Phụ nữ khốn khổ vì luật cấm phá thai hà khắc

04/07/2022 - 06:18

PNO - Những phụ nữ, đặc biệt là những trẻ vị thành niên, sống ở những quốc gia cấm phá thai hà khắc, đôi khi phải trả giá bằng tương lai hoặc mạng sống nếu mang thai ngoài ý muốn.

10 ngày sau kể từ khi Tòa án tối cao Mỹ lật lại phán quyết quyền phá thai - vốn được bảo vệ từ năm 1973 trong vụ kiện Roe và Casey - những cuộc phản đối ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới ngày càng dữ dội. Hàng triệu phụ nữ đã đòi quyền được bảo vệ và tự do chính thân thể của mình. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm về những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc vì lý do y tế hoặc muốn kết thúc thai kỳ nhưng lại bị những quy định hà khắc khiến họ phải trả giá.

Ngay khi tòa án tối cao đưa ra quyết định, một bang của Mỹ đã ban hành luật cấm phá thai và điều này khiến nhiều phụ nữ muốn kết thúc thai kỳ phải tìm đến bang khác hoặc ra nước ngoài. Trường hợp đáng nói đến nhất là tuần qua, một bé gái 10 tuổi ở bang Ohio (Mỹ) được chuyển sang bang Indiana để phá thai do bị lạm dụng. Câu chuyện của bé gái này càng gây ra làn sóng phẫn nộ trước sự nghiệt ngã đối với phụ nữ.

Luật cấm phá thai hà khắc của nhiều nước khiến những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc cần phá thai vì lý do y tế khốn khổ - ẢNH: AP
Luật cấm phá thai hà khắc của nhiều nước khiến những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc cần phá thai vì lý do y tế khốn khổ - Ảnh: AP

Trước đó không lâu, Prudente - một phụ nữ Mỹ khác - khi du lịch đến Malta thì bất ngờ bào thai 16 tuần của cô có vấn đề. Prudente bị chảy máu nghiêm trọng và được đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị vỡ màng ối và dây rốn nhô ra khỏi cổ tử cung, khiến cô có nguy cơ bị băng huyết và nhiễm trùng nặng. Đồng thời cô cũng có kết quả dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, không bác sĩ nào giúp cô kết thúc thai kỳ. Khủng hoảng và đau đớn, cuối cùng người phụ nữ này phải bay đến Tây Ban Nha để được hỗ trợ kịp thời. “Trải qua những giây phút đau đớn không chỉ mất con mà mạng sống cũng mong manh chỉ vì các quy định đó, tôi cho rằng việc cấm phá thai là bước thụt lùi đáng sợ”, Prudente phát biểu ngay sau khi cô trở về Mỹ.

Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng may mắn như Prudente. Ba Lan, quốc gia có luật phá thai khắc nghiệt nhất châu Âu, luôn đối mặt với sự phản đối lớn mỗi khi có phụ nữ qua đời vì không được phá thai, dù đó là lý do y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của người mẹ. Những ngày cuối năm 2021, Agnieszka mang thai song sinh và đến bệnh viện khi bị đau bụng dữ dội. Qua thăm khám, bác sĩ xác nhận một trong hai thai nhi trong bụng đã chết vào ngày 23/12, nhưng các bác sĩ từ chối loại bỏ thai này vì luật phá thai hiện hành. Mặc dù sức khỏe Agnieszka nhanh chóng xấu đi nhưng bệnh viện vẫn phải đợi cho đến khi nhịp tim của thai thứ hai cũng ngừng đập. Sau khi hai thai nhi được hút ra vào ngày 31/12/2021 thì ngày 25/1/2022 Agnieszka qua đời sau nhiều tuần sức khỏe suy giảm.  

Tại những nước nghèo hay kém phát triển, số phận phụ nữ càng bi thảm hơn khi đối diện với luật phá thai nghiêm ngặt. Ở Honduras, nơi có hơn 66% dân số sống trong cảnh nghèo đói, những phụ nữ nghèo nhất phải trả giá đắt cho luật cấm phá thai hà khắc. Còn tại Kenya, số lượng phụ nữ dưới 20 tuổi chết do phá thai bất hợp pháp ngày càng nhiều. 

Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, năm 2022, gần một nửa số trường hợp mang thai trên toàn thế giới là ngoài ý muốn, và hơn 60% trong số đó có thể kết thúc bằng phá thai. “45% ca phá thai trên toàn thế giới là không an toàn và đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bà mẹ. Điều đáng lo ngại là, nếu việc tiếp cận phá thai bị hạn chế, thì sẽ có thêm nhiều ca phá thai không an toàn và tính mạng của phụ nữ càng bị đe dọa”, đại diện cơ quan này cho biết. 

Lệ Chi (theo AP, The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI