“Phụ nữ ơi, đừng khóc”

21/11/2020 - 07:10

PNO - "No Woman No Cry" là bức tranh do họa sĩ Chris Ofili sáng tác năm 1998. Tác phẩm này giúp anh giành được giải thưởng nghệ thuật Turner cùng năm. Đằng sau bức tranh là câu chuyện cảm động về phụ nữ da màu giữa cuộc sống phương Tây.

Bi kịch của một người mẹ

Trong tác phẩm của Chris Ofili, các yếu tố văn hóa và nghệ thuật - cả thiêng liêng và trần tục, quan điểm cá nhân và chính trị, nghệ thuật cao cấp và văn hóa đại chúng - kết hợp nhuần nhuyễn. Tất cả phác họa ý tưởng về cái đẹp, đồng thời mang thông điệp thấm đẫm văn hóa của người da màu, lịch sử châu Phi và chủ nghĩa siêu thực mà tác giả đón nhận từ dòng máu Nigeria. 

Chris Ofili từng đoạt giải thưởng Turner của Anh, nổi tiếng với những bức tranh mang bản sắc của người da màu, kết hợp cùng chất liệu phân voi
Chris Ofili từng đoạt giải thưởng Turner của Anh, nổi tiếng với những bức tranh mang bản sắc của người da màu, kết hợp cùng chất liệu phân voi

Ofili trở nên nổi tiếng vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước với những bức tranh dàn dựng phong phú, kết hợp các chấm sơn gợn sóng, nhũ vàng lấp lánh, hình ảnh cắt dán và phân voi - vật liệu thô sơ được đánh vecni. các chi tiết thường được đính vào tranh bằng đinh ghim bản đồ, dán lên bề mặt hay đảm nhiệm vai trò điểm tựa cho khung tranh. Đó là một sự kết hợp về độ cao vật lý và liên kết biểu tượng với hình ảnh trái đất. Họa sĩ giành giải thưởng Turner năm 1998 và trong hơn hai thập niên qua, tác phẩm của Ofili lần lượt được triển lãm tại nhiều tổ chức quốc tế. 

Năm 2003, Ofili được chọn để đại diện cho nước Anh tại cuộc triển lãm Venice Biennale lần thứ 50, nơi anh trình bày bộ sưu tập Within Reach đầy tham vọng của mình. Năm 2010, nhà triển lãm Tate Britain có buổi quảng bá sâu rộng về tác phẩm của anh và vào năm 2014, sự kiện Night and Day tại Bảo tàng New, New York, giới thiệu hơn ba mươi bức tranh chính của Ofili, bên cạnh các bức vẽ và tác phẩm điêu khắc trong suốt sự nghiệp của anh.  

Bức tranh nổi tiếng, gây nhiều tranh cãi nhất của Ofili là tác phẩm The Holy Virgin Mary (1996) được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn  năm 1999, trong khuôn khổ cuộc triển lãm Sensation của Charles Saatchi
Bức tranh nổi tiếng, gây nhiều tranh cãi nhất của Ofili là tác phẩm The Holy Virgin Mary (1996) được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Brooklyn năm 1999, trong khuôn khổ cuộc triển lãm Sensation của Charles Saatchi

No Woman No Cry là một bức tranh rất lớn (cao 2,4m, rộng 1,8m, nhiều lớp trên vải canvas) mô tả người phụ nữ da màu đang khóc giữa tấm lưới đan bằng nhiều hình mẫu trừu tượng. Người phụ nữ có mái tóc sẫm màu và nước da đen bóng. Cô ấy trang điểm bóng mắt xanh, môi son đỏ, đeo một chuỗi hạt màu nằm ngay dưới chân tóc và một chiếc vòng cổ mảnh màu đen. 

Mặt dây chuyền của cô được làm từ phân voi, tạo hình trái tim màu đen. Ngực của người phụ nữ có một vùng sơn màu đỏ, cam và vàng rực rỡ như ngọn lửa đang bùng cháy. Tương phản với đó là hàng loạt giọt nước mắt màu xanh lam nhạt chảy xuống từ đôi mắt mà nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng tất cả đều mang hình ảnh khuôn mặt của một cậu bé.

Nền bức tranh có sự pha trộn giữa màu xanh lá cây nhạt và màu vàng tươi, với tấm lưới đan chéo toàn bộ chân dung. Bên cạnh đó là các đường chấm kết nối từ những hình trái tim màu đen xuất hiện ở trung tâm của mỗi hình thoi tạo thành từ tấm lưới. Chạy theo bốn đường ngang trên tấm canvas, dòng chữ “RIP Stephen Lawrence 1974-1993” xuất hiện rất mờ bên dưới lớp tranh chính, với dòng chữ dưới cùng bị che khuất hoàn toàn bởi vai của người phụ nữ.

Bức tranh do Chris Ofili thực hiện năm 1998 khi ông đang sống và làm việc tại London. 

Tựa đề của tác phẩm này được Ofili lấy cảm hứng từ tên một bài hát ra mắt năm 1974 của nhạc sĩ người Jamaica Bob Marley.

Tác phẩm Ovid-Actaeon, 2011-12 sử dụng sơn dầu và than trên vải lanh, miêu tả khung cảnh thần thoại giữa các vị thần và con người
Tác phẩm Ovid-Actaeon, 2011-12 sử dụng sơn dầu và than trên vải lanh, miêu tả khung cảnh thần thoại giữa các vị thần và con người

Dòng chữ mờ phía sau bức chân dung chỉ ra rằng người phụ nữ đang khóc là Doreen, mẹ của Stephen Lawrence. Stephen Lawrence bị sát hại khi còn là thiếu niên trong vụ tấn công phân biệt chủng tộc vô cớ ở London năm 1993. Người mẹ trong tranh thương tiếc sự mất mát oan uổng của đứa con trai nhưng vẫn ngẩng cao đầu; những giọt nước mắt rơi xuống chứa đựng hình ảnh của cậu con trai Stephen, cho thấy gánh nặng tình cảm ẩn chứa bên trong. 

Sau khi cha mẹ của Lawrence vận động cuộc chiến công lý suốt 5 năm, Jack Straw - thư ký nội vụ Anh lúc đó - đã công bố một cuộc điều tra tư pháp về quá trình điều tra của cảnh sát sau vụ sát hại Stephen. Hai năm sau, báo cáo Macpherson 1999 cho thấy hành vi của cảnh sát thiếu chuyên nghiệp và phân biệt chủng tộc, 70 khuyến nghị đi kèm dẫn đến việc sửa đổi luật quan hệ chủng tộc của Anh. 

Người phụ trách phòng trưng bày nghệ thuật Tate ở London (nơi đặt bức tranh) - đã viết: "Ofili vô cùng xúc động khi chứng kiến nỗi đau khôn nguôi âm thầm giày xéo Doreen Lawrence sau cái chết bi thảm của cậu con trai”. Dù vậy, nỗi đau đó dường như có sự chuyển hóa qua mỗi cuộc phỏng vấn mà Doreen tham gia, khi cô ấy càng trở nên mạnh mẽ và trả lời mọi câu hỏi với bản lĩnh của một người mẹ muốn tìm kiếm công lý cho 
con mình.

“Phụ nữ ơi, đừng khóc”

Tác phẩm No Woman No Cry được Ofili dành tặng cho người mẹ mất con vì nạn  kỳ thị sắc tộc
Tác phẩm No Woman No Cry được Ofili dành tặng cho người mẹ mất con vì nạn kỳ thị sắc tộc

Như đã đề cập ở trên, No Woman No Cry là tựa đề bài hát kinh điển của danh ca Bob Marley, giai điệu đã vượt qua biên giới Jamaica để lan ra toàn thế giới. Khi vừa xem tựa đề, nhiều người có thể lầm tưởng rằng bài hát ám chỉ “không có phụ nữ, sẽ chẳng còn những niềm đau”, nhưng không phải vậy. Ca từ gốc của bài hát này trong tiếng Jamaica là “No, woman, nuh cry", với động từ “nuh” theo tiếng bản địa nghĩa là “đừng”. Người đàn ông trong bài hát quyết định ra đi và nói với người phụ nữ của mình rằng “thôi em đừng khóc, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà”.

Sự ra đi của người đàn ông trong bài hát không phải là dứt bỏ một cuộc tình mà là hiện thân cho sự phản kháng với một xã hội bất công và những nguyện vọng không thành hiện thực. 

Bài hát thuộc thể loại reggae và phát hành trong album phòng thu Natty Dread năm 1974. Dù vậy, tác phẩm chỉ thu hút sự chú ý khi phiên bản trực tiếp trình diễn năm 1975 tại London được phát hành dưới dạng đĩa đơn. Đây cũng là phiên bản được biết đến nhiều nhất; xếp thứ 37 trong 500 bài hát hay nhất mọi thời đại theo bảng xếp hạng của Rolling Stone.

No Woman No Cry đã đưa tên tuổi Bob Marley vươn ra thế giới
No Woman No Cry đã đưa tên tuổi Bob Marley vươn ra thế giới

Có một chi tiết ít người để ý, dù Bob Marley dường như là người sáng tác và thể hiện ca khúc này nhưng phần tác giả lại đề tên Vincent Ford. Vincent là bạn thân và cũng là ân nhân của Marley. Ông điều hành một bếp ăn từ thiện ở Trenchtown, khu ổ chuột của Kingston, Jamaica, nơi Bob Marley lớn lên. Bob Marley cùng rất nhiều người khác sống qua ngày nhờ bếp ăn tình thương của Vincent. Không chỉ vậy, chính Vincent đã hỗ trợ Bob Marley bước những bước đầu tiên trên con đường dẫn đến giấc mơ âm nhạc khi tập cho chàng trai trẻ chơi guitar, trò chuyện về cuộc đời lúc cả hai ngủ dưới sàn căn bếp chật chội.

Nhiều người nói rằng bài hát No Woman No Cry ra đời sau khi Bob Marley ngồi nói chuyện cùng Vincent Ford, như thể những câu nói của Vincent là chất xúc tác để Bob Marley dạt dào cảm hứng sáng tác. Sân chơi cộng đồng của chính quyền thị trấn Trenchtown trong bài hát khi xưa giờ đã trở thành bảo tàng Bob Marley, còn quán ăn của Vincent Ford vẫn tồn tại, ngay cả khi người chủ đã qua đời năm 2009.

Linh La

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI