Phụ nữ đối mặt bạo lực gia đình không ngừng gia tăng

13/03/2021 - 05:51

PNO - Những ngày đầu tháng Ba, các tổ chức bảo vệ nữ quyền khắp thế giới đã đưa ra những con số đáng buồn. Hơn một năm COVID-19 hoành hành, phụ nữ ngoài mất việc làm, chỗ đứng trong xã hội, còn hứng chịu những ám ảnh bạo lực từ chính ngôi nhà của mình. Đó là bạo lực tinh thần, thể chất và tình dục.

Ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân bạo lực gia đình
Ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân bạo lực gia đình

Theo thống kê của nhiều nước, việc cách ly tại nhà và giãn cách xã hội vô tình đẩy phụ nữ, trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, không thể chạy trốn khỏi các vụ bạo hành, nhờ giúp đỡ từ bạn bè hay các nhân viên, tổ chức xã hội. Thậm chí họ chỉ câm lặng chịu đựng… Ở nhiều nơi, việc nộp đơn ly hôn cũng bị trì hoãn do dịch.

Tổ chức Women Helping Women (trụ sở ở Mỹ) cho biết, số cuộc gọi xin giúp đỡ từ các nạn nhân đã tăng thêm 30% kể từ đầu mùa dịch. Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình ở tỉnh Hồ Bắc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2019. Ở Úc, số vụ bạo lực tăng hơn 30% và ở Pháp cũng tương tự. Đáng buồn hơn, ở Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ tự tử ngày một gia tăng. Tây Ban Nha ghi nhận số cuộc điện thoại cầu cứu vì bạo lực gia đình cũng tăng mạnh và hàng ngàn người đã chọn ngày 8/3 vừa qua để xuống đường biểu tình đòi bình đẳng, lên án bạo lực.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở khu vực kém hoặc đang phát triển càng ở mức báo động. Nạn đói, bất bình đẳng giới càng khiến họ bị tổn thương nặng nề. “Trong gia đình, chồng không xem tôi là vợ mà là một nô lệ đúng nghĩa”, Rima - một phụ nữ 21 tuổi - tâm sự. Rima có chồng năm 15 tuổi và gần sáu năm qua, cô đã sống trong sự ám ảnh với đói nghèo cùng những trận đòn của chồng. 

Giống như rất nhiều phụ nữ Yemen, thường kết hôn trước 18 tuổi, Rima chưa bao giờ biết đến sự an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng ba mẹ cô vẫn không muốn cô ly hôn hay bỏ trốn mà phải cố gắng chịu đựng. Theo một bác sĩ đang điều trị tại Trung tâm Turba, Rima hiện được bố trí chỗ ở và chữa trị chứng rối loạn thần kinh do bị đánh đập liên tục.

Theo Liên Hiệp Quốc, đại dịch đã làm trầm trọng thêm mức độ bạo lực đối với phụ nữ và nhu cầu về các dịch vụ được cho là nạn nhân của bạo lực tăng gần 40% so với năm 2017. “Đó là một vấn đề lớn”, Nestor Owomuhangi, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc của Yemen, nói.

Trong khi đó, theo báo cáo của một tổ chức chống bạo hành gia đình ở Afghanistan, có khoảng 87% phụ nữ và trẻ em gái nước này phải gánh chịu tình trạng ngược đãi suốt quãng đời của mình. Mặc dù luật ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ được nước này thông qua năm 2009 nhưng việc thực thi lại quá hạn chế và đại dịch COVID-19 càng khiến cho các nạn nhân cảm thấy không được bảo vệ hơn.

“Bạo lực xuất phát ngay trong chính ngôi nhà của họ, sau đó dần lan ra trường học, công sở, đường phố và khắp mọi nơi. Đáng lo ngại, nhiều người cho rằng bạo hành gia đình là bình thường, thậm chí là cách mà các ông chồng sử dụng để giải tỏa các áp lực hay căng thẳng mà họ gặp bên ngoài”, Freshta Farah, phụ trách mạng lưới Vì phụ nữ Afghanistan, cho biết.

Một quan chức của Văn phòng Nội các Nhật Bản thừa nhận: số lượng các vụ bạo lực gia tăng khi mọi người ở nhà lâu hơn và bị căng thẳng, lo lắng hơn về cuộc sống. Đồng thời cho biết chính phủ không ngừng hỗ trợ để hạn chế tình trạng này.
Riêng Rima cho biết, cô đang đấu tranh và chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn. “Tôi thà sống trong hang động trên núi còn hơn quay về với chồng. Tôi muốn quay lại học. Tôi muốn có một tương lai và làm bất cứ nghề gì. Tôi muốn làm bác sĩ, thậm chí trở thành cảnh sát để có thể đưa chồng tôi ra tòa”, cô nói. 

 Thảo Nguyễn (theo The Guardian, Vice)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI