Biến sản phẩm của quê hương thành sản phẩm OCOP
Đóng xong những gói chả dam để gửi cho khách ở xa, chị Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - cho biết, đây là món “cứu đói” của dân địa phương mình ngày trước. Ngày trước dam (cua đồng) ngoài ruộng rất nhiều, người dân thường bắt về ăn, không hết cũng không biết cách nào bảo quản được lâu, nên nghĩ ra cách làm chả dam, nướng lên ăn thay cơm, ăn không hết thì kho mặn để dành cho ngày hôm sau.
Bẵng đi cả mấy thập niên, món chả dam chỉ còn trong ký ức những người cao tuổi trong làng, vì chẳng mấy ai còn biết đến món ăn này.
Tháng 10/2022, thực hiện tiêu chí mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, chị Hậu quyết định khôi phục món chả dam truyền thống nhằm xây dựng sản phẩm OCOP. Chả dam được nướng trên lá chuối tươi, mang hương vị đặc trưng, khiến những thực khách khó tính nhất cũng khó cưỡng lại.
|
Bà Chu Thị Hồng Hà bên những sản phẩm nhung hươu đạt chuẩn OCOP 3 sao |
Từ việc cung ứng cho một nhà hàng trên địa bàn, nay chả dam đã được nhiều người ở xa biết đến, đặt hàng. “Nhiều thời điểm hàng làm không kịp bán. Hiện chúng tôi đang từng bước xây dựng chả dam thành sản phẩm OCOP của xã Hưng Đạo” - chị Hậu nói.
Chán cảnh phải liên tục di chuyển, không còn thời gian chăm sóc chồng con, chị Võ Thị Ngọc Anh - trú xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - đã bỏ công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin để về quê khởi nghiệp. Từ các loại nông sản đặc trưng của địa phương và nghề sản xuất bún trên địa bàn, chị đã tìm cách cho ra loại bún dinh dưỡng bằng cách kết hợp bột gạo với các loại hạt, củ, quả. Sau nhiều năm thử nghiệm, năm 2021, chị Ngọc Anh đã đầu tư gần 1 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại và bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ.
Đến nay, các sản phẩm bún dinh dưỡng, đặc biệt là bún ngũ cốc dinh dưỡng của chị Ngọc Anh đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, được khách hàng nhiều nơi trong nước tin dùng. Trung bình mỗi ngày xưởng bún của chị cho “ra lò” 3-4 tạ sản phẩm các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 6 chị em phụ nữ. “Các loại nguyên liệu làm bún đều do người dân trong xã làm ra nên mình dễ kiểm soát được chất lượng đầu vào.
So với bún thông thường, bún ngũ cốc bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn, đặc biệt là chất xơ, canxi, protein… nên được người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là chị em đang muốn giảm cân tin dùng” - chị Ngọc Anh nói.
Với mong muốn phát huy thế mạnh của nghề chăn nuôi hươu tại địa phương, bà Chu Thị Hồng Hà - trú xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng mua các loại máy móc, công nghệ để chế biến nhung hươu. Năm 2019, nhiều sản phẩm chế biến từ nhung hươu của bà như: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu… đã đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Hà cho hay, từ khi chế biến sâu, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ngày càng được thị trường ưa chuộng, giá cũng ổn định hơn so với việc tiêu thụ nhung tươi trước đây. “Không chỉ giá cả ổn định mà khi chế biến sâu, chất lượng nhung hươu với người dùng cũng tốt hơn, phát huy được tối đa công dụng nhờ được chế biến và bảo quản đúng cách” - bà Hà nói.
Ngoài sản xuất và chế biến nhung hươu, bà Hà còn cung ứng con giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, liên kết cung ứng thức ăn và thu mua sản phẩm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, cơ sở kinh doanh của bà Hà có doanh thu gần 30 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và hàng chục lao động thời vụ với mức lương từ 6-10 triệu đồng/tháng.
Hỗ trợ tối đa cho phụ nữ khởi nghiệp
Sau hàng chục năm kinh doanh hải sản khô, năm 2020, bà Phạm Thị Hoa - trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - quyết định thành lập Hợp tác xã Kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi nhằm nâng tầm chất lượng cho sản phẩm để tham gia chương trình OCOP. Một năm sau, các sản phẩm tôm nõn khô, cá mờm khô và mực khô của hợp tác xã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, việc kinh doanh ngày càng thuận lợi.
“Bây giờ sức khỏe được nhiều người đặt lên trên hết. Mua gì người ta cũng rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thương hiệu và nguồn gốc. Bởi thế, khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm được khẳng định, người tiêu dùng tin tưởng và mình cũng tự tin giới thiệu cho khách. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng mạnh hơn, tăng 30% so với trước” - bà Hoa nói.
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp của hội viên phụ nữ bằng cách phát triển các sản phẩm OCOP đang phát triển mạnh ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cơ sở sản xuất OCOP do phụ nữ làm chủ không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn mà còn góp phần phát triển làng nghề truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
|
Không chỉ có thu nhập ổn định khi về quê khởi nghiệp, chị Võ Thị Ngọc Anh còn tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ địa phương nhờ cơ sở làm bún dinh dưỡng |
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn - cho biết, phụ nữ khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP nhận được hỗ trợ rất nhiều từ việc tư vấn xây dựng sản phẩm, đầu ra cho sản phẩm, kinh phí xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, vốn vay ưu đãi… “Hơn 50% chủ các mô hình OCOP của huyện hiện nay là phụ nữ. Các cơ sở OCOP do phụ nữ làm chủ thời gian qua đều có đầu ra tốt, doanh thu tăng nhanh. Nhờ thế đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, từ khâu sản xuất, kinh doanh cho đến khâu chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp nguyên liệu đầu vào” - ông Hưng nói.
Với mục tiêu giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ ở Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em khởi nghiệp, giới thiệu hàng chục sản phẩm do phụ nữ sản xuất lên sàn giao dịch điện tử, kết nối tiêu thụ 33 sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của 50 cơ sở sản xuất.
“Ngoài những chính sách chung của tỉnh, hội luôn đồng hành, vận động, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho chị em khởi nghiệp từ xây dựng sản phẩm OCOP. Các cấp hội cũng thường khảo sát để hỗ trợ kịp thời về kinh phí, kết nối hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho những chị em có nhu cầu” - bà Nguyễn Thị Quyên - Phó chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh - nói.
Đến nay, Hội LHPN Hà Tĩnh đã hỗ trợ thành lập 82 hợp tác xã, 348 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, phát triển 138 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; trên 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định; 1 hiệp hội nữ doanh nghiệp cấp tỉnh; 8 câu lạc bộ nữ doanh nhân, nữ khởi nghiệp, nữ tiểu thương với trên 300 hội viên tham gia.
Tại Nghệ An, qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, các cấp hội cũng đã hỗ trợ giúp hiện thực hóa cho 2.253 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của chị em; hỗ trợ thành lập 20 hợp tác xã, 227 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Nhiều sản phẩm OCOP do phụ nữ vùng cao làm chủ không chỉ tạo việc làm ổn định cho phụ nữ mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Bà Lê Thị Thanh Hải - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Nghệ An - cho biết, để nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ trong thời gian tới, hội đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An triển khai đề án Phát huy vai trò các cấp hội trong hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2027, 100% nữ lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ và phụ nữ là chủ hộ đăng ký tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn. Song song với việc hướng cho chị em xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng cao giá trị sản phẩm, nâng hạng cho các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Nghệ An cũng sẽ hỗ trợ xây dựng 4 cửa hàng trưng bày - tiêu thụ sản phẩm OCOP và hỗ trợ cho 50 sản phẩm do phụ nữ làm chủ tham gia các sàn thương mại điện tử.
Phan Ngọc