Phụ nữ Gambia vui mừng vì lệnh cấm hủ tục FGM được duy trì

15/07/2024 - 22:57

PNO - Ngày 15/7, các nhà lập pháp tại Gambia đã bác bỏ một dự luật có thể đảo ngược lệnh cấm cắt bộ phận sinh dục nữ ở nước này.

Những người biểu tình phản đối việc cắt xén bộ phận sinh dục nữ tập trung bên ngoài Quốc hội Gambia
Người biểu tình phản đối hủ tục FGM tập trung bên ngoài Quốc hội Gambia

Tháng 3/2015, Quốc hội Gambia bỏ phiếu thông qua luật cấm cắt bỏ âm vật (FGM). Tháng 3/2024, Quốc hội Gambia, với các nhà lập pháp đa số là nam giới, đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm đảo ngược lệnh cấm đối với hủ tục cắt âm vật trẻ em gái 10-15 tuổi. Tại buổi bỏ phiếu hủy bỏ luật cấm này, có tới 42 phiếu thuận, 5 phiếu chống.

Tuy nhiên, ngày 15/7, các nhà lập pháp đã bác bỏ dự luật. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều tháng tranh luận gay gắt tại quốc gia Hồi giáo có dân số chưa đến 3 triệu người này. Các nhà hoạt động chống lại hủ tục lo ngại rằng việc đảo ngược lệnh cấm sẽ phá hủy những thành quả mà họ đã đấu tranh chống lại tập tục tồn tại hàng thế kỷ này.

"Đó là một cảm giác nhẹ nhõm vô cùng. Nhưng tôi tin rằng đây chỉ là khởi đầu của công việc" - Absa Samba, nhà hoạt động chống hủ tục và là người sống sót - nói.

Thủ thuật FGM bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài của trẻ em gái, thường do những người hành nghề truyền thống trong cộng đồng thực hiện bằng các công cụ như lưỡi dao cạo. Đôi khi người thực hiện là nhân viên y tế. Việc này có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tử vong và biến chứng khi sinh.

Liên hiệp quốc đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ hủ tục cắt bộ phận sinh dục nữ vào năm 2030
LHQ đặt ra mục tiêu xóa bỏ hủ tục FGM vào năm 2030

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 75% trẻ em gái và phụ nữ ở Gambia từ 5 - 49 tuổi đã bị cắt bỏ âm vật (tương đương với 1,2 triệu người).

Đầu năm nay, UNICEF cho biết có hơn 144 triệu phụ nữ và trẻ em gái bị cắt xẻo bộ phận sinh dục, chủ yếu ở vùng Sừng châu Phi, cũng có một số ở châu Á và Trung Đông.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được Quỹ Dân số LHQ trích dẫn đầu năm nay, hơn 80 quốc gia có luật cấm hoặc cho phép truy tố thủ thuật này, gồm Nam Phi, Iran, Ấn Độ và Ethiopia.

Báo cáo của UNFPA cho biết: "Không có văn bản tôn giáo nào khuyến khích hoặc dung túng cho việc cắt xén bộ phận sinh dục nữ, việc cắt xén này không mang lại lợi ích gì".

LHQ đặt ra mục tiêu xóa bỏ hủ tục FGM vào năm 2030.

Theo UNICEF, tại Somalia 99% phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 bị cắt âm vật. Ở Guinea là 90%, ở Djibouti là 90% và ở Ai Cập là 87%.

Tại một số quốc gia, như Burkina Faso ở Tây Phi, hủ tục này đã giảm. Tỉ lệ trẻ em gái từ 15-19 tuổi trải qua FGM giảm từ 83% còn 32% trong 30 năm qua.

Tại Liberia, tỉ lệ này giảm từ 54% còn 20%.

Thảo Nguyễn (theo AP, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI