất mong nhận được sự quan tâm, tương tác của quý bạn đọc.

Hoa Lài - Mai Ca

Ảnh: Phùng Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI