Phát huy lợi thế địa phương
Tháng 6/2023, về ấp Cái Keo (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) thăm Hợp tác xã (HTX) Nguyễn Thơ của chị Nguyễn Trúc Ly - nơi chuyên sản xuất các sản phẩm tôm khô, mực khô, chà bông tôm, bánh phồng tôm và cá khô các loại… Trong đó, tôm khô đất đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Trúc Ly cho biết, vùng này có nghề nuôi tôm lâu đời và con tôm là kinh tế chính của nhiều gia đình nông thôn. Do sống ở vùng chuyên nuôi thủy sản, nên gia đình chị thành lập cơ sở thu mua, chế biến, rồi đưa đi các nơi tiêu thụ.
Chị kể, lúc trước, vào những lúc rảnh rỗi, chị thường làm tôm khô để ăn, phục vụ đám tiệc và tặng bạn bè, người thân. Ai nấy đều khen tôm khô ngon, vừa ngọt, vừa dai và động viên chị làm để cung ứng cho thị trường nhiều nơi, nhất là vào dịp tết. Vậy là năm 2012 chị bắt đầu làm những mẻ tôm khô đầu tiên để bán. Lợi nhuận thu về cũng khá.
|
Các sản phẩm tôm khô chất lượng của Hợp tác xã Nguyễn Thơ (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) |
Sản phẩm tôm khô của chị làm từ nguồn tôm tươi thiên nhiên, không ướp phẩm màu nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do làm thủ công nên sản lượng không nhiều. Sản phẩm lại cũng chưa có thương hiệu, bao bì, nhãn mác… nên hay bị ép giá và không thể bán ra nước ngoài hoặc vào các siêu thị uy tín. Trong lúc đang gặp khó thì chị Trúc Ly được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Dơi để đầu tư thiết bị, làm lò sấy, máy bóc vỏ tôm… Đến năm 2021, Hội Phụ nữ xã và các ngành lại hỗ trợ chị thành lập HTX nhằm liên kết với nhiều thành viên ở địa phương, tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường. Chị Trúc Ly bộc bạch: “Nhờ Hội Phụ nữ và các ngành chức năng tích cực hỗ trợ giới thiệu - quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, hội chợ xúc tiến thương mại và xây dựng sản phẩm OCOP… mà sản phẩm của HTX Nguyễn Thơ ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Cũng từ đó mà quy mô hoạt động được mở rộng, tạo việc làm cho nhiều lao động, đồng thời liên kết thu mua nguyên liệu cho nhiều bà con. Hiện tại, mỗi năm HTX thu lời vài trăm triệu đồng. Chưa phải là lớn, nhưng khởi đầu như vậy là đáng mừng”.
|
Các sản phẩm OCOP do phụ nữ ở Cà Mau làm ra |
Không giấu niềm vui khi sản phẩm khô thịt heo của mình vừa được công nhận đạt OCOP 3 sao, chị Cao Thị Bạch - chủ cơ sở sản xuất khô thịt heo Út Bạch (xã Tân Thành, TP Cà Mau) - thừa nhận, đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đề án 939) đã giúp chị thành công và tạo ra hướng đi mới đầy triển vọng. Chị Bạch kể: “Khô là dạng thực phẩm nhiều người thích ăn, dễ bảo quản và bảo quản được lâu, nên tôi học hỏi cách làm một số loại khô để bán. Rồi tôi phát hiện, khô thịt heo ít ai sản xuất, trong khi địa phương có nhiều hộ nuôi heo, nguồn nguyên liệu dồi dào. Thế là tôi học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu cách chế biến, tẩm ướp sản phẩm cho ngon nhằm tạo sự khác biệt so với các loại khô khác…”.
Kiên trì với hướng đi riêng, chị Bạch đã chế biến thành công món khô thịt heo được nhiều người ưa chuộng. Nhưng do năng lực còn hạn chế nên sản lượng làm ra chưa nhiều. Để giúp cơ sở của chị gần đây các cấp Hội Phụ nữ và ngành chức năng đã hỗ trợ chị vay vốn mua sắm trang thiết bị, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường. Nhờ đó mà sản lượng cũng ngày càng tăng, doanh thu tăng, ổn định sản xuất và giải quyết được việc làm cho nhiều chị em nông thôn. Mới đây, thông tin sản phẩm khô thịt heo của cơ sở đạt OCOP 3 sao càng giúp củng cố thêm niềm tin và sự an tâm cho người tiêu dùng.
Ở xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước), cây bồn bồn vốn thân thuộc với người nông dân. Tuy nhiên, bà con chỉ sử dụng phần thân non bên trong để làm thực phẩm, còn lá và thân già đều vứt bỏ. Để tận dụng phần phụ phẩm này, chị Phạm Thị Hồng Nguyên nảy ra ý tưởng làm đồ thủ công bằng lá bồn bồn. Sau thời gian nghiên cứu về đặc tính của cây bồn bồn và lặn lội đi học kinh nghiệm, chị Hồng Nguyên quyết định làm túi xách lá bồn bồn. Chị chọn những cây có chiều cao từ 1m, không quá già hoặc quá non, đem phơi khô để có màu vàng nhạt, sáng bóng và độ dai. Sau khi đan thành hình, sản phẩm được phủ keo chống mốc, chống thấm, may da, gắn khóa kéo và trang trí. Mỗi chiếc túi xách làm bằng lá bồn bồn được bán với giá 200.000-500.000 đồng và mỗi tháng chị bán ra thị trường hàng trăm chiếc thông qua các nền tảng mạng xã hội và bán sỉ cho khách, thu về hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn kỹ thuật giúp nhiều phụ nữ địa phương có việc làm thêm lúc nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Khoảng 5 năm gần đây, Hội LHPN tỉnh Cà Mau tích cực phối hợp với các ban ngành liên quan để hỗ trợ nhiều chị em khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, tổ hợp tác, HTX, cơ sở sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ vào chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua các hoạt động vừa nêu, đã có hàng ngàn tấm gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ đa dạng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Để chị em thuận lợi trong phát triển kinh tế thì khâu vốn rất quan trọng. Tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi như: vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn của tỉnh cho khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
|
Chế biến ba khía ở Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi, do chị Trần Thị Xa làm chủ |
Theo bà Trần Thị Kiều Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau - phong trào khởi nghiệp ở tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, góp phần tạo việc làm, giúp nhiều chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp còn làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy ý chí vươn lên, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; lan tỏa ngày càng nhiều những tấm gương phụ nữ tự tin, dám nghĩ dám làm, sáng tạo trong khởi nghiệp, nhất là ở phụ nữ nông thôn; góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thời gian tới Hội Phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt với các ngành liên quan để đồng hành và hỗ trợ chị em hình thành phong trào khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình cà phê khởi nghiệp, không gian làm việc chung mà Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập tại 9 huyện, thành phố để chị em có thêm kênh xúc tiến thương mại, trao đổi, nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - yêu cầu các ngành chức năng, Hội Doanh nhân nữ, UBND các huyện tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nguồn vốn; tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ thành công. Ông Luân cũng động viên và khuyến khích chị em luôn sáng tạo, nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới để phong trào phụ nữ khởi nghiệp gặt hái nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời khẳng định vai trò của phụ nữ trong đời sống.
Bài và ảnh: Huỳnh Lợi