Năm trở ngại thường gặp ở nữ lãnh đạo
Nỗ lực của toàn xã hội về bình đẳng giới trong thời gian qua đã có những tín hiệu khả quan. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị, công ty, ban, ngành, đoàn thể… ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, chuyện thăng tiến của phụ nữ trên thực tế vẫn còn rất nhiều cản ngại.
1. Định kiến về giới vẫn còn tồn tại
Chúng ta không thể phủ nhận kết quả của toàn xã hội trong công cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới. Nhưng công tâm mà nói, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hay “nam là trưởng, nữ làm phó” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của người Việt bao đời qua. Định kiến về giới vô hình trung tạo ra rào cản khiến không ít phụ nữ có năng lực không thể phát huy toàn bộ khả năng của mình. Xét dưới góc độ tâm lý, một khi bị giới hạn về cơ hội phát triển, thăng tiến trong công việc thì tất cả chúng ta rất dễ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực như hụt hẫng, buồn chán, bất mãn, tuyệt vọng... Dưới quan điểm cá nhân, tôi cho rằng để lãnh đạo một tập thể hay để hoàn thành công việc nào đó, giới tính không quyết định tất cả mà còn nhiều yếu tố khác chi phối như kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề…
2. Dư luận xã hội còn khắt khe với các nữ lãnh đạo
Những định kiến về văn hóa - xã hội và những giá trị truyền thống là những rào cản rất lớn đối với sự phát triển trong công việc của phụ nữ nói chung và nữ lãnh đạo nói riêng. Nhìn một cách tổng thể từ cuộc sống cho thấy, nam giới có nhiều ưu thế hơn nữ giới trong việc giao lưu, giao thiệp với các cấp lãnh đạo. Trong một số trường hợp, nếu nữ lãnh đạo “nâng ly” thì dư luận xã hội sẽ rất khó chấp nhận, trong khi các nam lãnh đạo thì là bình thường. Hay như việc, do phải giải quyết việc cơ quan mà nữ lãnh đạo về nhà trễ cũng hiếm khi nhận được cái nhìn thông hiểu từ dư luận, thậm chí là sự thấu hiểu và chia sẻ từ người thân trong gia đình. Rõ ràng, dư luận xã hội có sự khắt khe nhất định với các nữ lãnh đạo và điều này tác động không nhỏ đến đời sống tâm lý của họ.
3. Về tâm sinh lý, phụ nữ vẫn luôn được xem là “phái yếu”
Phân tích dưới góc độ tâm sinh lý cho thấy, phụ nữ thường có cấu tạo hình thể nhỏ nhắn và mềm mại hơn phái nam rất nhiều. Và ở góc độ khác, phụ nữ vẫn luôn được xem là “phái yếu” với những nét đặc trưng như: sống tình cảm, dễ xúc động, đôi khi quyết định theo cảm tính kể cả khi họ làm sếp. Công tâm mà nói, không phải tất cả sẽ có một bộ phận nhất định phụ nữ thường để cảm xúc chi phối trong công việc, rất khó kiềm chế các cơn nóng giận, hay than thở và hay khóc lóc… Với những yếu thế do tâm sinh lý quy định, nữ giới ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn cũng là điều khó tránh. Thực tế cho thấy, phụ nữ để có thể trở thành người lãnh đạo được tôn trọng và thành công thì họ phải học hỏi, rèn luyện, tích lũy những tố chất cần thiết của một người lãnh đạo, quản lý nhiều hơn rất nhiều so với nam giới. Và như vậy, vô tình có một số ít người cũng dần đánh mất chính mình lúc nào không hay.
4. Khó khăn trong chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình
Trong thời hiện đại, công việc gia đình của người phụ nữ có phần được san sẻ nhiều hơn trước. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam thường nặng gánh gia đình hơn đàn ông và gặp những khó khăn nhất định trong chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.
5. Bị triệt tiêu ý thức phấn đấu
Như chúng ta biết, thời gian làm việc của nữ giới thường ngắn hơn phái nam, cụ thể độ tuổi làm việc của nữ thấp hơn nam đến năm tuổi và chưa kể đến chuyện phải mất thời gian nghỉ thai sản. Điều này khiến phụ nữ thường ít chịu đầu tư vào học tập, nâng cao chuyên môn, mà thường có tâm lý an phận; người sử dụng lao động cũng không muốn tổ chức đào tạo nâng cao cho họ. Thực tế này đã làm triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em là điều có thể xảy ra, làm giảm cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
- nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM
|