Khi còn nhỏ, chứng kiến cuộc hôn nhân đầy nước mắt của mẹ, tôi đã tự nhủ sau này, dù lấy ai đi nữa cũng không được phép hy sinh quá nhiều. Những đắng cay mẹ tôi phải âm thầm chịu lấy đằng sau những lời khen hoa mỹ “đảm đang, biết hy sinh cho chồng” không phải là ít. Mẹ chưa có một ngày sống cho bản thân mình, mọi việc mẹ làm đều vì người khác.
|
Cả đời mẹ hy sinh cho gia đình nhưng ba không thấu hiểu. Ảnh minh họa |
Gần cả đời, mẹ hy sinh cho ba và gia đình nhưng không phải lúc nào ba cũng thấu hiểu điều đó. Mẹ đã chấp nhận bỏ việc ở nhà chăm con để ba thênh thang con đường sự nghiệp.
Nhưng khi vợ chồng lục đục, ba vẫn nói bóng gió về chuyện “ăn bám” “không làm ra tiền” khiến mẹ nghẹn ngào. Thói quen “hy sinh” như ăn sâu vào tiềm thức đến mức mẹ không nghĩ đến những nhu cầu cần thiết của bản thân.
Đến bây giờ, tôi thực sự cũng không biết mẹ thích món nào nữa vì mẹ chỉ quan tâm đến sở thích của ba và các con. Nếu biết ba và con thích món này hay món kia, mẹ sẽ tìm cách đáp ứng ngay lập tức.
Nhưng rồi, thi thoảng, ba vẫn cằn nhằn mẹ tiêu xài hoang phí, mua toàn thức ăn mắc tiền. Ba đâu biết rằng, mẹ chưa bao giờ dám đụng đũa những thứ đó. Chuyện ăn mặc cũng thế, mẹ có rất ít quần áo, chủ yếu lấy đồ cũ của mấy dì.
Số tiền ba đưa hàng tháng phải chi li lắm mới đủ cho cả nhà. Thế mà, mỗi lần cùng mẹ đi công chuyện, ba luôn chê mẹ quê mùa, không biết cách ăn mặc.
Mẹ chưa bao giờ dám cãi lại ba nửa lời dù có chuyện ba chẳng đúng. Đôi khi, mẹ góp ý với ba chuyện công việc, ba thường gặt phát đi kèm theo câu: “Cô ở nhà cả ngày, biết gì ngoài xã hội mà nói”.
Những lời nói ấy như những nhát dao cứa vào tim mẹ nhưng sóng gió qua đi, mẹ lại yên phận với cuộc sống hiện tại. Tôi biết, nhiều đêm mẹ khóc thầm vì ba về muộn hay vô tình nghe được chuyện “nhân tình nhân ngãi” của ba.
Lâu ngày, mẹ trở nên cam chịu đến mức bực bội, khi không cho mình quyền được phản kháng. Tôi hiểu, từ tận sâu trong tim, mẹ sợ hình ảnh gia đình hạnh phúc mà mẹ đã “hy sinh” nhiều thứ để gầy dựng sẽ sụp đổ.
|
Phụ nữ biết chăm lo vừa đủ cho chồng, cho con nhưng đừng bạc đãi bản thân . Ảnh minh họa |
Mấy chục năm rồi, mỗi ngày của mẹ tất bật những lo toan. Đến khi nằm trên giường bệnh, ăn một miếng ngon, mẹ đều hỏi: “Con đã mời ba chưa?”. Trong nhà, ngoài ngõ, mọi người đều hết lời khen mẹ.
Nhưng riêng tôi, cảm nhận sự hy sinh của mẹ là quá nhiều, mặc dù, nhờ sự hy sinh ấy chúng tôi mới có những tháng ngày tuổi thơ tròn đầy. Tôi không phủ nhận sự hy sinh của phụ nữ sẽ góp phần làm gia đình êm ấm hơn nhưng cần có giới hạn.
Đó là điều tôi tự đặt ra cho mình khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Dù lấy chồng và sinh hai con liên tiếp nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì cho mình một khoảng trời riêng. Ở đó tôi được sống với những đam mê và sở thích của mình.
Chẳng có lý do gì khi chồng bù khú bên bàn nhậu giờ tan tầm trong khi tôi phải vật lộn với đủ thứ việc nhà không tên sau giờ làm. Tôi cũng thẳng thắn chia sẻ với chồng điều đó, hoặc sẽ thuê người giúp việc, hoặc anh sẽ về nhà sớm hơn để làm cùng tôi.
Có thể, mỗi lần thấy tôi tung tăng đi cà phê hay đánh cầu lông cùng bạn bè, mẹ chồng không mấy dễ chịu. Nhưng tôi không quan tâm nhiều bởi tôi vẫn làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ.
Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ vì con còn nhỏ mà cho phép mình xuề xòa với bản thân đúng nghĩa một bà mẹ bỉm sữa. Bởi hạnh phúc còn không khi chồng chán vợ, không muốn sánh đôi khi đi ra ngoài.
Vậy nên, trong khoản tiền lương hàng tháng, tôi vẫn trích ra một khoản cho những nhu cầu cơ bản của cá nhân, phần còn lại sẽ dùng cho gia đình. Bởi tôi nghĩ, trách nhiệm vun vén cho gia đình là của cả hai người.
Có nhiều trường hợp, người phụ nữ tự gồng gánh hết với hai từ “hy sinh” trong khi đức ông chồng đổ tiền vào những chỗ không đáng. Tôi cũng không ý định dừng lại trong sự nghiệp để làm hậu phương cho chồng. Bởi khi đánh mất quyền tự chủ tài chính thì có thể kéo theo hàng loạt mất mát khác không thể đong đếm được.
|
Thảnh thơi mà sống, đừng ép mình vào những mỹ từ sáo rỗng. Ảnh minh họa |
Có thể nhiều người sẽ không đồng tình với quan điểm sống của tôi. Nhưng xuất phát từ những điều cảm nhận ngay trong gia đình mình từ khi còn nhỏ, tôi chưa bao giờ muốn ràng buộc vào mình những mỹ từ “giỏi giang, đảm đang, chiều chồng, biết điều” – cái đích mà nhiều người phụ nữ hướng tới.
Đối với tôi, muốn gia đình hạnh phúc, phụ nữ nhất thiết phải biết “hy sinh” nhưng hy sinh như thế nào, ra sao tùy vào hoàn cảnh của mỗi người. Riêng tôi, sự hy sinh cần có giới hạn, nghĩa là chăm lo vừa đủ cho chồng, cho con nhưng không bạc đãi bản thân mình.
Hoa Lan