Jasmin Vertanen, 24 tuổi, cho biết, những ngày giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 vừa qua khiến cô cảm thấy bức bối đến phát điên.
Vì vậy, theo cô, việc được thỏa sức “quậy tanh bành” trong một căn phòng chứa đầy đồ đạc cũng là một ý hay khi giúp giải tỏa căng thẳng hay những cơn giận dữ.
|
Một cô gái đang đập phá đồ đạc bên trong "căn phòng trút giận" ở Phần Lan - Ảnh: Matti Myller/Yle |
Vertanen không phải là trường hợp duy nhất có sở thích tưởng như “kỳ quặc” này bởi mô hình “căn phòng trút giận” đã xuất hiện ở nhiều quốc gia từ cách đây hơn 10 năm trước. Khách hàng sẽ trả tiền để được đập phá thỏa thích những đồ vật được bày biện bên trong căn phòng đặc biệt này nhằm “hạ hỏa” và giải tỏa stress.
“Căn phòng trút giận” đầu tiên ở Phần Lan được khai trương tại thành phố Jyväskylä từ năm 2017 nhưng sau đó bị đóng cửa mà không rõ lý do. Thế nhưng gần đây, một cơ sở cung cấp dịch vụ giải tỏa stress mang tên Raivoomo vừa ra đời tại quận Merihaka ở thủ đô Helsinki. Cơ sở này do anh Janne Raninen, 44 tuổi, vừa chấp hành xong án tù 17 năm vì tội giết người, mở và quản lý.
“Tôi từng có một thời tuổi trẻ nổi loạn và bất chấp hậu quả. Thế nhưng, sau những ngày sống trong tù, tôi nhận ra rằng, sẽ rất tốt nếu các bạn trẻ có một nơi an toàn để giải tỏa những căng thẳng hay ẩn ức của bản thân thay vì làm những điều ngu ngốc để rồi phải trả giá đắt ”, anh Raninen cho biết lý do anh khởi nghiệp với mô hình “căn phòng trút giận”.
|
Anh Janne Raninen, chủ nhân của một "căn phòng trút giận" vừa mới khai trương ở Phần Lan - Ảnh: AFP |
Anh Raninen cho biết, mặc dù mới khai trương được 2 tháng nhưng "căn phòng trút giận" của anh không còn một chỗ trống nào. Hầu hết khách hàng (80%) "đặt gạch" là những phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 40.
“Đập phá đồ đạc giúp mang lại cho tôi cảm giác thoải mái, và sau đó là trạng thái bình tâm trở lại với một tách cà phê để bắt đầu những ngày bình thường tiếp theo”, cô Vertanen, một trong những khách hàng đầu tiên của căn phòng trút giận Raivoomo cho biết.
“Tôi cảm thấy thật tuyệt. Những gì cần làm là trút hết mọi cảm xúc tiêu cực vào đống đồ đạc kia”, cô Sanna Sulin, 50 tuổi, vừa lau mồ hôi vừa nói sau khi đã đập vỡ một loạt đồ đạc gồm những chiếc máy in cũ, một máy hút bụi, và cả đống đĩa nhạc với những bài hát mà cô yêu thích.
Mặc dù Phần Lan là một quốc gia nổi tiếng về bình đẳng giới, nơi hầu như không có sự phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thế nhưng “thái độ nóng giận của phụ nữ vẫn là điều bị đánh giá tiêu cực, và họ được khuyên không nên bày tỏ điều đó ra bên ngoài”, anh Raninen tiết lộ.
Đại dịch COVID-19 được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng, và cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi trẻ ly hôn. Điều này dẫn đến “những căn phòng sơn màu hồng và được trang trí bằng trang phục cô dâu chú rể cũng rất đắt khách”, anh Raninen cho biết.
|
Căn phòng với những bộ đồ cưới được các quý bà quý cô lựa chọn nhiều nhất - Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, những “căn phòng trút giận” này không phải là một hình thức trị liệu tâm lý chuẩn mực.
“Các nghiên cứu đều cho thấy những hành động như thế này không giúp làm giảm sự ức chế tâm lý”, bác sĩ tâm lý Satu Kaski giải thích.
Theo bác sĩ Kaski, giận dữ là một dạng cảm xúc như những cung bậc cảm xúc “hỉ nộ ái ố” thông thường khác của con người. Và khi cơn giận xảy đến ở mức không thể kiềm chế được thì tốt hơn hết, chúng ta nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được trợ giúp đúng cách.
Anh Raninen đồng ý với giải thích của bác sĩ tâm lý Kaski.
“Về lâu dài, nếu gặp vấn đề, tốt nhất là bạn nên tìm gặp một nhà trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, những căn phòng trút giận này cũng rất hữu ích khi có thể giúp bạn giải tỏa cơn nóng giận ngay tức thì”, anh Raninen nói.
|
Đồ đạc bị khách hàng đập phá bên trong "căn phòng trút giận" - Ảnh: AFP |
|
Phụ nữ Phần Lan tìm đến "căn phòng trút giận" để giải tỏa stress - Video: CGTN Europe |
Ở Việt Nam, vào năm 2017, mô hình “căn phòng trút giận” cũng từng xuất hiện tại một quán cà phê ở Hà Nội. Tại đây, sau khi mua vé với giá 200 nghìn đồng/45 phút, khách hàng sẽ được thỏa sức đập phá những đồ đạc mà mình tìm thấy trong căn phòng này để giải tỏa tâm lý và áp lực trong công việc hay cuộc sống hàng ngày. “Căn phòng được thiết kế khép kín, bên trong có rất nhiều các đồ vật đã cũ như nồi cơm điện, tivi, chén, bát, chai lọ… để khách hàng có thể thoải mái đập phá", anh Nguyễn Ngọc Thịnh, chủ nhân của “căn phòng trút giận" chia sẻ, và cho biết thêm rằng, khách hàng thường xuyên của mình là sinh viên và dân công sở. Trước khi bước chân vào phòng, khách hàng được trang bị các thiết bị bảo hộ cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, như: quần áo, găng tay, mũ bảo hiểm và các dụng cụ để đập phá đồ vật bao gồm gậy bóng chày, xà beng… Tuy nhiên, sự xuất hiện của loại hình dịch vụ “độc lạ” này cũng gây nên nhiều tranh cãi khi một số người lo ngại việc đập phá đồ đạc, cho dù là ở một căn phòng bên ngoài, cũng sẽ cổ xúy tình trạng bạo lực gia đình. | "Căn phòng trút giận" này là nơi khách hàng có thể thỏa sức đập phá để xả stress - Ảnh: CAND |
|
Nguyễn Thuận (theo France 24, YLE)