Phụ nữ nổi tiếng Ấn Độ lên tiếng chống quấy rối tình dục trong gia đình

18/03/2023 - 16:28

PNO - Ở Ấn Độ, việc các nhân vật nổi tiếng công khai về vụ cưỡng hiếp hoặc các hành vi quấy rối tình dục khác từ 1 thành viên trong gia đình là điều bất thường.

Vì vậy, khi 2 người phụ nữ nổi tiếng là chính trị gia Khushbu Sundar và bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi lên tiếng về quá khứ bị chính người thân trong gia đình tấn công tình dục đã làm bùng nổ những cuộc phản đối. Bởi nó được cho là đi ngược lại với chuẩn mực ở Ấn Độ, nơi 90% các vụ hiếp dâm không được trình báo.

Khushbu Sundar - nữ diễn viên nổi tiếng nay trở thành chính trị gia - tiết lộ rằng bà đã bị cha mình lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi. “Ông có lẽ nghĩ rằng mình có quyền đánh vợ, đánh con, lạm dụng tình dục đứa con gái duy nhất của mình... Tôi bắt đầu bị lạm dụng lúc mới 8 tuổi và tôi đã có đủ can đảm để chống lại ông ta khi 15 tuổi” - bà Khushbu Sundar chia sẻ điều này vào ngày 6/3 vừa qua.

Bà Sundar, nay có 2 con gái, mới được bổ nhiệm vào Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ, cơ quan cố vấn cho chính phủ về các chính sách. Nữ chính trị gia này tham gia vào chính trường từ năm 2010.

Khi còn ở đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất vào năm 2001, người hâm mộ thậm chí còn xây dựng một ngôi đền để vinh danh bà ở Thiruchirapalli, thuộc bang Tamil Nadu. Tuy nhiên, năm 2006 ngôi đền đã bị phá bỏ bởi khi bà lên tiếng về quan hệ tình dục trước hôn nhân và tầm quan trọng của việc các cô gái phải tự bảo vệ mình khi quan hệ tình dục, khiến các thành phần bảo thủ trong xã hội tức giận.

Những tiết lộ gần đây của bà về việc bị người cha lạm dụng tình dục, được chia sẻ tại một sự kiện với các sinh viên trường đại học, cũng tạo ra những làn sóng phản đối ở một đất nước nơi nhiều vụ cưỡng hiếp và quấy rối tình dục không được trình báo do sự kỳ thị của xã hội hoặc nỗi sợ bị trừng phạt.

Bà Sundar cho biết cha bà qua đời ở Mumbai vào năm 2022.

Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi Swati Maliwal (trái) và diễn viên trở thành chính trị gia Khushbu Sundar đều công khai tiết lộ rằng họ đã bị cha mình tấn công tình dục. ẢNH: SWATI JAI HIND/FACEBOOK, @KHUSHSUNDAR/INSTAGRAM
Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi Swati Maliwal (trái) và diễn viên trở thành chính trị gia Khushbu Sundar đều công khai tiết lộ rằng họ đã bị cha mình tấn công tình dục

Sau Sundar, một nhân vật nổi tiếng khác là bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi, cũng tiết lộ quá khứ từng bị lạm dụng của mình. “Tôi từng bị cha mình tấn công tình dục khi còn nhỏ. Ông ta thường đánh tôi và tôi thường trốn dưới gầm giường” - bà nói.

Tội phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là điều đáng lo ngại ở Ấn Độ. Dữ liệu chính thức ghi nhận năm 2021, có 3.038 bé gái và 28.840 phụ nữ bị cưỡng hiếp - tăng so với 2.655 bé gái và 24.225 phụ nữ của năm 2020. Trong số những nạn nhân bị hiếp dâm trong năm 2021, 96,5% đã biết trước kẻ gây án và 2.424 tội ác trong số này do các thành viên trong gia đình thực hiện.

Nhưng các nhà hoạt động tin rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia 2019-2021, khi phỏng vấn 724.115 phụ nữ trên khắp Ấn Độ, cho thấy 90% phụ nữ không tố cáo khi bị bạo hành tình dục.

Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em và phụ nữ cho biết, việc  bà Khushbu Sundar và bà Swati Maliwal lên tiếng đã vượt qua chuẩn mực và can đảm nói về việc bị người thân lạm dụng tình dục khi họ còn nhỏ đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều người. Ông Ashwini Ailawadi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Tổ chức Rahi, tổ chức giúp đỡ những phụ nữ sống sót sau khi bị lạm dụng tình dục trẻ em, cho biết: “Khi có 2 người phụ nữ nổi tiếng cùng chia sẻ nỗi đau này, nó sẽ tạo ra làn sóng”.

Tiến sĩ Shruti Kapoor, người sáng lập và Chủ tịch của Sayfty Trust, một tổ chức phi lợi nhuận trao quyền cho phụ nữ chống lại bạo lực, cho biết: “Bất kỳ người sống sót nào chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của họ về lạm dụng tình dục đều đáng khen ngợi và dũng cảm. Điều này có thể mang lại cho người khác can đảm để chia sẻ nỗi đau của họ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ để chữa bệnh cho chính họ".

Ấn Độ cũng chứng kiến ​​phong trào #MeToo được khởi xướng từ các cuộc thảo luận về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng trên khắp Ấn Độ, nhiều nạn nhân và gia đình của họ thường ngần ngại báo cảnh sát vì sợ bị trả thù, kỳ thị và tỷ lệ kẻ phạm tội bị kết án rất thấp.

“Phụ nữ rất khó nói và tiết lộ việc bị lạm dụng vì họ có quá nhiều nguy cơ" -  tiến sĩ Nayreen Daruwalla thuộc Hiệp hội Giáo dục Dinh dưỡng và Hành động vì Sức khỏe cho biết.

"Trước đây, một phụ nữ bị cưỡng hiếp sẽ không đến đồn cảnh sát vì bị sỉ nhục trước công chúng, nhưng giờ đây những người sống sót cũng phải đối mặt với sự hành hạ tương tự từ người dùng internet"- Giám đốc chương trình phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại tổ chức phi lợi nhuận cho biết thêm. 

Bà Anuja Gupta, người sáng lập và giám đốc điều hành của Quỹ Rahi, cho biết việc thực thi luật ở Ấn Độ vẫn còn chắp vá nhưng lưu ý: “Công lý không phải lúc nào cũng có nghĩa là đưa ra tòa. Đối với nhiều người sống sót, công lý còn là một lời xin lỗi và thừa nhận hành vi xấu xa và tác hại mà họ gây".

Trọng Trí (theo Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI