Phụ nữ nghèo dễ thành “miếng mồi” của những ông trùm ma túy

07/08/2022 - 16:57

PNO - 1/4 tù nhân ở Hồng Kông (Trung Quốc) là phụ nữ. Phần lớn trong số họ là những người phụ nữ ngoại quốc nghèo khổ bị bắt vì vận chuyển ma túy. Nhiều người đã phạm tội do bị lừa hoặc cưỡng ép.

Zoila Lecarnaque Saavedra đã tự hủy hoại mình khi đồng ý vận chuyển một kiện hàng từ Peru đến Hồng Kông - quyết định khiến bà phải ngồi tù hơn tám năm. 

Đang chờ bị trục xuất sau khi được trả tự do, Zoila ngồi trên giường tầng trong một nhà trọ chật chội và đau khổ nhớ lại: Đó là năm 2013, gia đình bà sống ở thủ đô Lima, chồng bà - trụ cột của gia đình - đã bỏ đi, còn bà cần tiền để phẫu thuật mắt. Biết được hoàn cảnh của Zoila, một phụ nữ đã đề nghị bà bay đến Hồng Kông để mua đồ điện tử miễn thuế về bán lại kiếm lời và được trả 2.000 USD. Thế là Zoila dần dần rơi vào bẫy.

Thân hình nhỏ bé với khuôn mặt đầy khắc khổ, Zoila năm nay 60 tuổi cho biết bà muốn cảnh báo những người khác có thể bị cám dỗ bởi những giao dịch như vậy. Zoila bị bắt khi cảnh sát tìm thấy hai chiếc áo khoác bên trong vali của bà có đầy bao cao su chứa khoảng 500g cocaine ở dạng lỏng. Với hy vọng nhận được mức án nhẹ hơn, Zoila đã nhận tội, mặc dù bà khẳng định không hề biết về cocaine và không được trả tiền. Câu chuyện của Zoila đã quá quen thuộc ở các nhà tù dành cho nữ ở Hồng Kông. Các nhà hoạt động, tình nguyện viên nhà tù, luật sư cho biết, nữ tù nhân nước ngoài vì tội vận chuyển ma túy chiếm phần lớn trong số những người trong nhà tù nữ ở đây, với hơn 37%.

Zoila Lecarnaque Saavedra rơi nước mắt khi kể về hành trình chín năm đen tối của cuộc đời - ẢNH: AFP
Zoila Lecarnaque Saavedra rơi nước mắt khi kể về hành trình chín năm đen tối của cuộc đời - Ảnh: AFP

 

Với một cảng và sân bay thịnh vượng, Hồng Kông từ lâu đã trở thành một trung tâm toàn cầu cho thương mại cả hợp pháp và phi pháp. Trước đại dịch, đây là một trong những sân bay bận rộn và kết nối tốt nhất thế giới. Các tổ chức tội phạm ma túy thường sử dụng phụ nữ vận chuyển ma túy vì tin rằng họ ít bị chú ý từ các cơ quan chức năng.

Bản án dành cho việc vận chuyển ma túy ở Hồng Kông rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, nếu thành khẩn nhận tội sẽ được giảm thời gian ngồi tù khoảng 1/3. Trong số những phụ nữ bị bắt vì vận chuyển ma túy, ngoài những người bị dụ dỗ, cũng có những người biết việc mình làm là phạm pháp và nguy hiểm nhưng vì nghèo khổ hoặc bị ép buộc, đành phải chấp nhận rủi ro. Marcia Sousa là một trong số đó. 

Khi bị bắt ở sân bay Hồng Kông, Sousa mang hơn 600g cocaine lỏng trong áo ngực. Khi ra tòa, cô kể rằng mình đến từ một gia đình nghèo ở miền Bắc Brazil, mẹ phải chạy thận và cô đã mang thai với một người đàn ông sau đó bỏ rơi cô. Cô đã sinh con trong tù khi đang chờ xét xử. Tại buổi tuyên án, cô gái 25 tuổi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bao gồm nhận tội sớm, hợp tác với cảnh sát và trong tù là một người mẹ mẫu mực đối với con trai mình.

Cuối cùng, cô được giảm án từ 20 năm xuống còn 10,5 năm. Trong vài năm đầu tiên trong tù, Sousa được phép chăm sóc con trai. Nhưng khi ba tuổi, đứa bé được gửi đến gia đình của Sousa ở Brazil. “Nó đã khóc rất nhiều và không ăn”, Sousa nói và cho biết tất cả những suy nghĩ của cô giờ đều xoay quanh việc được đoàn tụ với con mình.

Tháng trước, Zoila bị trục xuất khỏi Hồng Kông, đó là một ngày mà bà đã mong ước trong nhiều năm ngồi tù. Khi đẩy xe hành lý qua sảnh đến của sân bay Lima, bà cười rạng rỡ: “Đã gần chín năm rồi, giờ tôi sắp về nhà. Mẹ tôi, các con, người thân đang đợi tôi. Tôi hy vọng sẽ không còn ai bị rơi vào hoàn cảnh như tôi”. 

Thảo Nguyễn (theo AFP, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI