Phụ nữ kiên cường hơn đàn ông trong môi trường vũ trụ

12/06/2024 - 18:15

PNO - Nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, cơ thể nữ giới thích ứng tốt hơn nam giới trước những thay đổi khi du hành và làm việc ngoài không gian.

Các nữ phi hành gia Nasa Christina Koch (trái, áo phông xanh) và Jessica Meir — Ảnh: NASA
Nữ phi hành gia Nasa Christina Koch (trái) và Jessica Meir - Ảnh: NASA

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu y dược Weill Cornell, trực thuộc Đại học Cornell, ở New York, Hoa Kỳ cho thấy, cơ thể nữ giới chống chịu các nhiễu động tốt hơn nam giới, khi thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian, theo báo The Guardian đưa tin ngày 12/6.

Christopher Mason - giáo sư sinh lý học tại Trung tâm Weill Cornell, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, nhóm của ông đã kiểm tra 2 người đàn ông và 2 người phụ nữ, đều thuộc phi hành đoàn của Inspiration4, do Tập đoàn công nghệ SpaceX tổ chức vào tháng 9/2021. Inspiration4 là sứ mệnh bay vào không gian đầu tiên dành cho người bình thường, phi hành đoàn gồm doanh nhân (nam), trợ lý bác sĩ (nữ), nhà khoa học địa lý (nữ) và kỹ sư dữ liệu (nam), bay vòng quanh Trái đất trong 3 ngày.

Cả 4 người tham gia Inspiration4 đều không phải là phi hành gia được huấn luyện của NASA, cô trợ lý bác sĩ còn mang chân giả, nên nhóm chuyên gia cho rằng kết quả của họ sẽ phản ánh được sự khác biệt giữa cách cơ thể đàn ông và phụ nữ tương tác với môi trường ngoài không gian, đặc biệt là cách hệ thống miễn dịch phản ứng với chuyến bay vào vũ trụ. Kết quả của họ còn được so sánh với dữ liệu từ 64 phi hành gia khác.

Kết quả của nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nature Communications ngày 11/6 cho thấy: “Nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới khi du hành vào vũ trụ, đối với hầu hết các loại tế bào và chỉ số”. Theo đó, hoạt động gen ở nam giới bị gián đoạn nhiều hơn so với nữ giới và nam giới cũng mất nhiều thời gian để trở lại bình thường hơn, sau chuyến du hành không gian. Một loại protein bị ảnh hưởng là fibrinogen, có vai trò quan trọng cho quá trình đông máu.

Nhóm của ông Mason nhận định: “Dữ liệu tổng hợp cho đến nay chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch và điều hòa gen, đối với chuyến bay vào vũ trụ, diễn ra nhạy cảm hơn ở nam giới”.

Nhóm của ông Mason chưa rõ nguyên nhân của hiện tượng, nhưng họ giả thuyết rằng việc cơ thể phụ nữ chịu đựng được thử thách khi mang thai có thể là lý do. Giáo sư Mason cho biết: “Phụ nữ có khả năng vượt qua những thay đổi lớn về sinh lý và trao đổi chất trong quá trình mang thai, nên họ cũng kiểm soát được sự căng thẳng của chuyến bay vào vũ trụ ở mức độ sinh lý”.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI