Phụ nữ không chịu kết hôn khiến Trung Quốc "đau đầu"

31/01/2021 - 21:59

PNO - Tình trạng lười kết hôn, thậm chí cảm thấy hạnh phúc với việc sống đời độc thân của các cô gái trẻ Trung Quốc đang khiến các nhà quản trị quốc gia ở đất nước tỷ dân này đứng ngồi không yên.

Thế hệ millennials (hay còn được gọi là thế hệ Y, thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) ở Trung Quốc hiện nay đang rộ lên xu hướng trì hoãn việc kết hôn, hay thậm chí quay lưng hẳn với chuyện lập gia đình.

Chỉ trong vòng 6 năm, số lượng các cặp đôi Trung Quốc kết hôn lần đầu đã sụt giảm một cách đáng báo động ở mức 41%, từ 23,8 triệu cặp đôi năm 2013 xuống còn 13,9 triệu cặp đôi trong năm 2019.

Tỷ lệ kết hôn trong giới trẻ Trung Quốc đang sụt giảm một cách nghiêm trọng - Ảnh:
Tỷ lệ kết hôn trong giới trẻ Trung Quốc đang sụt giảm một cách nghiêm trọng - Ảnh: Getty

Sự sụt giảm này chính là hậu quả của “chính sách một con” được Trung Quốc thực thi từ năm 1979 và kéo dài hàng thập niên nhằm hạn chế sự gia tăng dân số, đồng nghĩa với việc đất nước này không có đủ người trẻ để lập gia đình. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh những thay đổi trong quan niệm của giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ, về việc lập gia đình khi mà trình độ học vấn ngày càng cao và khả năng độc lập về tài chính của họ ngày càng được cải thiện. Đối với họ, sự tự do, các cơ hội phát triển nghề nghiệp, và việc hưởng thụ cuộc sống theo cách riêng của mình trở nên hấp dẫn hơn viễn cảnh bị bó buộc vào một cuộc hôn nhân với quá nhiều những đòi hỏi và trách nhiệm nặng nề phải chu toàn.

Một yếu tố đáng quan tâm khác, đó là tình trạng bất bình đẳng giới với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn đang là một vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm trong khi hiện tượng “thừa trai thiếu gái” với hơn 30 triệu đàn ông phải đối mặt với nguy cơ “ế vợ” càng khiến các nhà quản trị quốc gia của đất nước tỷ dân này đứng ngồi không yên.

Những cô gái trẻ ở Trung Quốc ngày càng chuộng cuộc sống độc thân - Ảnh:
Những cô gái trẻ ở Trung Quốc ngày càng chuộng cuộc sống độc thân - Ảnh: AFP

Để đối phó với vấn đề được đánh giá là nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang hối hả ban hành hàng loạt chính sách và các chiến dịch tuyên truyền nhằm thúc giục các cặp đôi chịu kết hôn và sinh con. Từ làng quê hẻo lánh đến đô thị đông đúc, các biển hiệu tuyên truyền vận động người dân sinh con thứ 2 được nhìn thấy khắp mọi nơi.

Ở nhiều địa phương, chính quyền đã “linh động phá rào” khi cho phép kéo dài thời gian nghỉ thai sản vẫn hưởng lương từ 98 ngày theo chính sách bắt buộc của trung ương thành 190 ngày nhằm khuyến khích nhiều hơn các cặp vợ chồng chịu nghỉ làm để sinh con và chăm sóc trẻ sơ sinh. Thậm chí một số địa phương còn thực hiện chính sách thưởng tiền cho những cặp vợ chồng chịu sinh từ 2 con trở lên.

Năm 2019, Trung Quốc đã quyết định sửa luật để giảm độ tuổi được phép kết hôn từ 22 tuổi cho nam giới và 20 tuổi cho nữ giới xuống 18 tuổi với hy vọng sẽ có nhiều hơn các cặp đôi trẻ chịu kết hôn và sinh con. Thế nhưng, chính sách tưởng như là sáng kiến hay này đã trở thành đề tài cho người dân chỉ trích và cười cợt như là một “tối kiến” bởi gánh nặng về tài chính và các yếu tố xã hội mới là nguyên nhân chính khiến giới trẻ không hứng thú với việc lập gia đình chứ không liên quan gì đến việc giới hạn độ tuổi kết hôn.

Các nhà quản lý Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề lười kết hôn trong giới trẻ - Ảnh:
Các nhà quản lý Trung Quốc đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề "lười" kết hôn trong giới trẻ - Ảnh: Reuters

Không chỉ lo lắng cho việc “yên bề gia thất” của giới trẻ, các nhà quản trị quốc gia của Trung Quốc còn phải vất vả hơn với nhiệm vụ “giữ lửa hôn nhân” cho các cặp đôi.

Năm 2020, Quốc hội Trung Quốc đã ban hành một chỉ thị yêu cầu các cặp vợ chồng muốn nộp đơn xin ly hôn sẽ phải trải qua một giai đoạn “làm nguội” kéo dài 30 ngày nhằm mục đích giúp cả 2 có thêm thời gian hàn gắn tình cảm với nhau. Thế nhưng, chính sách tưởng như nhân văn này lại bị dân chúng, đặc biệt là phụ nữ và những nạn nhân của bạo lực gia đình, phản ứng dữ dội do lo ngại sẽ bị làm khó dễ trong việc tìm cách giải thoát bản thân mình ra khỏi một cuộc hôn nhân tồi tệ.

Kim Kyung-Hoon/Reuters
Phụ nữ Trung Quốc đang ngày càng trở nên chủ động hơn trong việc quyết định cuộc sống hôn nhân của mình - Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters

 Thế nhưng, bất chấp các nỗ lực của chính quyền các cấp, tình trạng quay lưng với hôn nhân của phụ nữ trẻ Trung Quốc vẫn ngày một trở nên nặng nề hơn bởi theo các nhà nghiên cứu xã hội thì “quan niệm truyền thống cổ hủ xem nhẹ vai trò của nữ giới cùng với tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ trên thị trường lao động mới là nguyên nhân chính khiến phụ nữ không muốn lập gia đình”.

“Chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận trong giải quyết vấn đề bằng cách khuyến khích phụ nữ sinh con dựa trên khía cạnh bảo vệ và tôn trọng nữ quyền”, bà Xiao Meili, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền của phụ nữ nêu ý kiến. “Việc sinh con của phụ nữ không nên bị xem như là vòi nước để khi không cần thì khóa lại, còn khi cần thì lại mở ra”.

Nguyễn Thuận (theo CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI