PNO - Bằng ý chí vượt khó vươn lên để lập nghiệp, cộng với sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng đã giúp nhiều chị em phụ nữ vùng nông thôn ở Cà Mau phát triển kinh tế; qua đó tạo thêm việc làm cho những người khác, cùng nhau thoát nghèo…
Đầu tháng 6/2023, có dịp về ấp Cái Keo (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) thăm hợp tác xã (HTX) Nguyễn Thơ của chị Nguyễn Trúc Ly, chuyên sản xuất các sản phẩm tôm khô, chà bông tôm, tôm khô xẻ, tôm khô nguyên vỏ, tôm khô đất, khô mực, bánh phồng tôm, cá khô các loại… Trong đó, tôm khô đất của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Các sản phẩm tôm khô chất lượng của HTX Nguyễn Thơ (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi)
Đưa chúng tôi đi một vòng cơ sở, chị Trúc Ly cho biết, vùng này có nghề nuôi tôm khá lâu đời và đây là kinh tế chính của nhiều gia đình nông thôn. “Do sống ở vùng chuyên nuôi thủy sản, nên gia đình tôi thành lập cơ sở thu mua tôm; nhất là tôm đất (đặc sản địa phương) sau đó đưa đi các nơi tiêu thụ. Những lúc rãnh rỗi, tôi làm tôm khô để dự trữ phục vụ cho gia đình, đám tiệc hoặc tặng cho bạn bè, người thân.Nhiều người ăn tôm khô vừa ngọt, vừa dẻo dai, phù hợp khẩu vị nên ai cũng khen ngon và động viên tôi chế biến tôm khô các loại nhằm cung ứng cho nhiều thị trường ở xa, nhất là dịp tết. Thế là năm 2012 tôi bắt đầu làm những mẻ tôm khô đầu tiên bán ra thị trường, lợi nhuận thu về cũng khá…”, chị Trúc Ly nhớ lại.
Sản phẩm tôm khô được chị Trúc Ly sản xuất từ nguồn tôm thiên nhiên, không có phẩm màu, vì vậy người tiêu dùng rất thích. Tuy nhiên, do gia đình chỉ làm tôm khô bằng thủ công nên sản lượng chưa nhiều. Ngoài ra, sản phẩm chưa có thương hiệu, bao bì nhãn mác… nên thường xuyên bị ép giá, hàng không thể xuất bán ra nước ngoài hoặc các siêu thị uy tín. Trong lúc gặp khó thì chị được Hội LHPN xã giới thiệu vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Dơi giúp đầu tư thiết bị, làm nhà sấy, máy đạp vỏ tôm… Năm 2021, Hội LHPN xã và các ngành hỗ trợ thành lập HTX Nguyễn Thơ nhằm liên kết với nhiều thành viên ở địa phương, tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường. Chị Trúc Ly bộc bạch: “Thời gian qua, HTX được Hội LHPN ở địa phương và các ngành chức năng tích cực hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức; rồi tham gia cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp; tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; xây dựng sản phẩm OCOP… Nhờ đó, các sản phẩm của HTX ngày càng được người tiêu dùng các nơi biết và ưa chuộng. Cũng từ đó, qui mô hoạt động được mở rộng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đồng thời liên kết thu mua nguyên liệu cho nhiều bà con theo phương châm “cùng có lợi”. Mỗi năm HTX thu lời hàng trăm triệu đồng, tuy con số chưa lớn, nhưng sự khởi nghiệp bước đầu như vậy là đáng mừng”.
Chế biến ba khía ở HTX Ba khía Đầm Dơi, do chị Trần Thị Xa làm chủ…
Không giấu được niềm vui khi sản phẩm khô thịt heo vừa được công nhận đạt OCOP 3 sao, chị Cao Thị Bạch - chủ cơ sở sản xuất khô thịt heo Út Bạch (xã Tân Thành, TP Cà Mau) thừa nhận, chính nhờ đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đề án 939) đã giúp chị thành công và tạo ra hướng đi mới đầy triển vọng. Chị Bạch kể: “Khô là dạng thực phẩm nhiều người thích ăn, dễ ăn và bảo quản được lâu, nên tôi học hỏi cách làm một số loại khô để kinh doanh. Sau đó, tôi phát hiện ra khô thịt heo ít ai sản xuất, trong khi tại địa phương có nhiều hộ nuôi heo nên nguồn nguyên liệu dồi dào. Thế là tôi học kinh nghiệm, nghiên cứu cách chế biến, ướp sản phẩm cho ngon nhằm tạo sự khác biệt so với các loại khô khác…”. Kiên trì với hướng đi riêng, dần dần chị Bạch chế biến thành công khô thịt heo được nhiều người ưa chuộng. Dù vậy, sản lượng làm ra chưa nhiều, bởi năng lực hạn chế. Gần đây, chị Bạch được các cấp Hội LHPN và ngành chức năng hỗ trợ vốn mua thiết bị, giúp giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhờ đó số lượng chế biến ngày càng tăng. Mới đây sản phẩm đạt OCOP 3 sao, tạo thêm sự an tâm cho người tiêu dùng. “Niềm vui là ngoài việc ổn định sản xuất, tăng nguồn thu cho gia đình thì còn giải quyết việc làm cho nhiều chị em nông thôn; tạo nên sản phẩm OCOP cho địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm…”, chị Bạch tâm sự.
Các sản phẩm OCOP do nhiều chị em phụ nữ ở Cà Mau sản xuất
Ở xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) lâu nay người dân trồng cây bồn bồn rất nhiều, tuy nhiên đa phần chỉ sử dụng phần thân non, còn lá và thân già bị bỏ đi. Để tận dụng phần phụ phẩm này nhằm tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, chị Phạm Thị Hồng Nguyên nảy ý tưởng đan túi xách bằng lá bồn bồn. Sau thời gian nghiên cứu về đặc tính của cây bồn bồn và lặn lội đi học kinh nghiệm; chị Hồng Nguyên chọn những cây bồn bồn có chiều cao từ 1m, không quá già hoặc quá non. Khi thu hoạch về đem phơi cho cọng bồn bồn giữ được màu vàng nhạt, sáng bóng và có độ dai để đan túi xách.Công đoạn đan qua các bước như tạo khung, đan… khi thành hình thì sản phẩm được phủ keo chống mốc, chống thấm, may da, gắn khóa kéo và trang trí. Túi xách làm bằng lá bồn bồn được bán với giá 200.000 - 500.000 đồng/chiếc. Mỗi tháng, chị bán ra thị trường hàng trăm chiếc túi xách từ phế phẩm bồn bồn thông qua các nền tảng mạng xã hội và bán sỉ cho khách, thu về hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn cách làm cho nhiều phụ nữ địa phương lúc nhàn rỗi, với chi phí 75.000 đồng/chiếc túi thô, giúp nhiều người có thêm thu nhập…
Những sản phẩm chất lượng do nhiều chị em phụ nữ ở Cà Mau sản xuất
Tăng cường trợ lực phụ nữ phát triển kinh tế
Khoảng 5 năm gần đây, Hội LHPN tỉnh Cà Mau tích cực phối hợp cùng các ngành liên quan hỗ trợ nhiều chị em khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa; xây dựng nhiều tổ hợp tác, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh để mở rộng qui mô hoạt động. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị. Qua đó, đã có hàng ngàn gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp thành công, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ đa dạng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tỉnh Cà Mau khen thưởng các chị em khởi nghiệp thành công…
Để chị em phụ nữ thuận lợi trong phát triển kinh tế thì khâu vốn là rất quan trọng. Việc này, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi như, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với dự nợ khoảng 1.300 tỉ đồng, cùng các nguồn vốn khác của tỉnh về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, HTX… Ngoài ra, Hội LHPN các cấp còn vận động tiết kiệm tạo vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế; đồng thời tăng cường vốn hỗ trợ cho phụ nữ sản xuất, vươn lên khá giàu…
Theo bà Trần Thị Kiều Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, phong trào khởi nghiệp ở tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế… Từ đó, góp phần tạo việc làm, giúp nhiều chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, còn làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy ý chí vươn lên, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; lan tỏa ngày càng nhiều hơn phụ nữ tự tin, dám nghĩ dám làm, sáng tạo khởi nghiệp, nhất là phụ nữ nông thôn có điều kiện vươn lên; góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò phụ nữ tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế ở địa phương, tham gia có chất lượng phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… Tới đây cần tiếp tục phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp chủ động thường xuyên tham mưu với các cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt với các ngành liên quan để quan tâm ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ cho phụ nữ khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo trong phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu, hình thành các phong trào khởi nghiệp lớn mạnh. Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình cà phê khởi nghiệp; không gian làm việc chung mà Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập trên địa bàn 9 huyện, thành phố để chị em có thêm kênh xúc tiến thương mại, trao đổi, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế...
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các ngành chức năng, Hội Doanh nhân nữ, UBND các huyện… tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nguồn vốn; tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ thành công. Ông Luân cũng khuyến khích các chị em phụ nữ luôn sáng tạo, nỗ lực vươn lên; không ngừng đổi mới để phong trào phụ nữ khởi nghiệp gặt hái nhiều kết quả, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời khẳng định vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay…
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.