Phụ nữ, hãy tôn trọng bản thân mình và không ngừng dấn thân để trở nên lớn lao

28/10/2020 - 18:00

PNO - Thông điệp trên được khẳng định tại hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 vừa diễn ra tại Đài Loan ngày 25/10.

Hội nghị đã chỉ ra những hạn chế trong cơ chế, chính sách cùng định kiến xã hội cho sự phát triển và đóng góp của phụ nữ vào lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bà Lin Chil Chieh Carol, giáo sư, luật sư chuyên thực hành về luật tại Đài Loan, cho rằng sự bất bình đẳng này phổ biến trên toàn cầu, nhưng nặng nề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi “trọng nam khinh nữ” vẫn còn hiện hữu. Cũng theo giáo sư Carol, định kiến giới đã tồn tại ngay từ trong cái nôi gia đình, ở cơ quan, đơn vị làm việc… Mặt khác, phụ nữ có rất nhiều quyền trong nghiên cứu khoa học, trong thăng tiến, thành đạt, nhưng do thiếu thông tin, khiến họ chịu thiệt thòi nhiều so với nam giới. 

Sự bất bình đẳng về giới trong nghiên cứu khoa học không chỉ tồn tại ngoài xã hội, ở bên ngoài nhìn vào giới nữ, mà còn là trong chính bản thân từng nữ trí thức - giáo sư Mai Hung Chiu - Viện Cao học khoa học sư phạm quốc gia Đài Loan kết luận sau khi khảo sát, nghiên cứu trên 32.000 nhà khoa học nữ ở 130 quốc gia.

Nữ trí thức Việt Nam theo dõi hội nghị

Nghiên cứu chỉ ra, giới chính là yếu tố liên quan đến sự “chậm phát triển” của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học. Cụ thể, trong các lĩnh vực toán học, vật lý học, công nghệ… càng lên cao càng thiếu bóng dáng phụ nữ. Tỷ lệ xuất bản, công bố nghiên cứu của các nhà khoa học nữ trong sáu tạp chí hóa học hàng đầu thế giới cho thấy số bài nghiên cứu của nam cao hơn nữ trên 20%.

Sự bất bình đẳng nam - nữ là vô tri, vô hình, nhưng có sức mạnh vô cùng lớn; đó là chưa kể, trong ngành y, các nữ bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học còn đối diện chuyện bị quấy rối, theo giáo sư Cheng-Ling Fang, Đại học Y Đài Loan. 

Báo cáo của các nhà khoa học nữ Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Nepal… cho thấy ở các quốc gia nghèo, sự bất bình đẳng trong nghiên cứu khoa học còn trầm trọng hơn. Tại nhiều quốc gia, phụ nữ được giáo dục, định hướng theo khoa học xã hội và gia đình không khuyến khích vào các ngành khoa học cơ bản; lại càng nói không với ngành kỹ thuật hay xây dựng… 

Thế nhưng, bất chấp khó khăn, không ít nhà khoa học nữ vẫn từng ngày phấn đấu vươn lên. Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 chính là một minh chứng: các nhà khoa học nữ trong khu vực và trên thế giới sẽ liên minh cùng nhau, giúp nhau khẳng định và tỏa sáng. 

Bà Lin Chil Chieh Carol nói các nhà khoa học nữ hãy tôn trọng bản thân mình và không ngừng dấn thân để trở nên lớn lao, vĩ đại. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI