Phụ nữ ly hôn: Đám cưới tập hai, ngại gì mà không tươm tất

25/04/2021 - 11:23

PNO - Tôi tá hỏa nghe cháu giải thích về cái đám cưới im ắng: "Cưới lần hai rồi, con mặc áo dài cũ được rồi, làm quá người ta nói phô trương. Chụp hình cưới nữa người ta nói chết..."

Cô cháu gọi điện thông báo sắp cưới và mời vợ chồng tôi về dự. Tôi dặn: “Con may bộ áo dài cưới đẹp đi, dì tặng”. Cô cháu lắc đầu: “Khỏi cần dì ơi, cưới lần hai rồi, con mặc áo dài cũ được rồi, làm quá người ta nói phô trương”. Tôi hỏi chuyện chụp hình cưới, cháu cũng lắc đầu: “Lần hai rồi mà dì, con với anh S. chỉ chụp một tấm để kỷ niệm thôi, chụp nữa người ta nói chết”. 

Tôi còn ngơ ngác chưa “tiêu hóa” được chuyện đám cưới mà không mặc áo dài mới, không chụp hình cưới, không thiệp cưới… chỉ vì sợ thiên hạ đánh giá, thì chị gái gọi điện. Chị nói: “Chỉ mời hai bên nội ngoại thôi, chừng ba bàn, đám cưới lần hai rồi, mời nhiều người ta nói chết”. Rồi chị thở hắt: “Đám cưới lần hai, có gì hãnh diện mà làm lớn?”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 S. - con rể chị - là bếp trưởng một nhà hàng lớn ở An Giang. Từ một chàng công nhân ít học, bị vợ cắm sừng và gà trống nuôi con trong cảnh nghèo khó, S. đã gạt nỗi đau, khăn gói đi Cần Thơ học nấu ăn và tốt nghiệp loại xuất sắc. Còn H. - con gái chị - có chồng cũ cờ bạc, cá độ đá banh, gây nợ nần chồng chất và đi theo người phụ nữ khác. Con gái chị bán hết tài sản và vợ chồng chị bù thêm để trả nợ cho con. Hai trái tim đầy tổn thương và khát khao tình cảm đã gặp nhau, tìm hiểu hơn một năm mới quyết định gắn bó trọn đời. 

Vậy mà anh chị không dám tổ chức một đám cưới tươm tất mừng ngày vui của con. Anh chị còn đơn giản hóa mọi nghi lễ như nhà trai không cần đi đồ mâm (sính lễ cưới), không cần lên đèn lạy, không phản bái… Còn cháu tôi không dám thể hiện tình cảm với bạn đời tương lai chỗ đông người, chỉ vì từng qua một lần đò. Mỗi khi cháu ra đường cùng chồng tương lai, cháu luôn giữ gương mặt “cứng đơ”, trong khi ở nhà, hai đứa líu lo, quấn quýt bên nhau rất hạnh phúc. Hóa ra là “ra đường không dám cười, không dám nói sợ người ta đánh giá: Rổ rá cạp lại mà làm quá”. 

Không chỉ cháu tôi, và không chỉ ở nông thôn, ngay tại các thành phố lớn, những đôi “rổ rá cạp lại” luôn bị dò xét từ người thân đến hàng xóm. Khi một, hay hai bên có con riêng thì con đường tình duyên ở “tập hai” càng trắc trở. Vấn đề này luôn được phụ huynh, người thân, bạn bè xúm vào bàn luận, phân tích. Dù không hiểu rõ gia thế, tính tình người bạn đời của con trai/con gái thế nào, cha mẹ vẫn phán xét: “Có con riêng mai mốt cưới về lại con anh, con em, con chúng ta, mệt lắm. Làm mẹ kế mệt lắm. Nó ly hôn, bị vợ/chồng bỏ thì chắc nó có vấn đề rồi, đụng vô cho khổ…”. 

Tôi phải can thiệp vào chuyện cưới xin của cháu: “Nếu anh chị và H. muốn làm đơn giản, hoặc tiết kiệm, thì cả nhà ủng hộ hết mình. Nhưng chỉ vì sợ người ta cười, dị nghị mà làm cho xong thì không nên. Mình làm điều đúng có gì phải ngại. Hơn nữa, một lễ cưới tươm tất cũng là một xuất phát điểm đàng hoàng, nghiêm túc cho vợ chồng cháu trong hành trình xây dựng hạnh phúc”. 

Đến sát ngày cưới, cả gia đình tôi từ Sài Gòn kéo nhau về. Tôi hình dung cảnh vui nhộn, ấm cúng trong ngày nhóm họ đám cưới như thường lệ ở quê, nhưng nhà chị đóng cửa, vắng tanh. Tôi thắc mắc: “Sao không thấy ai đến vậy? Cũng không có rạp, cổng, không nấu nướng”. Chị gãi đầu: “Thì chị nói rồi, không làm gì hết. Ngày mai có ba bàn, dậy sớm nấu là xong”. Tôi ngớ người, tưởng chị nói chơi, ai ngờ làm thiệt. 

Ở một góc, cô dâu thảnh thơi ngồi lướt điện thoại, không có bất kỳ điều gì cho thấy có sự chuẩn bị lên xe hoa.

Tôi lại gợi ý: “Cứ đi mời họ hàng, bà con đi. Ai cũng mừng cho con cháu, chứ không gièm pha đâu”, thì vào phút 89, anh chị tôi chia nhau đi mời khách. Còn tôi dẫn vợ chồng cháu đi mướn soirée, đồ vest và cổng cưới. Nhạc xập xình, đèn màu thắp lên trông vui mắt hòa cùng với tâm trạng phấn khởi của anh chị tôi và cháu gái. Cả nhà ra ngắm cổng cưới và gật gù “công nhận đẹp thiệt”. Cùng với nụ cười rạng rỡ của cô dâu, chúng tôi liên tục chụp hình gửi cho chú rể xem.

Ảnh minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Hôm sau, chưa tới giờ G. (mời khách lúc chín giờ sáng), nhưng khách đã kéo đến gần phủ kín mười bàn tiệc. Ai cũng cười nói, chúc phúc cho cô dâu chú rể, kể cả những người kiệm lời. Đến lúc này anh chị tôi mới nhận ra và tin rằng sự gièm pha, xỉa xói “rổ rá cạp lại” có thể là tàn dư của định kiến xưa. Còn với hiện thực đang diễn ra: mọi người hân hoan, nói cười rôm rả, ca hát vui vẻ. 

Bà Tư hàng xóm bị đau khớp, đi cà nhắc, nhưng cũng nhờ con trai chở tới vì :”Tao thương con H. hiền lành, nó lấy chồng tao phải đi mừng cho nó”. Cô dâu chú rể rạng rỡ, dẫn theo hai cô con gái sáu tuổi, tám tuổi là con riêng của hai người đi chào bàn. Tiếng cười và sự hồn nhiên của hai đứa nhỏ khiến ai cũng vui.

Tiệc xong, anh chị tôi luôn miệng “không ngờ vui vậy, không ngờ mọi người thương con H. vậy…”. Cháu gái nhắn tin cảm ơn tôi kèm lời hứa: “Tụi con sẽ cố gắng vun đắp để có một tổ ấm thực sự”. 

Gia Ngọc

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI