Lời hứa về nữ quyền vẫn còn bỏ ngỏ
Phần lớn lao động nữ ở Nhật Bản không được đảm nhiệm vị trí quản lý. Thậm chí, nhiều phụ nữ phải chấp nhận công việc bán thời gian vì gánh nặng gia đình, bất chấp những chính sách của chính phủ Nhật hứa sẽ nâng cao vị thế của họ trong xã hội.
Sau hàng thế kỷ người phụ nữ phải chịu sự thống trị của chế độ phụ hệ, giờ đây, phụ nữ Nhật Bản đã được trao quyền tại nơi làm việc. Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố sự thịnh vượng của đất nước Nhật Bản phụ thuộc vào sự thay đổi này và hứa sẽ có các chính sách giúp phụ nữ “tỏa sáng”. Trong thực tế, ông Abe đã thực thi hàng loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế (còn gọi là chính sách Womenomics) và coi đó là trụ cột trong chiến lược tăng trưởng đất nước.
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ như cô Sayaka Hojo vẫn chưa nhìn thấy thành quả của những cam kết kể trên của chính phủ.
|
Nội các của ông Abe chủ yếu là nam giới - Ảnh: Kyodo News/Getty Images |
Cô Hojo, 32 tuổi, mẹ của một cô con gái nhỏ, cho biết trong tám năm qua, cô đã đi làm ở ba nơi. Trong tất cả những công việc đó, người giám sát và quản lý Hojo luôn là nam giới. Đây là tình trạng vẫn phổ biến ở Nhật Bản, dù chính phủ Nhật từng tuyên bố rằng sẽ nâng cao vai trò quản lý của phụ nữ tại các công ty.
Chưa kể, cô Hojo cũng giống như nhiều phụ nữ khác ở Nhật Bản, không thể có đủ thời gian để làm một công việc toàn thời gian do phải vướng bận nhiều công việc nhà, chăm sóc con cái… dù chính phủ đã thông qua một đạo luật nhằm xoa dịu văn hóa làm việc tàn bạo.
“Nếu những phụ nữ tài năng, có năng lực kết hôn hoặc sinh con, thì con đường sự nghiệp của họ sẽ bị chệch hướng. Tôi thấy có khoảng cách rất lớn giữa lời hứa về việc nâng cao vị thế của phụ nữ và những gì đang thực sự xảy ra” - cô Sayaka Hojo nói.
Sau khi nghỉ sinh và chăm sóc con gái trong hai năm, Hojo đã xin một công việc bán thời gian tại phòng khám y tế nơi cô đã làm việc toàn thời gian trước đó. Vì chồng cô làm tài xế dịch vụ giao hàng và công việc lấy đi của anh đến 100 giờ mỗi tuần nên anh không có thời gian phụ giúp cô chăm sóc con cái. Do đó, cô phải chấp nhận giảm giờ làm vì phòng khám yêu cầu nhân viên buộc phải ở lại đến 8 giờ tối mới hết ca. Tuy nhiên, lúc đó quá muộn để cô đón con gái từ nhà trẻ.
Đến nay, mục tiêu tăng vị thế phụ nữ trong lực lượng lao động, giải quyết các vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng như dân số giảm và già hóa dân số vẫn chưa đạt được hiệu quả như đã đề ra. Hiện những vấn đề này vẫn còn rất nan giải khi không có nhà lập pháp nào dám đưa ra đảm bảo rằng họ sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng kể trên.
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, phụ nữ nắm giữ ít hơn 12% công việc quản lý doanh nghiệp, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 30% ban đầu. Thêm vào đó, khi tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động tăng trong thời kỳ ông Abe làm thủ tướng lên mức cao nhất mọi thời đại là 52,2%, thì hơn một nửa trong số ấy chỉ làm việc bán thời gian hay hợp đồng mang lại ít lợi ích hoặc con đường để thăng tiến trong sự nghiệp. Những người lao động này cũng bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt đại dịch, bị mất thu nhập và giảm giờ làm.
|
Cô Sayaka Hojo phải chọn công việc bán thời gian để chăm sóc gia đình nhỏ - Ảnh: The New York Times |
Bà Nobuko Kobayashi, đối tác của công ty tư vấn EY Japan, cho biết, dù có nhiều phụ nữ đang góp phần vào lực lượng lao động nhưng đó thường chỉ là loại công việc lặt vặt để góp thêm một phần thu nhập nhỏ cho gia đình.
"Chúng ta có thực sự gọi đó là chính sách Womenomics vì nó đang làm tăng vị thế của phụ nữ trong xã hội? Không hề” - bà Kobayashi nhận định.
Mặc dù thế, Thủ tướng Abe đã thay đổi quan điểm rất nhiều, đã có cái nhìn thấu đáo hơn so với các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây, những người đã tuyên bố rằng vị trí thích hợp của phụ nữ là ở nhà. Trong nhiệm kỳ của ông, tại một số lĩnh vực, ít nhất phụ nữ đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý. Chẳng hạn như năm 2020, hơn 1/3 số người được tuyển dụng cho các công việc quản lý ở các bộ của chính phủ trung ương là phụ nữ, tăng đáng kể so với tỷ lệ 1/4 được thống kê vào năm 2012.
Tuy nhiên, dù chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực rất nhiều, vẫn còn không ít phụ nữ phải vật lộn để tìm chỗ gửi con nhỏ. Tính đến đầu năm 2020, vẫn còn gần 12.500 trẻ em trong danh sách chờ đợi có trường mẫu giáo. Điều này dẫn đến hệ lụy là phụ nữ Nhật Bản không dám sinh con, khiến số trẻ sinh ra ở Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 thế kỷ. Tỷ lệ nghèo đói ở phụ nữ đơn thân cũng bắt đầu trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây. Hơn một nửa số mẹ đơn thân đã bị tuột xuống nhóm dưới mức nghèo khổ vào năm 2019, theo Viện nghiên cứu về chính sách lao động và đào tạo Nhật Bản.
Vai trò của phụ nữ Nhật Bản trong chính trường
Cả ba nhà lập pháp hiện là ứng cử viên sáng giá thay thế vị thủ tướng vừa rời ghế đều là nam giới. Ban đầu, có hai phụ nữ dự kiến sẽ chạy đua tranh cử nhưng rồi họ nhanh chóng bỏ cuộc sau khi không nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Trong Quốc hội Nhật Bản, chỉ có 15% các nhà lập pháp là phụ nữ. Trong số 102 thành viên quốc hội hiện tại là phụ nữ này, chưa đến một nửa thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và chỉ có ba thành viên trong nội các 20 người của cựu thủ tướng Nhật là phụ nữ.
|
Phụ nữ Nhật Bản vẫn chưa nắm được những vị trí quan trọng tại các công ty Ảnh: The New York Times |
“Nguyên nhân chính khiến Nhật Bản có số lượng nữ chính trị gia thấp đến mức đáng kinh ngạc là do LDP không tuyển dụng và đề cử phụ nữ” - bà Gill Steel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Doshisha ở Kyoto, cho hay.
Cô Megumi Mikawa, 40 tuổi, cho biết bà không thấy cuộc sống của mình đã được cải thiện như thế nào trong những năm qua. Vào tháng Bảy, cô đã bỏ công việc văn thư ở thành phố Nishinomiya vì không thể hoàn thành công việc ở nhà trong thời gian xảy ra đại dịch. Do tự ý rời bỏ công việc, cô không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp của chính phủ cho các bậc cha mẹ nghỉ việc để chăm sóc con cái trong khi các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19. Cô Mikawa nói rằng chỉ cần tăng số lượng phụ nữ trong Quốc hội thì may ra mới có thể thúc đẩy các chính sách thân thiện hơn với phụ nữ.
“Những ý tưởng cơ bản của đất nước do nam giới kiểm soát. Đó là lý do tại sao chúng tôi không có bất kỳ chính sách nào để thực sự phục vụ phụ nữ” - cô Mikawa nói.
Tú Quyên