Phụ nữ Hàn Quốc phẫn nộ với nạn làm giả hình ảnh khiêu dâm

18/09/2024 - 06:16

PNO - Lần thứ hai chỉ trong vài năm gần đây, phụ nữ Hàn Quốc đã xuống đường ở Seoul, phản ứng với các tệ nạn liên quan đến lạm dụng tình dục, khiêu dâm.

Trước đây, Hàn Quốc đi đầu trong phong trào #MeToo của châu Á và bây giờ cơn thịnh nộ của họ hướng đến đại dịch sử dụng công nghệ để làm giả hình ảnh (deepfake) khiêu dâm.

Phụ nữ Hàn Quốc xuống đường phản ứng với nạn khiêu dâm deepfake  - ẢNH: ANTHONY WALLACE (AFP/Getty Images)
Phụ nữ Hàn Quốc xuống đường phản ứng với nạn khiêu dâm deepfake - Ảnh: Anthony Wallace (AFP/Getty Images)

Juhee Jin - 26 tuổi, một biên dịch viên ở Seoul - xem sự xuất hiện của mối đe dọa mới này là điều đáng buồn cho phụ nữ và trẻ em gái. “Điều này đáng lẽ phải được giải quyết từ lâu rồi. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp phòng ngừa và cung cấp giáo dục phù hợp để mọi người có thể ngăn chặn những tội ác này xảy ra” - cô nói.

Cảnh sát Hàn Quốc đang điều tra 513 vụ khiêu dâm deepfake, trong đó, tội phạm đã dùng khuôn mặt của phụ nữ và trẻ em gái ghép lên cơ thể người khác. Theo hãng thông tấn Yonhap, số vụ việc này tăng 70% chỉ trong 40 ngày. Số trường hợp được báo cáo về khiêu dâm deepfake đã tăng đều đặn trong những năm gần đây và nạn nhân bao gồm cả học sinh, giáo viên… Năm ngoái, gần 2/3 nạn nhân của khiêu dâm deepfake là thanh thiếu niên và thủ phạm cũng thường là trẻ vị thành niên. Theo Yonhap, thanh thiếu niên chiếm 79% số người bị giam giữ trong 9 tháng đầu năm nay.

Quy mô của vấn đề đã khiến nhiều người Hàn Quốc sửng sốt. Một báo cáo mới đây cho thấy, chỉ riêng một phòng chat trên nền tảng Telegram về tạo và phân phối nội dung khiêu dâm deepfake đã có đến 220.000 thành viên. Một phòng chat khác có hơn 400.000 thành viên…

Theo báo cáo năm 2023 của Security Hero - một công ty khởi nghiệp của Mỹ tập trung vào bảo vệ chống trộm danh tính - các ca sĩ và diễn viên nữ của Hàn Quốc chiếm 53% số cá nhân xuất hiện trong deepfake trên toàn thế giới.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thành lập một lực lượng đặc biệt để điều tra các vấn đề về deepfake xảy ra tại trường học, hỗ trợ các nạn nhân và hướng dẫn trẻ em cách bảo vệ hình ảnh của mình. John McGuire - giáo sư triết học tại Đại học Hanyang - nói: “Chúng ta sẽ cần mọi công cụ có trong tay để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết, sẽ thúc đẩy các luật nghiêm ngặt hơn để coi việc mua hoặc xem các video deepfake khiêu dâm là tội phạm. Heather Barr - Phó giám đốc của tổ chức Theo dõi nhân quyền - cho biết: “Bạo lực giới trực tuyến đang ngày càng tăng trên toàn cầu, nhưng đặc biệt phổ biến ở Hàn Quốc”. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã thúc giục cảnh sát có biện pháp xóa bỏ tội phạm deepfake. Ông phát biểu tại một cuộc họp nội các gần đây: “Một số người có thể coi đó chỉ là trò đùa, nhưng rõ ràng đây là hành vi phạm tội khai thác công nghệ ẩn danh”.

Hơn 80 nhóm bảo vệ quyền phụ nữ đã coi cuộc khủng hoảng này là bằng chứng của phân biệt giới tính. Kim Y. - một nạn nhân của deepfake khiêu dâm - cho biết cô nhận được một loạt tin nhắn trên Telegram có chứa hình ảnh deepfake cô bị tấn công tình dục. “Thế giới của tôi đã sụp đổ hoàn toàn” - cô nói.

Thu Thanh (theo Guardian, New York Times, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI