Rất nhiều trong 50 gian hàng tham gia ngày hội là những gian hàng trưng bày sản phẩm của chị em phụ nữ mới bắt đầu bước vào con đường kinh doanh. Thực tế các mặt hàng cho thấy nhiều ý tưởng khởi nghiệp của chị em được đánh giá cao.
Khởi nghiệp với nghề thủ công
Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp Tâm Ý Green của chị Liêu Ngọc Tuyền (H.Hóc Môn, TP.HCM) thu hút khách tham quan, mua sắm. Nhiều người thích thú với những chiếc túi xách cỏ bàng, túi mây tre lá của chị.
|
Chị Lê Thị Ngọc Liên (bên phải) tự tin với sản phẩm đất nặn sau hơn 10 năm gắn bó |
Cầm trên tay một chiếc túi cỏ bàng khổ lớn, chị Tuyền giới thiệu cho khách hàng những điểm khác biệt, những họa tiết trang trí từ vải, nút áo và tua rua. Bên trong, túi được may lớp lót, có khóa kéo chắc chắn… Đặc biệt, nguyên liệu để làm nên túi đều được tận dụng từ các vật dụng tái chế như vải, nút áo, các loại ren… được góp nhặt từ quần áo cũ hoặc vải vụn. Các sản phẩm khác lại được vẽ, đính cườm, kết hoa… Sự kết hợp này làm cho chiếc túi trở nên cá tính.
Tất cả những chiếc túi đều được chị Tuyền lên ý tưởng thiết kế và gần như không trùng lắp. Bên cạnh dòng sản phẩm chủ đạo là túi xách thời trang thiết kế từ vật dụng tái chế, chị Tuyền còn trưng bày rất nhiều sản phẩm trang trí, vật dụng mây tre lá dùng trong gia đình nên có thể “chiều lòng” tất cả đối tượng khách hàng.
Một sân chơi thực sự ý nghĩa và thiết thực cho phụ nữ khởi nghiệp Ngày hội khởi nghiệp, đặc biệt là hội thi ý tưởng khởi nghiệp, là một sân chơi thực sự ý nghĩa và thiết thực cho chị em phụ nữ khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp đều là ý tưởng tốt, tuy nhiên ý tưởng tốt chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong quá trình tiến đến hiện thực hóa các ý tưởng, dự án thành một sản phẩm kinh doanh hiệu quả. Trong quá trình khởi sự của mình, các bạn cần chuẩn bị và thực hiện nghiên cứu thị trường, khách hàng, quản trị… Để nâng bước khởi nghiệp, Hội LHPN có thể giới thiệu, liên kết cùng Hội Nữ doanh nhân, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp TP.HCM, để có người dẫn dắt, hướng dẫn khởi nghiệp ngay từ đầu thực hiện dự án. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM |
Từ một người nội trợ, phụ giúp chị gái quản lý công ty sản xuất bao bì, ba năm trở lại đây, chị Tuyền muốn gầy dựng sự nghiệp riêng nên đã tìm đến các cơ sở sản xuất mây tre lá, đặt các sản phẩm được thiết kế riêng để chào bán cho khách hàng. Trong rất nhiều vật dụng như rổ rá, thúng mẹt và các sản phẩm trang trí, chị thích thú với dòng túi xách. Với sự khéo léo trong may vá, chị Tuyền không hài lòng khi thấy chiếc túi đơn điệu nên đã cùng một người bạn lên ý tưởng thiết kế chúng thành những chiếc túi thời trang, tạo điểm nhấn riêng cho từng sản phẩm. Ba năm khởi sự với nguồn vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng, đến nay dù chưa có lợi nhuận, nhưng qua nhiều lần tham gia các chương trình kết nối, giới thiệu, sản phẩm của chị đã được nhiều người quan tâm hơn. “Tôi có niềm tin mình sẽ thành công. Thời gian tới, có thể tôi sẽ mở một cửa hàng để chủ động hơn trong việc kinh doanh lâu dài” - chị Tuyền nói.
Ngoài chị Tuyền, trong 50 gian hàng tham gia chương trình có rất nhiều gian hàng của phụ nữ khởi nghiệp, với các dòng sản phẩm thủ công. Chị Lê Thị Ngọc Liên (Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa bán hàng vừa trổ tài nặn đóa hoa cúc họa mi chỉ trong vài câu chuyện trò với khách.
Khởi đầu, chị Liên tham gia một khóa học tạo hình bằng đất nặn tại Nhà văn hóa Phụ Nữ. Sau đó, chị làm những sản phẩm thủ công để tặng bạn bè, người thân, rồi thử sức làm để bán. Càng làm chị càng đam mê, tìm tòi học thêm kinh nghiệm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm cho riêng mình. Sản phẩm hoa đất của chị đa dạng mẫu mã, giá bán giao động từ vài chục ngàn lên đến tiền triệu tùy kích thước và độ cầu kỳ. Khi đã tự tin với tay nghề của mình, chị Liên đã mạnh dạn mở cửa hàng ngay tại nhà để bán hàng gần 10 năm nay.
Hiện thực hóa giấc mơ
Mở đầu câu chuyện, chị Lê Thị Hồng Chi (Q.Tân Bình, TP.HCM) xúc động: “Tôi là mẹ của năm đứa con. Khi cuộc sống vợ chồng còn mặn nồng, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chiều ý và sinh nhiều con để giữ chồng. Nhưng sau 23 năm sống chung, chúng tôi không còn tìm thấy tiếng nói chung. Ngày chia tay, tôi chới với khi nhận ra mình không có gì ngoài con. Tôi loay hoay làm đủ nghề, làm thuê làm mướn để có tiền nuôi con, rồi trong một lần tình cờ tôi được giới thiệu học nghề và gắn bó với công việc kết cườm cho đến hiện tại”.
Các dự án cũng như những câu chuyện khởi nghiệp của các chị nhìn chung đều tốt, nhưng chưa thể phát triển bền vững. Để phát triển kinh doanh, các chị cần quan tâm đến sáu chữ “M”. Đó là: Money (tiền vốn), Machinery (thiết bị, công nghệ), Materials (vật tư, nguyên vật liệu), Man power (nhân lực), Management (quản lý) và Marketing (tiếp cận thị trường). Chú trọng và làm đúng các nguyên tắc này sẽ giúp các chị đánh giá, tìm hiểu về doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp tốt nhất để tìm ra con đường phát triển, dễ đi đến thành công. Tiến sĩ Hoàng Cửu Long - Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam |
Khi khởi sự, chị chỉ có 200.000 đồng làm vốn cọc để nhận hàng gia công. Khi tay nghề đã vững, chị quyết định khởi nghiệp với ý tưởng “Tạo sinh kế từ hạt cườm”. Chị nhận hàng và dạy nghề cho những người muốn có việc làm thêm. Mỗi ngày làm từ 6-8 tiếng, một người mới học nghề có thể kiếm thu nhập từ 80.000-150.000 đồng và nếu lành nghề thì có thể được từ 100.000-180.000 đồng. “Thu nhập không lý tưởng nhưng đổi lại người thợ kết cườm không mất vốn, có thể chủ động được thời gian và là một công việc dễ làm, ít rủi ro” - chị Chi cho biết.
Ý tưởng “Tạo sinh kế từ hạt cườm” của chị Chi đã xuất sắc đạt giải Ba tại hội thi “Giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022 với chủ đề “Nâng bước khởi nghiệp”. Nhận định và góp ý cho dự án kinh doanh của chị, tiến sĩ Hoàng Cửu Long - Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam - cho biết: “Câu chuyện truyền nghề của chị là rất đáng quý. Chị giúp người không chỉ là cho “con cá” mà còn trao luôn cả “cần câu”. Tuy nhiên với dự án này, chị phải tính toán thật kỹ để phòng tránh rủi ro. Ví như vấn đề nhân sự, phải liệu xem những người gia công cho mình (phần đông là nhóm phụ nữ nhàn rỗi) liệu có làm đúng tiến độ giao hàng, ai sẽ là người quản lý cũng như đảm bảo được chất lượng sản phẩm”.
Ông Kao Siêu Lực - Chủ tịch Hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á - cũng nhắn gửi: “Lập nghiệp dễ nhưng giữ nghiệp khó. Muốn thành công, các chị phải có sự quyết tâm và nỗ lực hết mình”.
Thiên Ân - Trang Thư
Khởi nghiệp với bún sạch từ rau củ quả và lá dứa Bún sạch làm từ rau củ quả và lá dứa của chị Trần Ngọc Tươi (Q.11, TP.HCM) đã vượt qua 38 ý tưởng trong hội thi “Ý tưởng khởi nghiệp” để giành giải Nhất. Chị Tươi cho biết, ý tưởng của chị xuất phát trước tình cảnh rau củ quả và cả gạo của người nông dân hễ được mùa thì mất giá. Ưu điểm của bún tươi rau củ quả là mang đến nhiều chất dinh dưỡng, nhất là đối với người già và trẻ em thường ngại ăn rau củ quả. Nhưng khó khăn là người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm mới; sản phẩm khó bảo quản và vận chuyển (so với bún khô)… Bắt đầu nghiên cứu từ tháng 4/2022, đến nay chị Tươi đã cho ra mắt hơn 100 mẫu thử để đo lường phản ứng từ người tiêu dùng, đồng thời chọn lọc ra những nguyên liệu phù hợp nhất. Với lợi thế là sản xuất trên dây chuyền làm bún tươi truyền thống sẵn có, nguồn khách hàng sẵn có, chị Tươi dự định phát triển bún tươi rau củ quả thành sản phẩm theo cách đính kèm với sản phẩm bún tươi truyền thống. Hiện nay, trên thị trường bún có khoảng 80% là bún tươi, chị đặt mục tiêu sản phẩm của mình chiếm 10% và hoàn tất dự án trong vòng ba năm. “Tôi chọn khởi nghiệp với hy vọng nâng tầm cho những người phụ nữ Việt Nam dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện ước mơ để cống hiến cho xã hội, mang đến những sản phẩm thực sự dinh dưỡng, an toàn và chất lượng” - chị Tươi chia sẻ. Trang Thư |