Phụ nữ phá Tam Giang làm du lịch

07/05/2024 - 06:09

PNO - Xưa nay những người phụ nữ ven phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ quen với mò trìa bắt cá, khái niệm làm du lịch sinh thái với họ còn xa lạ. Nhưng giờ đây tư duy đã thay đổi, chị em vùng sóng nước đã biết cùng nhau làm du lịch và quảng bá quê hương mình.

Cô gái xứ Thanh bén duyên vùng đầm phá

Nắng chiều ngả về hướng phá Tam Giang, bỏ lại phía sau những con thuyền chài heo hút giữa mênh mông sóng nước. Trên bến, du khách bắt đầu lên thuyền để ra phá ngắm hoàng hôn. Chị Lường Thị Hiền - người khai sinh hoạt động du lịch trải nghiệm ở làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế - bơi thuyền ra chào đón chúng tôi đến với phá Tam Giang.

Chị Lường Thị Hiền (bìa trái) yêu thích và gắn bó với công việc hướng dẫn khách du lịch ở phá Tam Giang
Chị Lường Thị Hiền (bìa trái) yêu thích và gắn bó với công việc hướng dẫn khách du lịch ở phá Tam Giang

Quê ở vùng núi Thanh Hóa, chị Hiền theo học ngành du lịch, về làm việc tại Đà Nẵng rồi quen và nên duyên vợ chồng với một chàng trai ở làng Ngư Mỹ Thạnh. Năm 2014, công việc ở Đà Nẵng khó khăn, vợ chồng chị dắt nhau về quê chồng tìm kế mưu sinh. Cùng thời điểm này, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương và ngành du lịch Thừa Thiên - Huế, làng Ngư Mỹ Thạnh cũng bắt đầu làm quen với du lịch cộng đồng.

Được sự động viên của chồng, chị Hiền cùng với nhiều phụ nữ ở làng bắt đầu tổ chức các hoạt động du lịch đầu tiên. Bằng những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm thực tiễn, chị Hiền mạnh dạn đầu tư xây dựng dự án “Tổ du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh” và tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Với mục đích hướng tới việc quảng bá nét đẹp thiên nhiên và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, dự án của chị đã đoạt giải Ba.

Thuận lơi từ "vạn sự khởi đầu nan"

Sau hơn 3 năm, dự án khởi nghiệp của chị Lường Thị Hiền đã phát triển thành Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch cộng đồng xã Quảng Lợi với 42 thành viên, hơn một nửa là phụ nữ và hội viên phụ nữ. Cô dâu Lường Thị Hiền của làng Ngư Mỹ Thạnh được tín nhiệm giữ chức Phó giám đốc HTX, kiêm luôn công việc quan trọng là tổ chức tour tuyến, hướng dẫn viên du lịch.

Điểm đến cho du khách giờ đã vượt khỏi quy mô thôn, trải rộng ra khắp xã. Du khách được trải nghiệm trên phá Tam Giang cùng chợ nổi, được làm ngư dân (bủa lưới, đổ nò bắt cá…), được chèo thuyền, tham quan rừng ngập mặn và làng Bích Họa, được làm nông dân tham gia trồng rau xanh… Các hoạt động du lịch trải nghiệm được HTX tổ chức theo nhu cầu. Đặc biệt, du khách còn được hướng dẫn để tự tay chế biến các món đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang.

Du khách thích thú cùng chị Lường Thị Hiền (ngồi phía trước) tham quan phá Tam Giang
Du khách thích thú cùng chị Lường Thị Hiền (ngồi phía trước) tham quan phá Tam Giang

Tổ hướng dẫn viên du lịch do Lường Thị Hiền phụ trách có 4 thành viên thì có 3 phụ nữ là các chị Hà Thị Kim Lim (Phó chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Lợi), chị Đào Thị Bích và Trần Thị Xê (đều là ngư dân trên đầm phá). Thường ngày, họ vẫn làm những công việc của ngư dân trên đầm phá. Ngày nào có du khách đến thì họ tranh thủ làm hướng dẫn viên.

Mùa hè, khách đông, mỗi ngày các chị có thu nhập khoảng 300.000 đồng. Hướng dẫn viên Đào Thị Bích cho biết, ngày trước chưa tham gia vào du lịch cộng đồng, chị em phụ nữ ở làng Ngư Mỹ Thạnh chủ yếu làm nghề ngậm chì đan lưới. Cái nghề đặc biệt ấy khiến con gái mất đi nụ cười duyên, gặp người lạ chẳng dám hé miệng, cũng chẳng dám lên sân khấu hát hò vì hàm răng đen của mình.

Nhiều chị, nhiều cô không dám ra khỏi làng và nếu có chồng cũng chọn người trong làng. Còn bây giờ, làm du lịch cộng đồng, chị em được tham gia hướng dẫn, biểu diễn nghề cho du khách xem, chị em rất vui. Nhờ phục vụ du lịch mà họ nuôi được con ăn học, sửa sang nhà cửa. “Nhờ chị Hiền chọn đúng nghề để chị em chúng tôi tham gia mà ai cũng rất vui vì có thêm thu nhập mỗi ngày” - hướng dẫn viên Trần Thị Xê kể.

Dù là Phó giám đốc HTX nhưng chị Hiền bảo, du lịch cộng đồng vẫn là nghề phụ, thu nhập chính của chị vẫn là từ nghề đặt lừ bắt cá. “Cái khó là công việc chỉ kéo dài 6 tháng (từ tháng Ba đến tháng Chín). Rất mong ngành du lịch sớm tìm ra những sản phẩm du lịch thích hợp vào mùa đông để chị em vùng đầm phá Tam Giang có thu nhập ổn định lúc đông về”.

Nhiều lần làm khách du lịch trải nghiệm trên phá Tam Giang, tôi được chào đón nồng nhiệt, được nghe tiếng nói dịu dàng và cảm nhận được sự thân thiện của các hướng dẫn viên. Đến với xã Quảng Lợi, tôi có cảm giác thật lạ mà cũng thật thân quen khi được gặp những người dân chân chất đang tập tành làm du lịch. Và điều đáng ghi nhận ở mỗi điểm đến là hoạt động trải nghiệm đúng chất “sinh thái dựa vào cộng đồng”.

Mọi việc như đang rất thuận lợi từ “vạn sự khởi đầu nan”.

Phát triển du lịch biển và đầm phá là một trong những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quảng Điền với quyết tâm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ du lịch. Làm du lịch vừa là làm kinh tế, vừa là hoạt động văn hóa. Phụ nữ vùng đầm phá ven biển Quảng Điền chỉ mới khởi sự nên vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực vẫn khan hiếm. Bên cạnh năng lực và kỹ năng về du lịch còn khiêm tốn thì cái khó hơn cả là người làm du lịch chưa thực sự đam mê và thiếu sự đầu tư.

Bà Trần Thị Phương Nhung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Điền

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI