Phụ nữ làm gì để vượt qua rào cản giới?

08/03/2022 - 06:16

PNO - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong bảy năm qua, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng mạnh, chiếm 31,3% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Để thành công, doanh nhân nữ phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới, bởi họ phải vừa lo phát triển doanh nghiệp, vừa chu toàn việc gia đình và phải tự vượt qua những định kiến giới.

“Phụ nữ đôi khi cũng tự định kiến về giới khiến họ kém tự tin và đây là rào cản lớn nhất kéo họ chậm lại” - theo chị Lưu Thanh Huyền, người sáng lập và là trưởng ban cố vấn Vietnam Online Career Fair, hội chợ hướng nghiệp và việc làm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019. Chị hiện cũng là giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức tại L’Oréal Việt Nam. 

Chị Lưu Thanh Huyền (thứ tư từ trái sang) trong một lần nhận giải thưởng công ty có môi trường làm việc tốt ở khu vực châu Á
Chị Lưu Thanh Huyền (thứ tư từ trái sang) trong một lần nhận giải thưởng công ty có môi trường làm việc tốt ở khu vực châu Á

Chị nói thêm: “Nếu cứ tập trung vào nỗi lo bị đối xử bất bình đẳng, mình sẽ không còn thời gian để tìm cơ hội cho mình. Một tổng giám đốc cấp cao đã từng tâm sự với tôi rằng, trong công việc, chị ấy chưa bao giờ nghĩ mình là nữ. Chị ấy chỉ tập trung vào hiệu quả chứ không để định kiến giới ảnh hưởng. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy phụ nữ nên nhìn vào năng lực của mình và đóng góp vào công việc để chứng minh giá trị của mình”.

Thừa nhận vẫn còn bất bình đẳng giới trong mỗi doanh nghiệp, nhưng chị cho rằng, bất bình đẳng giới đến từ khó khăn của doanh nghiệp. Chẳng hạn, một công ty có tiềm lực tài chính mạnh luôn có giải pháp thay thế người làm trong thời gian nhân viên nghỉ thai sản; ngược lại, doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu rất ngại giải quyết chế độ thai sản, ngại tuyển thêm người nên họ không thích tuyển nữ.  

Về đường thăng tiến, dù gia đình và xã hội luôn khuyến khích phụ nữ học hành nhiều hơn, nhưng đến khi họ lập gia đình, những người xung quanh vẫn mặc định họ nên lùi một bước sau chồng con, còn sự nghiệp chỉ là thứ yếu. Chị Lê Xuân Trúc - cố vấn các chương trình chuyên gia công nghệ tại Women Techmakers của Google Developers và Google Generations Scholarship tại Việt Nam - từng vướng phải định kiến này.

Chị Lê Xuân Trúc trong một lần thuyết trình về lĩnh vực công nghệ tại Google Thái Lan
Chị Lê Xuân Trúc trong một lần thuyết trình về lĩnh vực công nghệ tại Google Thái Lan

Chị từng du học thạc sĩ ngành quản lý thiết kế và thời trang. Khi trở thành giảng viên Trường đại học ở Boston (Mỹ), chị bắt đầu suy nghĩ về việc chuyển hướng sang ngành công nghệ thông tin. Tham khảo ý kiến từ một kỹ sư phần mềm người Mỹ, chị nhận ngay lời khuyên phũ phàng: “Đừng phí thời gian vì em sẽ không bao giờ thành công trong ngành này đâu”. Ở nhà, bố mẹ chị cũng lo lắng khi nghe con gái quyết định làm lại từ đầu trong ngành công nghệ gai góc. Nhưng chị nghĩ nếu sợ hãi, mình chỉ mãi giậm chân tại chỗ nên vẫn quyết định bước đi trên con đường hoàn toàn mới.

Những ngày đầu mày mò tìm hiểu kiến thức cơ bản về lập trình, chị cũng có cảm giác sợ lĩnh vực mới lạ này. Càng dấn thân sâu vào, chị nhận ra máy tính không phân biệt nam nữ, già trẻ, quốc tịch. Ngôn ngữ lập trình tuy thay đổi từng ngày nhưng rất logic, chỉ có đúng và sai; ai cũng có cơ hội ngang nhau, chỉ cần không bỏ cuộc. Qua thời gian, mọi người cũng công nhận sự cố gắng từng ngày của chị và hỗ trợ chị ra game điện tử đầu tiên.

“Khi nữ giới làm về công nghệ nhiều hơn, khoảng cách giới tính cũng được thu hẹp, xã hội cũng bớt định kiến hơn”. Với suy nghĩ này, năm 2019, chị trở về Việt Nam, dẫn dắt chương trình Women Meet Teach để cùng Văn phòng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, đưa chương STEM đến với phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, chị cũng đang làm cố vấn và tư vấn trong các chương trình chuyên gia công nghệ tại Women Techmakers của Google Developers và Google Generations Scholarship tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Chị Xuân Trúc chia sẻ: “Nếu tôi không thử, tôi sẽ không biết được khả năng của mình. Nếu lúc đó, tôi chiều theo quan niệm “việc khó là của con trai” tức là tôi đã có định kiến về giới tính. Vì vậy, phụ nữ nên là người đầu tiên thoát khỏi định kiến đó”. 

Dù rất bận rộn sáng lập dự án công nghệ hỗ trợ chẩn đoán ung thư da và hậu phẫu, chị vẫn tự đặt mục tiêu phải hỗ trợ phụ nữ mới vào ngành công nghệ thông tin: “Làm nhiều chương trình ở Úc, Mỹ và các nước, tôi thấy phụ nữ thiếu tự tin khi bước vào lĩnh vực công nghệ mới mẻ. Là phụ nữ, dù ở đâu, họ cũng có trăn trở trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Nhìn thấy một số bạn phải cùng con dự chương trình của mình, tôi vừa thấy đáng yêu, vừa thương họ phải nhọc nhằn”.

Chị Xuân Trúc cho rằng, các đồng nghiệp nam, nữ nên hỗ trợ nhau về kiến thức, về dữ liệu trong môi trường công nghệ. Cùng giao lưu, mọi giới sẽ rút ngắn khoảng cách về định kiến giới tính trong ngành công nghệ thông tin. Nếu phụ nữ được đối xử như một đồng nghiệp chứ không phải là một đồng nghiệp nữ, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Nhiều thế hệ phụ nữ hội ngộ tại Lễ hội Áo dài được tổ chức vào ngày 6/3 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM ẢNH: TAM NGUYÊN
Nhiều thế hệ phụ nữ hội ngộ tại Lễ hội Áo dài được tổ chức vào ngày 6/3 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

Để phá vỡ các rào cản bất bình đẳng giới trong mọi ngành nghề, chị Thanh Huyền cho rằng, phụ nữ cần chia sẻ mong muốn của mình với mọi người xung quanh: “Tuy xuất thân trong một gia đình cởi mở nhưng tôi cũng phải trấn an bố mẹ khi ông bà ái ngại về việc con gái làm ngày làm đêm. Ngồi ăn cơm cùng bố mẹ, tôi nói suy nghĩ của mình về mẫu người phụ nữ hạnh phúc. Bố mẹ đã cảm thông. Tôi thấy quan niệm chung của người Việt mình vẫn đo hạnh phúc của phụ nữ bằng một gia đình hạnh phúc. Không ít phụ nữ chọn gia đình nếu công việc nhiều mà không có thời gian dành cho gia đình. Nếu họ chia sẻ nhiều hơn về mong ước của mình, về định nghĩa hạnh phúc của một người phụ nữ trong thời hiện đại thì mọi người sẽ đồng cảm và sắp xếp,  đỡ đần cho nhau. Nếu mình tự tin vào mình thì người khác cũng sẽ tin vào mình thôi”. 

Mỹ Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI