|
Nhân viên Bệnh viện An Sinh thực hiện quy trình tách trứng, trữ đông - Ảnh do Bệnh viện An Sinh cung cấp |
Trữ trứng bởi 1.001 lý do
Xinh đẹp, có việc làm ổn định, N.T.N.H. - 24 tuổi, ở tỉnh Bến Tre - chưa muốn lập gia đình, sinh con. Hiện là phó phòng chăm sóc khách hàng của một công ty lớn, cô thấy mê việc hơn mê người, muốn dành hết tâm lực cho công việc và tiếp tục phát triển bản thân.
Cô kể, bạn bè cô đều đã lập gia đình, có con nên cha mẹ cô xót con gái, cứ giục lấy chồng, sinh con. Nhưng cô chỉ muốn kết hôn khi có vị trí công việc tốt, kinh tế vững vàng, còn niềm vui lớn nhất hiện tại vẫn là công việc. Tuy vậy, do có suy nghĩ nghiêm túc về việc sinh con sau này, cô đã tìm hiểu và đến Bệnh viện An Sinh nhờ trữ trứng.
“Bác sĩ khuyên đợi đến 30 tuổi mới nên trữ nhưng do công việc hiện tại nhiều áp lực, căng thẳng nên tôi vẫn quyết định trữ trứng cho chắc ăn, để sau này vẫn có trứng khỏe, tạo ra phôi khỏe, thai khỏe, con đẹp. Hiện tôi đã gửi được 7 trứng ở bệnh viện nên khá yên tâm để theo đuổi các mục tiêu tiếp theo trong công việc” - cô nói.
Chia tay tình đầu với nhiều đau khổ, chị P.L.Đ. - ở quận 8, TPHCM - dành hết tình yêu cho hội họa, bỏ quên cả chuyện hẹn hò. Cho đến năm 30 tuổi, nhìn bạn bè xung quanh có em bé, chị khát khao được làm mẹ nhưng không có người yêu nên lại lao vào vẽ. Năm nay 35 tuổi, chị bắt đầu lo sợ không sinh con được. Nghe bạn bè nói về công nghệ trữ đông trứng, chị tìm hiểu, mới biết nhiều bệnh viện phụ sản ở TPHCM có thể trữ đông trứng, bèn thực hiện ngay, phòng sau này nếu kết hôn trễ thì vẫn có được những đứa con khỏe mạnh.
Chị Đ. cười: “Vừa rồi, cháu tôi mới 25 tuổi cũng “gửi trứng” vì sợ làm trong nhà máy, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn, ảnh hưởng đến con sau này. Bạn tôi đã sinh 1 con rồi cũng đi trữ đông trứng để khi có đủ điều kiện tài chính thì sinh thêm đứa nữa. Tôi thấy trữ đông trứng là điều tốt, như là một kiểu bảo hiểm sinh học, giúp mình chủ động phòng tránh những tình huống rủi ro trong đường sinh sản về sau”.
Đi kích trứng lần thứ hai, chị T.T.C.B. - 48 tuổi, ở tỉnh Bến Tre - cũng chỉ gửi được tổng cộng 2 trứng để trữ đông. Chọn sống độc thân để có cuộc sống tự do, du lịch thỏa thích nhưng vẫn khát khao được làm mẹ. Gần đây, biết đến công nghệ trữ trứng, chị đến bệnh viện thực hiện ngay dù bác sĩ nói tuổi chị đã lớn, có thể gặp rủi ro nếu sinh con. Chị dự kiến khoảng 2-3 năm nữa, sẽ thụ tinh trong ống nghiệm để được làm mẹ.
|
Trứng được trữ đông trong các bình chứa ni tơ lỏng - Ảnh do Bệnh viện An Sinh cung cấp |
Cân nhắc để tránh lãng phí
Bác sĩ Nguyễn Anh Danh - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh (TPHCM) - cho biết, từ những năm 2010, việc trữ đông trứng đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Lưu trữ trứng cũng ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ tuổi. Đây là phương pháp giúp phụ nữ bảo tồn trứng khỏe mạnh, chủ động hơn trong việc quyết định thời điểm lập gia đình, sinh con, chẳng hạn như khi đã ổn định sự nghiệp, sẵn sàng về mặt tâm lý.
Riêng ở Bệnh viện An Sinh, trung bình mỗi tháng, có 4-5 trường hợp đến trữ trứng. Không chỉ phụ nữ độc thân, những phụ nữ đang có chồng và đã có con cũng trữ trứng để sinh thêm em bé trong tương lai. Bác sĩ Nguyễn Anh Danh nhận định: “Số ca trữ trứng tăng nhanh là do ngày nay, giới trẻ quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn về sức khỏe sinh sản. Có những cặp đôi chủ động khám tiền hôn nhân để biết được các vấn đề về sức khỏe sinh sản, có kế hoạch sinh con phù hợp. Phụ nữ hiện nay cũng có tư tưởng tiến bộ, tự chủ trong cuộc sống, đa số có xu hướng kết hôn muộn nên đã tìm đến phương pháp trữ trứng để yên tâm lo phát triển bản thân, không lo lắng về đường sinh đẻ sau này”.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Danh, người đến với dịch vụ trữ trứng của bệnh viện này khá đa dạng về độ tuổi, từ 20 đến gần 50 tuổi, nhiều nhất là ngoài 30 tuổi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được chấp nhận cho trữ trứng. Ông lý giải, độ tuổi lý tưởng nhất để phụ nữ mang thai, sinh con là từ 20-29. Sau đó, buồng trứng sẽ lão hóa dần; đến tuổi ngoài 40 tuổi, chỉ 10% phụ nữ có khả năng thụ thai tự nhiên và sinh con an toàn. Khi đến giai đoạn mãn kinh, phụ nữ không còn khả năng sinh sản. Do đó, việc trữ đông trứng khi còn trẻ sẽ giúp thai có chất lượng tốt hơn, bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
|
Nhân viên Bệnh viện An Sinh thực hiện quy trình tạo, trữ phôi - Ảnh: B.V. |
Ông nói: “Khi trữ đông trứng ở tuổi 30 mà đến năm 40 tuổi sinh con bằng trứng đã trữ trước đó thì cơ hội có thai, sức khỏe thai nhi là của thai phụ tuổi 30 chứ không phải tuổi 40. Như vậy, phụ nữ trữ trứng ở lứa tuổi càng trẻ, càng tốt”. Khi phụ nữ kết hôn muộn, có thể dùng trứng đã được trữ đông kết hợp với tinh trùng của chồng để tạo thành phôi. Nếu muốn “độc lập” có con, có thể xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng để tạo phôi. Tính đến nay, trứng trữ đông được xác định không có sự khác biệt nào so với trứng tươi.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo, để tránh lãng phí, phụ nữ 30 tuổi, khỏe mạnh nhưng chưa có ý định lập gia đình, sinh con trong 5 năm tới thì mới nên trữ đông trứng bởi việc này cũng gây tốn kém chi phí, gồm chi phí kích trứng, chọc hút trứng, trữ và duy trì chất lượng.
Không nên trữ đông trứng theo cảm xúc bộc phát hay trào lưu Với những phụ nữ có vấn đề bệnh lý mà việc điều trị ảnh hưởng đến buồng trứng hoặc không thể mang thai thì việc trữ đông trứng hoặc mô buồng trứng sẽ giúp họ có thể mang thai, sinh con sau điều trị. Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi chưa thể sinh con tự nhiên do những nguyên nhân khách quan cũng có thể trữ đông trứng nếu muốn sinh con sau này. Tuy nhiên, thủ thuật kích trứng, lấy trứng và bảo quản trứng cũng có thể gây đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, quá kích buồng trứng, gây tốn kém chi phí duy trì chất lượng trứng. Do đó, phụ nữ không nên trữ trứng theo cảm xúc bộc phát hay theo trào lưu. Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) |
Phạm An