|
Những trò lừa thường nhắm vào những chị em nghèo (ảnh minh họa) |
Vũ kể, hai vợ chồng làm nhân viên phục vụ quán lẩu cá kèo, con trai gần 5 tuổi đang gửi nội ở Đồng Tháp. Hằng ngày, sau khi xong việc ở quán lẩu lúc 10 giờ tối, Vũ chạy xe ôm công nghệ tới 2 giờ sáng.
Mỗi ngày Vũ ngủ có 4 tiếng, sáng 6 giờ phải ra quán. Hồi dịch giã, bao nhiêu người khó, hai vợ chồng vẫn may mắn có việc và chăm chỉ làm việc. Tích góp được chút đỉnh, vui, 2 đứa “thả”, giờ vợ Vũ đang mang bầu 4 tháng. Thương vợ, Vũ xin chủ quán cho vợ ở nhà. Công việc phục vụ luôn tay luôn chân, chạy tới chạy lui không ngớt, em đây trai tráng nhiều khi còn không chịu nổi, vợ em bụng bầu sao chạy bàn nổi.
Vợ Vũ ở nhà lo cơm nước. Cái phòng trọ nhỏ xíu, nóng hập, giờ trưa phải ra ngoài sân ngồi mới thở nổi. Vợ Vũ nghe mấy chị em khu trọ bàn tán, nhiều người ở nhà nhưng biết bán hàng trên mạng nên vẫn có tiền mà khỏe ru. Với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh để phụ chồng mua tã sữa cho con, vợ Vũ bắt chước người ta lên mạng xã hội cộng tác bán hàng, lên đơn, rồi bị gạt.
“Nó bị gạt nhưng không dám nói em, nó sợ em giận. Tới chừng hết tiền, hết gồng nổi rồi mới khóc và kể. Vợ đang bầu, em sợ nên cũng không dám nói gì” - Vũ kể.
Vợ Vũ bị gạt mất hơn 20 triệu đồng, là số tiền tích góp từ lương chạy bàn quán lẩu, chuẩn bị để sinh con. Không chỉ vợ Vũ, nhiều người trong xóm trọ cũng dính.
Chị Thiện, mới nghỉ hưu, bị lừa gần trăm triệu đồng - số tiền để dành cho tuổi già. Chị Hương làm công nhân may, con đang đi học, mấy tháng nay ở nhà vì công ty giãn việc, giờ thêm lao đao khốn đốn vì bị chiếm đoạt mười mấy triệu đồng, trong đó có cả tiền chị phải đi vay.
Phần lớn chị em kể trên không hề dư dả tiền bạc. Họ là những bà nội trợ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập… Mong muốn kiếm thêm chút tiền nuôi con, chăm lo nhà cửa, họ bị dụ vào những cái bẫy “chốt đơn”, “lên đơn”, “cộng tác viên” vô cùng tinh vi trên mạng.
Chị em sau 1, 2 lần bị mồi nhử, bắt đầu dốc thêm tiền vào, cũng là bắt đầu bị lừa. Xót tiền, lại nghe dụ phải nộp thêm thì mới lấy lại được tiền, chị em vét túi nộp thêm.
Tiền càng nộp càng mất, chị em sợ không dám nói với chồng, cố bám víu hy vọng sẽ lấy lại được tiền, cố năn nỉ hòng lay động trái tim của kẻ lừa đảo. Vô ích thôi.
Trò lừa đã được lên kế hoạch lớp lang chặt chẽ, trò lừa có hàng trăm hàng vạn nạn nhân, làm gì có chút nước mắt nào cho người bị lột đến chỉ còn hai bàn tay trắng.
Cõi mạng thảo mai đầy lời lẽ ngọt ngào nhưng dối trá, cõi mạng vô hồn, cõi mạng vô tình, con người ta không nhìn thấy nhau, không xót thương nhau. Đó là những “trò chơi con mực”, vô nhân diện, vô nhân tính, vô cảm.
Số người thừa nhận bị lừa đã rất nhiều, số người bị lừa mà đành âm thầm ngậm đắng nuốt cay còn nhiều hơn, không ngoại trừ cả nam giới. Nhiều người xấu hổ không dám tố cáo đến công an, sợ bị cười “dại mà đòi làm khôn”, “ngu”, “tham tiền”, “đòi việc nhẹ lương cao”. Nhiều chị em tự bào chữa: thì mình cũng chỉ muốn xoay xở lo cho gia đình, “tui kiếm tiền đâu phải cho riêng tui”.
Ôi chị em, các chị không hề nghĩ rằng mình bị lợi dụng bởi chính cái bao biện, cả tin của mình. Một bà nội trợ quanh năm gạo dầu mắm muối tã sữa làm sao một ngày bỗng đại nhảy vọt thành doanh nhân thành công. Tiền mất, lòng tin vợ chồng cũng sứt mẻ, tâm trí hoang mang, người nhà cũng bất lực biết việc đòi lại tiền khó đến không thể, cuộc sống của cả gia đình không chỉ khó khăn ngặt nghèo hơn mà còn nặng nề, bế tắc.
Phụ nữ muốn cố gắng tự kiếm tiền, hãy học - đổ mồ hôi, huy động trí não. Phụ nữ đừng biến mình, tiền của và gia đình thành học phí vô lối, nuôi béo những kẻ bất lương. Đành rằng chị em kiếm tiền cũng là để lo cho gia đình, nhưng trong “thời mạng” này, rất dễ bị lừa, nên làm gì cũng phải bàn bạc với chồng, phải có kế hoạch, phải thận trọng.
Phụ nữ thường cảm tính. Thẳng thắn với nhau vậy đi, chị em càng giấu, càng chối cái “cảm tính” ấy, càng nguy hiểm. Phụ nữ, một khi đã thích, đã muốn cái gì thì dù có cả biển thông tin chị em cũng chỉ nghe cái họ muốn nghe, chỉ thấy cái họ muốn thấy.
Thôi thì, bên cạnh cái màn hình điện thoại, chị em hãy nhớ luôn nhìn vô cuộc sống thực của mình. Tiền không phải là con số, không phải là ví điện tử, không phải là chốt đơn, không phải để chuyển tới chuyển lui. Tiền là vị đắng của con cá kèo, cả mình và chồng mình đều phải còng lưng mỗi ngày làm việc; tiền là mồ hôi của chồng mình thấm ướt áo khoác xe ôm công nghệ trong ngày nắng, không thể nhắm mắt ngó lơ.
Chẳng có tiền nào dễ kiếm cả đâu. Từng đồng bạc chắt chiu đem về cho vợ, bởi người chồng tin vợ là cái bao tử của cả nhà, là cơm no ngày giáp hạt, là quỹ bảo hiểm thương yêu. Phụ nữ ơi, hãy giữ gìn niềm tin ấy nhé.
Hạnh Dung