Trong khi chính quyền Seoul tổ chức tang lễ theo đúng nghi thức cho vị thị trưởng vừa tự sát, thì nhiều tổ chức nữ quyền quyết liệt phản đối.
Theo họ, việc bày tỏ sự tôn kính trước một người (có thể) liên quan đến hiện tượng quấy rối tình dục sẽ gây nên tác động tiêu cực đối với quyền phụ nữ, đặc biệt là quyền của nạn nhân bị lạm dụng. “Quyền của nạn nhân” còn được đòi lại bằng cách yêu cầu cảnh sát đưa toàn bộ bằng chứng quấy rối của vị cố thị trưởng ra ánh sáng.
Trong trường hợp này, quyền của nạn nhân được đồng nhất với quyền phụ nữ. Vụ quấy rối tình dục chưa rõ thực hư, nhưng luồng tranh luận trên đây cũng bộc lộ những xung đột rất thực trong nhận thức về “quyền phụ nữ”, hay “quyền con người”.
|
Luật sư của cựu thư ký phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul hôm 13/7 |
Chúng ta đã nhiều lần từ bỏ quyền của mình
Những cáo buộc của nữ thư ký có thể đúng. Cảnh ngộ bị lạm dụng tình dục luôn cần được đồng cảm, sẻ chia. Hành trình đòi lại công bằng của cô cũng như những phụ nữ chịu lên tiếng như cô sẽ được pháp luật, công luận và những cơ quan nhân quyền bảo vệ.
Nhưng, trong suốt hành trình tìm kiếm sự bảo vệ đó - ít ai nhận ra rằng, con số “bốn năm chịu đựng sự quấy rối” đã là một thông tin khổng lồ để mổ xẻ về quyền của nạn nhân, hay nói rộng hơn là quyền phụ nữ, quyền con người.
Quyền của nạn nhân bị lạm dụng tình dục được quy định trong luật pháp của nhiều quốc gia. Để bảo vệ quyền này, những tổ chức liên quan có trách nhiệm hành động để xác nhận tư thế nạn nhân của người bị hại, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giúp họ cảm thấy an toàn, ổn định, tích cực, mặt khác, làm “trong lành hóa” môi trường xã hội.
Việc bảo vệ nạn nhân từ đó có thể chống lại hai hiện tượng cực đoan: (1) hành vi đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), (2) sự tự nạn nhân hóa (self-victimization) dẫn đến tâm thế nạn nhân (victim mentality) và việc bị mắc kẹt trong tâm thế đó.
Thế nhưng, mỗi vụ quấy rối tình dục vỡ lở luôn bày ra câu chuyện về người phụ nữ đã khổ sở chung sống với nó một thời gian dài. Và sự lên tiếng, luôn đi kèm với một lời cầu cứu. Ngay trong câu chuyện của cựu thư ký thị trưởng Seoul, tiếng kêu cứu chỉ cất lên sau hàng năm trời chung sống với sai trái.
Để đến lúc chứng kiến xã hội không nhất loạt hưởng ứng lời kêu cứu của mình (vẫn có người bày tỏ sự tôn kính với cố thị trưởng), cô lại tuyệt vọng tự hỏi: “Mình phải sống tiếp thế nào đây?”. Điều này có thể được lý giải rằng cựu thư ký đã “bị ngăn chặn lên tiếng”. Nhưng ngay cả khi điều này là thật, tiếng nói bị vô hiệu kia cũng không lý giải được việc nạn nhân tiếp tục chung sống, tiếp tục nhập vai nạn nhân suốt hàng năm trời.
Có lẽ, không riêng câu chuyện này, mà ở nhiều vấn đề thể hiện sự “bất bình đẳng giới”, người phụ nữ đã quen với việc vào vai nạn nhân mà quên mất khả năng tự giải quyết, quên đi quyền quyết định cuối cùng với nơi chốn mình thuộc về, con người mình gắn bó, và nhân phẩm mình lựa chọn. Kêu cứu là việc làm cần thiết. Nhưng chỉ kêu cứu và tuyệt vọng chịu trận nếu không được cứu, thì hệ thống hành vi của nhân vật này đã bị tư thế nạn nhân chi phối, khó tránh khỏi việc dẫn đến một “số phận nạn nhân”.
Đáng tiếc là, những nỗ lực bảo vệ, tập trung vào phụ nữ bằng tinh thần cứu giúp của những phong trào nữ quyền, dường như đang làm đậm lên tâm thế nạn nhân nơi họ.
Ta thực sự cần gì?
Trong nghiên cứu “Practical Wisdom: The Right Way to Do the Right Thing” (Sự thông thái thực tiễn: Con đường để làm điều đúng đắn), Barry Schwartz và Kenneth Sharpe cho rằng nếu xã hội chỉ được vận hành dựa trên hệ thống khen và phạt, thì tính đạo đức tự thân trong ý thức cá nhân sẽ bị kìm hãm.
Con người sẽ chủ yếu hành động dựa trên luật, quy tắc cộng đồng, hệ thống khen thưởng - thành tích, thay vì từ chính lương tri và sức mạnh nội tại để sống và đấu tranh cho quyền cá nhân, quyền con người và những giá trị nhân văn.
Tương tự, nếu thông điệp của những phong trào nhân quyền, nữ quyền vẫn chủ yếu tập trung tô điểm thân phận “nạn nhân” của người phụ nữ (yếm thế, yếu đuối, bất lực, chịu đựng), nhấn mạnh vào sự giận dữ, vào nhu cầu trừng phạt, hủy hoại “thủ phạm” thì rất có thể, nó sẽ góp phần khuyến khích tâm thế nạn nhân trong cộng đồng nói chung và cộng đồng người phụ nữ nói riêng.
Tâm thế nạn nhân khiến những người (có thể) vốn đã ở tư thế thiếu quyền lực càng cảm thấy nhỏ bé, bị động. Và có thể, một cách vô thức, họ cho rằng hành vi đấu tranh cho quyền được bảo vệ bản thân vốn chỉ phụ thuộc vào các tổ chức, các phong trào; và sự an toàn cũng như phẩm giá cá nhân chỉ được định đoạt bởi các nhóm nữ quyền, hay chỉ bởi hành vi của người đàn ông xung quanh họ.
Ta có thể trở thành nạn nhân trong giai đoạn ấu thơ, trong thời niên thiếu, khi ý thức và kinh nghiệm sống còn non nớt. Ta cũng có thể trở thành nạn nhân trong những lần đầu tiên (bất ngờ, bị động) khi sự việc tồi tệ diễn ra.
Nhưng đôi khi, việc tái trở thành nạn nhân, chấp nhận sống với thân phận nạn nhân, và hành xử với tâm thế nạn nhân trong một thời gian dài, có thể được xem là vấn đề về ý thức, về sự lựa chọn (dù là trong vô thức) của một con người, đối với việc họ sẽ bảo vệ bản thân ra sao, đấu tranh cho quyền của mình thế nào, và họ có (muốn) được truyền động lực, được khai mở để hiểu rằng, bản thân mình có quyền đấy hay không.
Không thể phủ nhận những giá trị về nhân quyền, hiệu quả ngăn ngừa, trừng phạt, nhận thức tội lỗi của hành vi lạm dụng tình dục cùng khả năng giải cứu nạn nhân của những tổ chức nhân quyền, nữ quyền.
Nhưng, mọi cuộc tranh đấu cần hướng đến mục đích bản chất hơn. Đó là, khơi gợi sức mạnh để các nạn nhân dần tự cứu được mình, và hơn cả, là góp phần giảm thiểu số nạn nhân, hạn chế việc liên tục rơi vào tư thế nạn nhân.
Để thực hiện điều này, truyền thông nữ quyền cần phát triển những hoạt động và diễn ngôn nhằm hạn chế tâm thế nạn nhân hay hiện tượng nạn nhân hóa. Thay vào đó, ta có thể tập trung vào việc giáo dục để trao quyền lại (empower) cho từng cá nhân để họ hiểu được một điều rằng mỗi chúng ta, về cuối cùng, cũng phải là người có vai trò quan trọng nhất trong việc thực thi và bảo vệ “quyền sống” của bản thân mình.
Trần Phượng Linh