Phụ nữ Khơ Me thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả

01/08/2024 - 06:11

PNO - Nhiều phụ nữ Khơ me ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu...

Dám nghĩ dám làm

Bà Thị Sơn, 50 tuổi (ấp Thới Đông, xã Thới Quản) cho biết, trước đây gia đình bà rất khó khăn, thu nhập chỉ đủ ăn. Nhưng từ khi được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội LHPN tỉnh, cũng như sự giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn, bà đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới sản xuất, nên kinh tế gia đình đã khá lên.

Bà Thị Đào chia sẻ với cán bộ Hội Phụ nữ về công việc cho thuê rạp và bàn ghế để kiếm thêm thu nhập
Bà Thị Đào chia sẻ với cán bộ Hội Phụ nữ về công việc cho thuê rạp và bàn ghế để kiếm thêm thu nhập

Bà Sơn cho biết, bà đã vay 45 triệu đồng để đầu tư vào làm ruộng, nuôi tôm và nuôi 7 con trâu. Sau mỗi quy trình làm ruộng và chăn nuôi, trừ đi các chi phí, bà còn dư hàng chục triệu đồng. Theo bà Sơn, làm nông nghiệp tuy khó khăn, nhưng khi có kế hoạch cụ thể, tận dụng tối đa nguồn vốn, đặc biệt là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì sẽ có lợi nhuận.

Cũng nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình bà Lái Thị Tật, 61 tuổi (ấp Thới Đông) đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Gia đình bà Tật đã học tập và triển khai kết hợp giữa làm ruộng với chăn nuôi heo, cá và ếch, mỗi năm thu hơn 350 triệu đồng.

Bà Tật chia sẻ, được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vay 45 triệu đồng, gia đình bà đầu tư vào nuôi heo và làm ruộng, nhờ vậy cuộc sống ngày càng ổn định. Cũng nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mà việc sản xuất ngày càng hiệu quả.

Không chỉ đầu tư vào ruộng đất như những gia đình ở ấp Thới Đông, ở các ấp khác trong xã Thới Quản, bà con còn mạnh dạn đầu tư vào nhiều mô hình làm ăn khác. Bà Thị Đào (ấp Xuân Đông) đã dùng 50 triệu đồng vốn vay để thuê 10 công ruộng trồng lúa và trồng ổi. Những lúc nông nhàn bà tranh thủ nuôi heo và buôn bán thêm…

Nguồn lợi nhuận của gia đình, nhờ vậy, lên đến gần 500 triệu đồng mỗi năm. “Phải dám nghĩ, dám làm mới vượt qua khó khăn. Đồng thời phải chịu khó học hỏi những cách làm hay để áp dụng một cách có hiệu quả. Gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, trả hết nợ nhờ chịu học hỏi và dám nghĩ, dám làm” - bà Đào tâm sự.

Dù vốn vay từ hội không lớn, chỉ với 5 triệu đồng, nhưng bà Thị Sóc Phe (ấp Hòa Lễ) đã đầu tư vào nuôi heo và thu về gần 40 triệu đồng trong 2 năm. Ngoài ra gia đình bà còn làm thêm 10 công ruộng và buôn bán… Đến nay, cuộc sống gia đình cơ bản ổn định.

Nhờ nuôi heo từ nguồn vốn vay của hội mà bà Thị Sóc Phe thoát nghèo
Nhờ nuôi heo từ nguồn vốn vay của hội mà bà Thị Sóc Phe thoát nghèo

Tiếp tục hỗ trợ chị em vươn lên

Bà Dương Thiên Triều - Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Quản - cho hay, địa phương có đông người Khơ Me sinh sống, nên hội chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách giúp đỡ hội viên phụ nữ Khơ Me thoát nghèo, tự chủ về kinh tế. Hội thường tuyên dương những hội viên sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, phát huy tinh thần vượt khó.

Bà Trương Kim Ánh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Quao - cho biết, địa phương luôn thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, nhất là các chính sách tín dụng ưu đãi để người dân biết mà tiếp cận nguồn vốn và nâng cao nhận thức trong việc sử dụng vốn.

Bà Trần Thị Hồng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang - thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã giúp trên 1.000 hội viên phụ nữ Khơ Me nghèo và cận nghèo bằng nhiều hình thức như: trao sinh kế, bảo lãnh vay vốn ưu đãi tín chấp, tặng mái ấm tình thương, vận động thành lập các tổ hợp tác...

“Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp lập sổ sách theo dõi quản lý hội viên phụ nữ Khơ Me nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, từ đó xây dựng phương án và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Đồng thời, duy trì và phát triển các mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, góp vốn xoay vòng, vốn nhàn rỗi trong hội viên để giúp nhau giảm nghèo, đặc biệt ưu tiên hội viên phụ nữ Khơ Me khó khăn. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình tạo việc làm như: tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu, tổ may công nghiệp, tổ làm nhang, tổ may túi xách, tổ đan ghế mây, tổ làm khô…” - bà Hồng thông tin thêm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang trực tiếp quản lý 7 chương trình, dự án và hoạt động ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn là 2.300 tỉ đồng, 60.700 lượt thành viên còn dư nợ. Tỉnh cũng thực hiện chương trình mỗi cơ sở giúp ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hiện có 144 cơ sở đăng ký giúp đỡ 341 hội viên phụ nữ.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI