Phụ nữ Định Yên khôi phục làng chiếu để làm du lịch

27/11/2023 - 06:29

PNO - Với bàn tay khéo léo của mình, phụ nữ xã Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã dệt nên những chiếc chiếu vừa đẹp, vừa bền, làm vừa lòng người sử dụng khắp nơi. Làng nghề hàng trăm năm tuổi này có lúc gặp khó khăn, song những người phụ nữ ở đây vẫn nỗ lực giữ nghề và nay đang cùng nhau khôi phục lại “chợ chiếu đêm” để làm du lịch...

Gắn bó với nghề dệt chiếu

Từ đình Định Yên, chúng tôi men theo con đường trải nhựa để về ấp An Lợi A, nơi có nhiều gia đình làm nghề dệt chiếu. Bà Trương Thị Ánh Hồng năm nay ngoài 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn ngồi bên khung dệt. Bà cho biết: “Dù tuổi đã cao nhưng tôi và chồng (ông Trần Văn Nghiệp, 77 tuổi) vẫn đều đặn dệt bằng tay, mỗi ngày 4 chiếc chiếu loại 1,6m x 2m. Dệt xong là có khách đặt mua hoặc giao cho thương lái mang đi các nơi tiêu thụ. Giá mỗi chiếc chiếu thông thường khoảng 55.000-60.000 đồng. Những chiếc chiếu dệt dầy, nhuộm bông, độ bền cao thì giá từ 90.000 đồng/chiếc trở lên”.

Ở xứ Định Yên, bà Hồng cũng như nhiều phụ nữ khác, làm nghề dệt chiếu từ nhỏ. “Hồi trước, mỗi ngày đi học về là cùng gia đình phơi lác, chẻ lác, nhuộm màu, dệt chiếu. Ngày qua ngày như vậy cho đến khi tôi lớn, lấy chồng thì cũng tiếp tục làm nghề dệt chiếu. Nhà có 8 công ruộng, nhưng để nuôi 5 đứa con khôn lớn thì cũng có sự đóng góp không nhỏ từ nghề dệt chiếu” - bà Hồng kể. 

Trưng bày, giới thiệu làng chiếu truyền thống Định Yên
Trưng bày, giới thiệu làng chiếu truyền thống Định Yên

Gần đó, bà Lê Thị Bảnh (61 tuổi) cũng có thâm niên dệt chiếu hơn 40 năm. Căn nhà kiên cố của gia đình bà là sự tích lũy nhiều năm từ sản xuất nông nghiệp và dệt chiếu. Vợ chồng bà có 6 người con đã dựng vợ gả chồng, một số làm nghề khác nhưng vẫn có người theo nghề truyền thống của gia đình. “Vợ chồng tôi vừa làm ruộng, vừa dệt chiếu quanh năm. Những lúc chiếu ế ẩm, tiêu thụ chậm, thì dệt ít. Khoảng 2 tháng gần tết Nguyên đán là chiếu hút hàng thì phải tăng cường làm nhiều lên. Nhà có đám tiệc thì cũng dành thời gian để dệt chiếu” - bà Bảnh tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Đúng (chồng bà Bảnh) cho hay, ngày xưa dệt chiếu khá cực bởi nhiều công đoạn làm thủ công. Để chiếc chiếu có màu sắc đẹp, phải lựa chọn kỹ từng cọng lác rồi đem nhuộm các màu khác nhau. Khi dệt sẽ phối hợp thành những hoa văn trông rất bắt mắt. Cái lợi của dệt thủ công là tạo ra sản phẩm có độ bền cao nên được khách hàng ưa chuộng.

Tuy nhiên khoảng 15 năm nay, nhiều gia đình đầu tư máy dệt chiếu tự động và áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, cũng như mẫu mã mới... nhờ đó số lượng chiếu làm ra nhiều hơn. Bình quân 1 người có thể dệt 10-15 chiếc/ngày.

Chỉ chúng tôi xem 200 chiếc chiếu vừa dệt xong, chuẩn bị giao cho đại lý, bà Lê Thị Nỉ (67 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Định Yên) tiết lộ, do bà con làm nghề dệt chiếu thường khó khăn về vốn nên một số đại lý lớn trong huyện đứng ra thu mua lác (nguyên liệu dệt chiếu) từ Vĩnh Long, Trà Vinh đem về Định Yên giao cho những hộ dệt chiếu với giá 16.000-22.000 đồng/kg (tùy thời điểm) và thu mua lại chiếu thành phẩm giá 60.000-90.000 đồng/chiếc (tùy loại). Mô hình “cung ứng nguyên liệu đầu vào - bao tiêu đầu ra” này giúp bà con an tâm sản xuất, dù lợi nhuận không cao nhưng cũng có nguồn thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng để giữ nghề.

Khôi phục “chợ ma”

Ông Nguyễn Văn Minh Chây - Chủ tịch UBND xã Định Yên - cho biết: “Làng nghề dệt chiếu hiện còn khoảng 30 khung dệt thủ công và 450 máy dệt tự động với hàng trăm hộ tham gia, đa phần là phụ nữ. Chiếu Định Yên ngoài tiêu thụ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… thì còn được xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thái Lan…”.

Theo bà Lâm Thị Ngọc Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Định Yên - để tiếp sức cho chị em giữ nghề dệt chiếu truyền thống, thời gian qua hội phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn từ 30-50 triệu đồng cho những chị em có nhu cầu đầu tư máy dệt cũng như mua nguyên liệu. Dù địa phương rất quan tâm, nhưng nếu so với mấy chục năm trước thì nghề dệt chiếu hiện nay đã giảm nhiều về số hộ tham gia cũng như số lượng sản phẩm làm ra mỗi năm.

Đờn ca tài tử phục vụ du khách đến “chợ ma Định Yên”
Đờn ca tài tử phục vụ du khách đến “chợ ma Định Yên”

Nguyên nhân là do sự phát triển chung của xã hội, người dân dần chuyển sang sử dụng nệm, chiếu nhựa, chiếu lác không còn được phổ biến như xưa. Ngoài ra, những thế hệ trẻ gần đây cũng ít thiết tha với nghề dệt chiếu, mà họ chọn các ngành nghề khác để mưu sinh.  

Để bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên có tuổi đời hàng trăm năm, đồng thời cũng là nơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2013), gần đây UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương nỗ lực đầu tư phát triển nghề chiếu, trong đó phục dựng lại “chợ ma Định Yên” tái hiện cảnh mua bán chiếu vào ban đêm nhằm thu hút khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Xem - 64 tuổi, ngụ ấp An Khương, xã Định Yên - kể: “Ngày trước khi dệt chiếu xong thì người dân mang ra chợ để bán lẻ. Điểm đặc biệt của chợ chiếu xứ này là chỉ họp nhóm vào ban đêm, thời điểm họp chợ không cố định mà phụ thuộc vào con nước lớn, ròng, song thường từ 23 giờ đến 4 giờ sáng. Tại đây, người mua ngồi tại chỗ, còn người bán thì vác chiếu đi rao, tay cầm đèn dầu đến điểm để người mua xem chiếu, trao đổi giá cả theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”…

Cũng từ những yếu tố đặc biệt đó nên chợ chiếu Định Yên còn được gọi là “chợ ma”. Sau này, khi nghề dệt chiếu mai một, giao thông phát triển, “chợ ma” dần bị lãng quên. Bởi thế, khi các ngành chức năng quyết định phục dựng lại “chợ ma Định Yên” thì bà con rất vui, vì chuyện cơ cực nhưng nghĩa tình, chất phác của ngày xưa sẽ được tái hiện lại”.  

Bà Nguyễn Thị Nhanh - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò - cho biết, cuối tháng 8/2023, huyện đã phục dựng thực cảnh tái hiện “chợ ma Định Yên” tại khu vực đình thần Định Yên. Cụ thể là chỉnh trang các tuyến đường xung quanh làng nghề; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch; tái hiện cảnh dệt chiếu thủ công ngày trước và du khách có thể cùng tham gia dệt chiếu; trưng bày các sản phẩm chiếu Định Yên, mở tour tham quan làng nghề, tổ chức đờn ca tài tử trên sông phục vụ khách…

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trang (xã Định Yên) chia sẻ: “Bước đầu du khách các nơi đã quen dần khi đến chiều thứ Bảy hằng tuần là kéo về đây để được xem “chợ ma”, cũng như các hoạt động tái hiện nghề dệt chiếu xưa. Gia đình tôi mang khung dệt thủ công ra đây vừa làm, vừa quảng bá nghề chiếu Định Yên để nhiều du khách biết. Một số người tận mắt xem những chiếc chiếu dệt thủ công sắc xảo, đẹp và bền nên đặt hàng mua khá nhiều. Nguồn thu tuy chưa lớn nhưng chị em phụ nữ rất vui bởi được “sống lại” những kỷ niệm của làng nghề được truyền qua nhiều thế hệ”. 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho hay, ngành du lịch của tỉnh rất tâm đắc với sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt, đặc trưng, không trùng lắp của làng chiếu Định Yên nổi tiếng lâu đời bên dòng sông Hậu. Tỉnh kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn mới kích hoạt du lịch, đồng thời kết nối với các tour tuyến trên địa bàn tỉnh, tạo hứng thú và tò mò cho du khách đến khám phá, trải nghiệm nét văn hóa bản địa… 

Thu hút khách phương xa trải nghiệm làng chiếu Định Yên

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng: “Làng nghề chỉ có thể tồn tại và vượt lên, khi và chỉ khi gắn kết trong không gian văn hóa cộng đồng. Trong không gian đó, người trong làng biết trân quý những sản phẩm mình làm ra cũng như trân quý những giá trị văn hóa lịch sử để lại.

Làng nghề chỉ tồn tại khi biết cách thu hút nhiều khách phương xa tìm đến trải nghiệm; khi lãnh đạo địa phương nhận thức rằng, làng nghề phát triển sẽ kích hoạt sự năng động của làng quê. Chính từ sự năng động đó, tinh thần cộng đồng ngày càng được thắt chặt như từng cọng lác, sợi đai bện chặt vào nhau trở thành những manh chiếu đẹp, làm nên nghề chiếu Định Yên vang danh

 

Huỳnh Lợi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI