Phụ nữ đua nhau bỏ việc ở tuổi 'băm' trở thành nỗi lo ở Hàn Quốc

14/07/2017 - 06:00

PNO - Hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc bỏ việc làm ở độ tuổi tam tuần, tạo nên cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khiến chính phủ lo ngại.

Ahn Ji-sun muốn đi làm trở lại sau khi sinh con thứ hai. Song không ai có thể trông hai đứa trẻ giúp cô.

Cảm giác áy náy vì không chăm sóc con chu đáo khiến Ahn quyết định ở nhà và từ bỏ sự nghiệp đầy triển vọng với công việc giám sát sự kiện ở thủ đô Seoul. 

Phu nu dua nhau bo viec o tuoi 'bam' tro thanh noi lo o Han Quoc
Tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động Hàn Quốc thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Ảnh: Korean Times

Ba năm sau, người phụ nữ 38 tuổi vẫn chịu cảm giác giằng xé giữa những yêu cầu chăm sóc gia đình và tham vọng dang dở. Có thể cô sẽ phải điều chỉnh sự nghiệp để tìm một công việc phù hợp.

“Nếu tìm thấy nơi mà con tôi có thể được chăm sóc, có lẽ bây giờ tôi vẫn đang làm việc”, cô tâm sự.

Tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ đang phá hủy sự nghiệp của hàng trăm nghìn phụ nữ ở Hàn Quốc, nơi nam giới chiếm phần lớn vị trí quản lý và xã hội gia trưởng tôn sùng những bà mẹ ở nhà.

Dữ liệu thống kê của chính phủ cho thấy, 22,4% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15-54 bỏ việc lập gia đình, sinh con hoặc chăm sóc trẻ tính tới tháng 4/2014.

“Chúng tôi đã thành công trong nỗ lực thu hút phụ nữ vào lực lượng lao động, song duy trì sự đóng góp của họ là việc khó”, bà Kim Hee-jung, cựu Bộ trưởng Gia đình và Bình đẳng giới, từng thừa nhận như vậy.

Lương thấp làm giảm động lực gia nhập hoặc quay trở lại lực lượng lao động của phụ nữ. Mức lương của nữ giới ở Hàn Quốc chỉ bằng 65% mức lương của nam giới trong năm 2012, một khoảng cách gần như không đổi từ giữa những năm 90 và lớn nhất trong nhóm nước giàu thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triẻn Kinh tế.

Trong bối cảnh giới chuyên môn dự báo lực lượng lao động Hàn Quốc bắt đầu giảm dần đều sau khi đạt đỉnh trong năm nay, khoảng cách giữa mức độ tham gia lực lượng lao động đối với phụ nữ (53,1%) và đàn ông (74,5%) trở thành điểm yếu của nền kinh tế.

Tổng thống Moon Jae-in từng thừa nhận tình trạng chênh lệch giới tính trong lực lượng lao động, khi ông kêu gọi Quốc hội phê chuẩn kế hoạch bổ sung ngân sách do ông đề xuất nhằm đào tạo kỹ năng cho những bà mẹ muốn trở lại lực lượng lao động sau thời kỳ nghỉ sinh, và hỗ trợ vốn cho những phụ nữ muốn tự khởi nghiệp.

“Tình trạng phụ nữ ngừng làm việc là tổn thất đối với quốc gia”, ông khẳng định trước các nghị sĩ hôm 12/6.

Phu nu dua nhau bo viec o tuoi 'bam' tro thanh noi lo o Han Quoc
 

Sự sụt giảm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ thể hiện rõ nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 30-39 khi họ kết hôn và sinh con. Rất ít người trong số họ quay lại với công việc sau khi đời sống gia đình ổn định. 

“Một số thách thức đang tồn tại. Khó khăn đối với phụ nữ phát sinh từ việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và gia đình”, Chung Hyun-back, Bộ trưởng Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, phát biểu.

Chất lượng công việc mà phụ nữ đảm nhận cũng là vấn đề lớn, bởi nhiều công việc chỉ là vị trí không chính thức, nghĩa là những việc tạm thời hoặc bán thời gian với mức lương thấp. Thực tế ấy làm giảm động lực ở lại lực lượng lao động của họ.

Dữ liệu của Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc cho thấy phụ nữ vượt trội hơn nam giới về số lượng cử nhân tốt nghiệp trong năm 2016.

Sự vượt trội ấy giúp phụ nữ nắm vai trò áp đảo trong độ tuổi đôi mươi, khi nghĩa vụ quân sự bắt buộc làm gián đoạn sự nghiệp của nam giới. Nhưng sau đó tình thế thay đổi khi phụ nước bước vào độ tuổi 30-39. 

Người tiền nhiệm của bà Chung ở Bộ Gia đình và Bình đẳng giới nhấn mạnh rằng phụ nữ phải đối mặt những thói quen thâm căn cố đế gây bất lợi cho phụ nữ bằng cách đánh giá con người theo số giờ họ lao động, thay vì kỹ năng và năng suất của họ.

Luật cấm chủ doanh nghiệp trả lương theo giới tính, song trên thực tế, phụ nữ thường hưởng lương thấp hơn nhiều so với đàn ông.

Mặc dù Tổng thống Moon nỗ lực cân bằng giới tính trong số bộ trưởng, phòng họp hội đồng quản trị của các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn là lãnh địa của đàn ông.

Phụ nữ chỉ nắm 2,5% vị trí điều hành doanh nghiệp ở Hàn Quốc - một tỷ lệ khiến xứ kim chi xếp thứ hai từ dưới lên trong một cuộc khảo sát của tập đoàn Deloitte tại 44 nước.

“Có lẽ bước đầu tiên để tạo đột phá là thực thi những biện pháp khiến việc nuôi trẻ trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện để phụ nữ có thêm nhiều lựa chọn khả thi trong hoạt động chăm sóc trẻ.

Đàn ông cũng có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện và tán thành bình đẳng giới trong ban quản trị doanh nghiệp”, Kim Young-sam, một thành viên của Deloitte Hàn Quốc, nhận định như vậy trong báo cáo khảo sát.

Kiến Văn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI