Dù là người có sự nghiệp vững vàng hay ở nhà chồng nuôi hoặc vừa cố gắng hoạt động xã hội vừa chăm lo việc nhà… thì những phụ nữ vẫn phải chịu trăm thứ áp lực. Và hôn nhân với họ thực sự là một cuộc chiến mà ở đó họ phải từng bước vượt qua thử thách.
32 tuổi, Nga được coi là người phụ nữ thành đạt. Bởi vì cô giờ đã là trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu với lương tháng 10 con số. Ở công ty ai cũng ngưỡng mộ Nga vì cô có năng lực thực sự, lại rất gần gũi với mọi người.
Thế nhưng, khi về gia đình của mình, Nga nhiều lần phải ‘ong đầu’ vì điệp khúc ‘ế thật rồi’, ‘con phải yêu rồi lấy chồng thôi’ hoặc ‘cứ thành đạt như này thì có ma ai thèm lấy’… của những người thân trong gia đình. Thậm chí, bố mẹ Nga còn nói, thành đạt và lương cao làm gì khi ngoài công việc Nga chẳng biết nữ công gia chánh cũng như không có một tấm chồng như bao cô bạn thân của Nga.
Bố mẹ Nga nhiều lần khóc dở mếu dở, hết ngọt nhạt nịnh nọt rồi lại dọa dẫm con gái. Họ lúc nào cũng bảo, 'con gái có thì' nên Nga phải tự hiểu được cái gì quan trọng nhất với cô. Họ còn nói, với số đông phụ nữ Việt, trong những niềm hạnh phúc thì hạnh phúc gia đình chính là điều quan trọng nhất.
Mà tất nhiên, hạnh phúc này tuy cũng cần được đảm bảo bởi một sự nghiệp riêng nhưng cũng phải cân bằng hài hòa nhiều mặt. Và dù có thành đạt trong công việc đến đâu thì một mái ấm gia đình vẫn cần được ưu tiên nhất.
‘Lúc nào họ cũng ra rả bên tai mình rằng, có nhiều người dù không thành đạt trong công việc kiếm được nhiều tiền nhưng lại thấy hạnh phúc. Là phụ nữ, chỉ cần có một mái ấm bình thường với chồng con là được’, Nga mệt mỏi tâm sự.
Nhưng đó là bố mẹ Nga nghĩ thế, còn Nga lại không hề vội vàng. Hơn nữa, gái ế 32 tuổi này cho biết vẫn muốn phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp mà chưa nghĩ tới việc lập gia đình riêng.
‘Đã qua rồi thời phụ nữ phải ở nhà hoặc chỉ cần có 1 công việc bình thường nhưng có 1 mái ấm gia đình. Bởi những phụ nữ như vậy rất thụ động, không có chí tiến thủ. Bảo sao chồng cứ hay khinh thường và lấn lướt họ’, Nga nhận định.
Cô gái thành đạt này còn tự tin cho rằng: ‘Nếu phụ nữ có sự nghiệp vững vàng, đàn ông sẽ phải nể họ đôi phần. Chưa kể, người càng thành đạt sẽ thường càng giàu có và có địa vị cao. Vì thế, họ sẽ có khả năng biến cuộc sống của họ thành thiên đường. Còn những phụ nữ ở nhà chồng nuôi sẽ phụ thuộc vào chồng và tự biến cuộc sống của mình là địa ngục’.
Trái ngược hẳn với Nga - con người của công việc, của xã hội là Thu Ngân, 28 tuổi - người phụ nữ của gia đình.
25 tuổi Ngân kết hôn. Chồng Ngân làm giám sát công trình thường xuyên phải xa vợ xa con. Bởi thế từ ngày Ngân sinh con đầu lòng, cô tự nguyện xin nghỉ làm để ở nhà chăm con. Lại thêm, Ngân sinh 3 năm 2 con nên Ngân túi bụi việc nhà.
‘Nhiều lần mình định đi làm trở lại vì tất cả mọi thứ mình đều phụ thuộc vào chồng. Muốn mua bộ quần áo mới cũng xin tiền chồng, có nhiều điều không thoải mái, o ép, cảm giác như ăn bám chồng. Nhưng đi làm thì lại thấy mình ích kỷ quá, chẳng biết cậy ai chăm lo cho các con và gia đình’, Ngân bộc bạch.
Với Ngân, ở nhà chăm con là một công việc không dễ dàng và phải đối mặt với đủ thứ việc không tên rất vất vả. Thế nhưng ít người phụ nữ nào được chồng hiểu và thông cảm. Và Ngân cũng thế.
Không chịu ở nhà chồng nuôi mà vẫn nhất quyết vừa chăm con vừa đi làm là chị Thu Nguyệt, 29 tuổi. Dù bận trăm công nghìn việc ở công sở nhưng về nhà chị Nguyệt vẫn phải làm luôn chân luôn tay như chăm con, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… để sớm mai lại đi làm. Không tối nào khi con nhỏ ngủ xong, chị không lui cui đi giặt rũ đồ, rồi dọn dẹp căn bếp gọn ghẽ. Với chị, một ngày cứ tất bật từ sáng sớm cho đến 23h đêm đi ngủ.
‘Phụ nữ vừa đi làm, lại vừa chăm con thật sự cũng áp lực lắm. Nhưng cả hai công việc ấy mình không thể lơ là được. Bởi nếu không cố gắng đi làm thì mình sẽ phụ thuộc vào chồng, chưa kể không có cơ hội giao lưu, học hỏi. Nhưng mình cũng không thể bỏ quên con cái và việc nhà được. Vì như vậy sẽ bị chồng, bố mẹ, anh chị em nhà chồng chê trách ngay là phụ nữ mà không vun vén cho gia đình. Thế nên những phụ nữ vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình vẹn toàn luôn thấy mệt mỏi’, chị Nguyệt tâm sự.
Nhiều lần, chị Nguyệt bị ốm nên việc nhà bị ùn ứ, các con nheo nhóc. Những lúc ấy, chị lại được nghe lời chì chiết từ chồng: ‘Chồng đi làm về thấy nhà cửa bừa bộn, con cái nheo nhóc, biết vợ nằm đó nhưng sốt ruột vẫn bảo mình liệu đường mà xin nghỉ việc. Anh bảo, chăm sóc gia đình và con cái là nghĩa vụ của phụ nữ. Nếu không làm tốt việc nhà thì còn đi làm làm gì. Rồi anh còn nặng lời nói, lương của mình ở công ty bao nhiêu, anh trả từng ấy để ở nhà chăm con. Những lúc ấy, mình trào nước mắt vì tủi thân’.
|
|
Từ cuộc sống và những áp lực khác biệt của 3 phụ nữ trên mới thấy, phụ nữ luôn sẵn sàng làm mọi việc dù không có đàn ông bên cạnh. Nhưng khi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, người phụ nữ phải đóng ba vai: một cô dâu hiền, một người vợ đảm đang và một mẹ hết mực yêu thương con. Và để đảm nhiệm được 3 vai và niềm hạnh phúc này, họ phải nỗ lực làm việc và phải biết che giấu nhiều cảm xúc thực sự của mình. Thế mới hay, hôn nhân là cuộc chiến mà ở đó, mỗi người phụ nữ phải tự tìm cách lần mò bước qua rất nhiều thử thách để vươn lên.
Có thể nói, chưa bao giờ những áp lực và thách thức đặt ra với các phụ nữ thời hiện đại lại lớn và nhiều đến thế. Các chị em không chỉ phải đối diện với những thách thức để khẳng định bản thân, khẳng định vai trò xã hội trong tương quan với chồng và các quý ông khác, mà họ còn phải ứng phó với bài toán cân bằng cuộc sống gia đình và thăng tiến nghề nghiệp.
Và trong những bước đi để vượt qua áp lực nặng nề trên, họ tất nhiên không thể một mình ôm đồm hay nỗ lực một phía mà rất cần sự thừa nhận, sự thông cảm, chia sẻ của các nam giới về những giá trị của các phụ nữ. Bởi suy đến cùng, đâu phải cứ đàn bà thì phải bếp núc, phải gánh hết trách nhiệm vừa đi làm vừa chăm sóc con cái, còn đàn ông thì mặc nhiên bươn chải ngoài đời. Ngược lại, dù đàn ông hay đàn bà thì đều cần phải thể hiện trách nhiệm với lòng yêu thương, trân trọng 'đối tác' của mình.
Thanh Hà
Để chia sẻ với những tâm trạng dễ ‘rối loạn’, rất ‘hoàn cảnh’ của chị em khi phải lựa chọn lối đi cho đời mình, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (ISEE) tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến chủ đề Phụ nữ chọn gì: Dấn thân hay ‘lùi bước’? Đây là dịp để bạn đọc thổ lộ tâm tư, liệu mình có hài lòng khi được làm những gì mình muốn hay ngậm ngùi khi phải chọn điều mình không thích.
Có mặt tại cuộc tọa đàm trực tuyến Phụ nữ chọn gì: Dấn thân hay ‘lùi bước’? gồm chị Ngô Phan Nhất Phương, người đã từ bỏ sự nghiệp, đang thuộc diện ‘ở nhà phụ chồng’, nhà hoạt động xã hội rất sôi nổi - Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy. Dẫn chương trình là MC, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc.
Kính mời quý bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện của ba nhân vật trên vào lúc 9h ngày 28/3 tại báo điện tử Phụ Nữ (www.phunuonline.com.vn). Rất mong quý bạn đọc cùng đặt câu hỏi giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn của mình.
Báo Phụ Nữ