Phụ nữ Mỹ đấu tranh chống tấn công tình dục và phân biệt giới

19/03/2021 - 06:05

PNO - Vấn nạn quấy rối và tấn công tình dục nữ trong quân đội hay trong ngành cứu hỏa ở Mỹ luôn được nhắc đến khi tỷ lệ nạn nhân ngày càng nhiều.

Trong tháng Ba này, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi đấu tranh chống nạn bạo hành phụ nữ, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ giải quyết cái mà ông gọi là “tai họa” này.

Các nữ binh sĩ tuần hành phản đối tình trạng tấn công tình dục xảy ra liên tục trong quân đội - Ảnh: AP
Các nữ binh sĩ tuần hành phản đối tình trạng tấn công tình dục xảy ra liên tục trong quân đội - Ảnh: AP

Làm sếp, vẫn bị quấy rối

Ngày 25/2, Susanna Schmitt Williams - cựu Giám đốc Sở Cứu hỏa Carrboro - đã muốn tự tử sau khi chịu đựng sự quấy rối ngay nơi mình làm việc dù đã trở thành cảnh sát trưởng. Những người ủng hộ các nữ nhân viên cứu hỏa nói rằng, cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng bởi các vụ kiện phân biệt giới tính ngày càng nhiều ở Illinois, Virginia và Texas.

Susanna cho biết, cô đã nhiều lần bị phân biệt đối xử vì giới tính và đã chiến đấu để giữ công việc song song với cuộc chiến với căn bệnh ung thư vú. Nữ giám đốc đầu tiên của một sở cứu hỏa ở thành phố Asheville, bang Bắc Carolina tâm sự, đã nhiều lần nghĩ về cái chết sau nhiều năm bị quấy rối tình dục.

Những người ủng hộ lính cứu hỏa nữ cho rằng, ra tòa đôi khi là cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực mà phụ nữ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo dữ liệu gần nhất của Hiệp hội Phòng cháy và Chữa cháy, có 93.700 lính cứu hỏa Mỹ là nữ, tương đương 8%, vào năm 2018.

Joy Ponde - người đã từ chức Giám đốc Sở Cứu hỏa Asheville vào tháng 9/2020 - cho biết cô đã phải đối mặt với nhiều năm bị quấy rối và phân biệt giới: “Việc liên tục bị quấy rối, làm gián đoạn lịch trình cũng như cuộc sống mà tôi đã cố gắng duy trì trong nhiều năm dẫn đến tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi bị suy giảm và tôi buộc phải rời đi”.

Tina Guiler - trung úy của Đội Cứu hỏa Miami-Dade và là giám đốc điều hành nhóm hỗ trợ quốc gia - cho biết cô đã có hai trải nghiệm tồi tệ khi thăng cấp và cuối cùng, cô đành nghỉ việc khi vẫn còn là một tân binh. Guiler nói: “Rất nhiều phụ nữ không làm nghề nữa do bị quấy rối. Chúng tôi có tố cáo nhưng vẫn không được giải quyết, nên phải rời đi và nộp đơn kiện”.

Tấn công tình dục trong quân đội Mỹ sẽ được giải quyết?

Số vụ xâm hại tình dục trong quân đội Mỹ đã liên tục tăng kể từ năm 2006, với tỷ lệ tăng lên 16% trong năm 2019 (dữ liệu năm 2020 vẫn chưa được công bố). Đây là nguyên nhân gây nên những cuộc biểu tình, những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đòi bình đẳng và đòi hỏi có biện pháp mạnh mẽ với vấn nạn này.

Các binh sĩ, sĩ quan và nhân viên dân sự tham dự lễ khởi động cho Tháng Nhận thức và Phòng ngừa Tấn công Tình dục hàng năm của Quân đội Hoa Kỳ tại Sân trong Trung tâm Lầu Năm Góc vào năm 2015 ở Arlington, Virginia - Ảnh: Getty Images
Các binh sĩ, sĩ quan và nhân viên dân sự tham dự lễ khởi động cho Tháng Nhận thức và Phòng ngừa Tấn công Tình dục hàng năm của Quân đội Hoa Kỳ ở Arlington, Virginia - Ảnh: Getty Images

Đứng trước tình trạng trên, ngay khi được bổ nhiệm, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành chỉ thị về việc xem xét tình trạng bạo lực tình dục vốn xảy ra suốt một thời gian dài trong quân đội. “Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành. Chúng ta buộc phải đương đầu để giải quyết” -  ông Austin tuyên bố.

Phát biểu trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết, ông đặc biệt quan tâm vấn đề này. Ông Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đều hứa giải quyết cái mà họ gọi là tai họa, đồng thời đảm bảo rằng tất cả phụ nữ phải được hỗ trợ và tôn trọng đầy đủ trong sự nghiệp của họ, đặc biệt là trong quân đội Mỹ, từ việc thăng chức công bằng, đến đảm bảo sự nghiệp. “Đây sẽ là một nỗ lực chung nhằm chấm dứt tai họa tấn công tình dục trong quân đội” - ông Biden phát biểu.

Tại hội nghị về tình trạng phụ nữ diễn ra từ ngày 15 - 26/3, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi đấu tranh chống lại tình trạng bạo hành phụ nữ, đồng thời kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ hơn nữa đối với vấn nạn quấy rối tình dục. “Quấy rối và lạm dụng tình dục là những hành động vi phạm nhân quyền và gây trở ngại lớn cho phụ nữ trong việc tham gia vào xã hội cũng như đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao, đồng thời tạo ra một môi trường thù địch” - ông António nói.

Lệ Chi (theo AP, The Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI