Phụ nữ Iran và cuộc chiến giành quyền xem thi đấu thể thao

20/09/2014 - 14:00

PNO - PN - So với phụ nữ các nước Hồi giáo khác, phụ nữ Iran có quyền lái xe, hành nghề buôn bán nhà cửa, làm chủ cửa tiệm, giữ các chức vụ cao trong chính quyền. Nhưng bình đẳng giới hãy còn là ước mơ, khi sân vận động vẫn "cấm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Với 1,2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới, số phận của phụ nữ (PN) ở mỗi quốc gia Hồi giáo chịu sự câu thúc trong những khuôn khổ khác nhau, chẳng hạn Saudi Arabia là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm PN lái xe; hoặc ở thành phố Lhokseumawe (Indonesia), PN không được dạng chân khi ngồi sau xe máy…

Những ngày qua, truyền thông Anh liên tục nhắc đến trường hợp nữ công dân mang hai quốc tịch Iran và Anh là Ghoncheh Ghavami (25 tuổi) bị biệt giam từ tháng 6/2014 vì dám đến sân vận động (SVĐ) xem thi đấu và kêu gọi quyền lợi chính đáng này cho PN Iran. Hồi cuối tháng Sáu, Ghavami đã đến SVĐ Azadi cùng một số bạn nam để theo dõi trận đấu bóng chày của tuyển Iran và Italia. Từ đó đến nay, Ghavami bị biệt giam tại nhà tù Evin khét tiếng chỉ vì vi phạm quy định của Iran là cấm nữ giới đến SVĐ. Ghoncheh Ghavami chủ quan cho rằng mình có thể thuyết phục được nhân viên an ninh tại SVĐ vì cô tin vào… lời cam kết của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra trước đó - ông Hassan Rouhani đã tuyên bố là tạo điều kiện tối đa để xóa bỏ sự bất bình đẳng giới trong xã hội Iran.

Phu nu Iran va cuoc chien gianh quyen xem thi dau the thao

Một phụ nữ Iran kêu gọi trả tự do cho Ghoncheh Ghavami - Ảnh: EPA

Nhiều năm gần đây, số trường hợp PN Iran đấu tranh giành quyền bình đẳng được đến SVĐ theo dõi các sự kiện thể thao liên tục xuất hiện. Thế nhưng, họ đã nhận lãnh những đòn giáng trả từ chính quyền. Tháng 6/2011, nữ nhiếp ảnh gia Maryam Majd bị bắt giữ trước khi lên máy bay rời Iran vì cô đã phát động chiến dịch kêu gọi cho phép PN được tự do vào SVĐ như nam giới. Tháng Năm vừa qua, bà Roya Saberinejad Nobakht (47 tuổi), cũng có hai quốc tịch Anh và Iran đã bị phạt tù 20 năm sau khi đưa ra nhiều bình luận về vấn đề này trên mạng xã hội.

Thực tế, chính quyền Iran đã ban hành lệnh cấm PN tham dự các sự kiện thể thao sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Suốt 35 năm qua, trên khán đài tại các SVĐ thường chỉ thấy cổ động viên là nam giới (trừ một khoảng thời gian ngắn dưới nhiệm kỳ Tổng thống Mohammad Khatami, PN được phép đến SVĐ). Thậm chí, vài ngày trước khi diễn ra World Cup, chính quyền Tehran đã ban hành lệnh cấm PN cổ vũ World Cup nơi công cộng, không để PN xuất hiện trên các bảng quảng cáo World Cup, đài truyền hình nhà nước phát trực tiếp các trận đấu chậm vài giây để có thể cắt bỏ hình ảnh của nữ cổ động viên.

Phu nu Iran va cuoc chien gianh quyen xem thi dau the thao

Dù đã có nữ Phó Tổng thống đầu tiên, bà Elham Aminzadeh, nhưng PN Iran vẫn chịu nhiều thiệt thòi - Ảnh: Human Right Activists in Iran

So với các nước Hồi giáo khác, PN Iran cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể: họ được phép lái xe, có quyền hành nghề buôn bán nhà cửa, làm chủ cửa tiệm buôn và đặc biệt là được giữ các chức vụ cao trong chính quyền. Hiện PN chiếm 35% lực lượng công chức tại các công sở, 25% lực lượng công nhân. PN Iran luôn có mơ ước cháy bỏng là thay đổi lối mòn được củng cố quá lâu từ những quy định của Hồi giáo. Đơn cử, họ từng hy vọng có nữ tổng thống đầu tiên. Trước thềm bầu cử Tổng thống Iran lần thứ 11 diễn ra hồi tháng 6/2013, bà Razie Omidvar (46 tuổi) sáng giá nhất trong số 30 nữ ứng cử viên cho vị trí tổng thống. Thế nhưng, ngay tiếp đó, Hội đồng Bảo vệ hiến pháp Iran đưa ra phán quyết rằng PN nước này không được phép ứng cử trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống. Hy vọng của PN Iran một lần nữa bị dập tắt.

Sau khi đắc cử, ngày 12/8/2013, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bổ nhiệm bà Elham Aminzadeh làm Phó tổng thống phụ trách các vấn đề pháp lý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Iran có một PN đảm nhiệm trọng trách này. Những tưởng, tiến trình đấu tranh về quyền bình đẳng giới của PN Iran sẽ khởi sắc hơn. Dù vậy, các động thái gần đây cho thấy cuộc đấu tranh này vẫn còn lắm chông gai. Quốc hội Iran vừa chính thức thông qua dự luật cấm sử dụng các phương pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình ngày 12/8/2014, theo như tuyên bố của chính phủ là để thúc đẩy gia tăng dân số, nâng số lao động trẻ trong tương lai. Thế nhưng, quy định này đã đẩy PN Iran vào thế khó là phải lui về hậu phương chăm sóc con cái, dẫn đến nguy cơ mất cơ hội phát triển nghề nghiệp.

THIÊN ANH (Theo Guardian, CNN, Wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI