PNO - Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn thay vì cắt bỏ toàn bộ tử cung. Đây là cơ hội để những phụ nữ trẻ mắc bệnh có thể mang thai và sinh con.
Ngồi tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức, TPHCM), chị P.T.K.T. (28 tuổi, ở An Giang) thất thần chờ các kết quả chẩn đoán bệnh. Mấy tuần trước, chị đến bệnh viện địa phương khám, bác sĩ nghi ngờ chị bị ung thư tử cung, tư vấn chị đến TPHCM khám lại… Tuy chưa có kết quả khẳng định bệnh nhưng chị T. rất căng thẳng. Bởi chị mới lập gia đình, chưa có con. “Bác sĩ cũng có nói tôi nên bình tĩnh chờ kết quả. Trường hợp tôi mắc bệnh, nếu u nhỏ vẫn có thể điều trị được và sinh con. Nhưng tôi tìm hiểu thì thấy bệnh này phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, chồng tôi lại là con một…” - chị T. bỏ ngỏ câu nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại phụ khoa Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - đang tư vấn tầm soát ung thư cho người bệnh - Ảnh: Phạm An
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại phụ khoa Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - từ năm 2018, bệnh viện đã triển khai phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung mới. Sau điều trị, người bệnh vẫn có thể mang thai và sinh con. Như trường hợp của một bệnh nhân nữ (37 tuổi, ở TPHCM) đã sinh được 1 bé trai khỏe mạnh sau khi chữa trị ung thư cổ tử cung. Đó là chị N.T.T.T. - được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Dù chị T. đã có 1 bé gái, nhưng vẫn mong muốn sinh thêm 1 con nữa.
Do khối u của chị N.T.T.T. nhỏ, vị trí thuận lợi, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung nơi có khối u, sau đó điều trị bảo tồn. Sau phẫu thuật 6 tháng, chị N.T.T.T. mang thai. Để đảm bảo an toàn thai kỳ, chị được bác sĩ tư vấn đến Bệnh viện Từ Dũ khám, theo dõi trong thời gian mang thai. Trong thai kỳ, chị N.T.T.T. nhiều lần đối mặt với nguy cơ sảy thai, phải sử dụng thuốc và hạn chế tối đa vận động. Khi thai lớn, chị được bác sĩ đặt giá đỡ nhân tạo trong tử cung để giữ em bé. Thời gian này, bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cũng tạo mọi điều kiện, sẵn sàng phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ trong tình huống 2 mẹ con chị xảy ra sự cố.
May mắn, thai nhi khỏe mạnh đến 35 tuần tuổi, chị được chỉ định mổ bắt con. Bé trai chào đời an toàn với cân nặng 2,1kg làm cho ai cũng vỡ òa hạnh phúc. Hiện tại, chị N.T.T.T. chưa ghi nhận tái phát, bé trai phát triển bình thường.
Ung thư cổ tử cung có xu hướng trẻ hóa
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết, ung thư cổ tử cung do vi rút HPV (một loại vi rút gây u nhú ở người - Human Papillomavirus) gây ra. Trong những năm gần đây, do ngành y tế có nhiều chương trình tầm soát, tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung nên bệnh này giảm nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện phụ nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung đang có xu hướng tăng. Tại Khoa Ngoại phụ khoa, các bác sĩ vẫn gặp trường hợp phụ nữ từ 20-30 tuổi mắc bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (thứ hai từ phải sang) - Trưởng khoa Ngoại phụ khoa Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cùng ê kíp phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: bệnh viện cung cấp
Hiện, điều trị ung thư đã có những bước tiến đáng kể. Với ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, các bác sĩ sẽ phẫu thuật bảo tồn cho người bệnh bằng phương pháp mới, mở ra cơ hội mang thai và sinh con cho bệnh nhân trẻ. “Tức là thay vì loại bỏ toàn bộ tử cung, kết hợp hóa trị, xạ trị như trước đây, bác sĩ chỉ phẫu thuật xử lý cổ tử cung. Sau đó, nối thành tử cung vào âm đạo, giữ lại buồng tử cung và buồng trứng, bảo tồn động mạch để nuôi tử cung…” - bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chia sẻ. Đến nay, bệnh viện đã điều trị cho 20 bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm bằng phương pháp điều trị mới này. Trong đó đã có bệnh nhân mang thai và sinh con.
Điều kiện để người bệnh điều trị theo phương pháp mới là phải được phát hiện sớm ở giai đoạn 1, khi kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm. Ung thư gây sang thương nhỏ, khuynh hướng xâm lấn xuống cổ tử cung, thay vì xâm lấn lên trong lòng tử cung, thuận lợi để phẫu thuật xử lý và điều trị bảo tồn. Cuối cùng, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, tuân thủ chỉ định thăm khám, bởi tỉ lệ mang thai sau phẫu thuật chỉ còn khoảng 50 - 60% so với bình thường.
Trước nhiều thông tin chữa ung thư bằng chế độ ăn thực dưỡng, hay không cần can thiệp y khoa mà để cơ thể tự chữa lành…, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết, theo y văn và các nghiên cứu trên thế giới, điều trị ung thư cổ tử cung nói riêng và các loại ung thư nói chung là quá trình nghiêm ngặt. Trong đó, Hội Ung thư thế giới cũng cho rằng điều trị ung thư bắt buộc phải bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và các liệu pháp nhắm trúng đích càng sớm càng tốt. “Ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm kích thước nhỏ, không cần hóa trị, xạ trị, chỉ phẫu thuật vẫn có thể điều trị khỏi. Vì vậy, phụ nữ nên chủ động bảo vệ sức khỏe, ngừa ung thư cho mình và người thân. Hãy tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi 6 tháng hoặc 1 năm/lần bằng phương pháp siêu âm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo.
Tỉ lệ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam còn thấp
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và Hội đồng Ung thư New South Wales thực hiện năm 2020, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu tại Việt Nam, với 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong trong năm 2018.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vắc xin HPV và tỉ lệ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung còn thấp. Nghiên cứu năm 2021, chỉ 12% phụ nữ, trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vắc xin HPV, chỉ 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc.
Nhiều trường hợp người trẻ gặp chấn thương, đột tử khi chơi thể dục thể thao quá mức, thường do các bệnh tim cấu trúc, hay rối loạn nhịp mà không biết.
Sống, làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, kích động cảm xúc quá mức là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất cân bằng âm dương, hao tổn tinh khí...