Theo báo cáo thường niên Phụ nữ trong kinh doanh năm 2021 do Hãng kiểm toán Grant Thomton International vừa công bố, đang có 60% phụ nữ giữ vị trí giám đốc tài chính (CFO) trong các doanh nghiệp Việt Nam, xếp đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 59% phụ nữ giữ vị trí giám đốc nhân sự; phụ nữ giữ vị trí điều hành doanh nghiệp (CEO) tăng từ 7% (năm 2020) lên 20% (năm 2021), xếp thứ bảy trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhu cầu khẳng định năng lực
Tốt nghiệp Trường đại học Tokyo (Nhật Bản) danh tiếng nhưng lại đi làm chả cá. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (Carafoods). “Người ta nói chắc tôi bị điên khi từ bỏ công việc tại Viện Hải dương học Nha Trang để tự kinh doanh. Gia đình thì phản đối, bạn bè thì lời ra tiếng vào, một số người còn nói tôi tham việc bỏ con” - chị Hồng kể.
|
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (bìa trái) dám thử thách khi chọn con đường kinh doanh thay vì yên phận với công việc chuyên môn - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị quyết định bắt đầu công việc kinh doanh đơn giản là do đã học được kỹ thuật làm chả cá sạch ở Nhật (gọi là kamaboko) và khát khao được ứng dụng công nghệ đó để tạo ra những sản phẩm chả cá ngon, sạch cho Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tiên, chị đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: vốn để đầu tư nhà máy, công nghệ; cách thức để có nguồn nguyên liệu tươi ngon, được bảo quản đúng cách ngay từ khi đánh bắt trên biển; cách thức quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đây là chả cá sạch, đạt tiêu chuẩn như ở thị trường Nhật… Nhưng chị Hồng chấp nhận mọi thử thách, từng bước tìm cách vượt qua khó khăn bởi chị biết mình không thể sống an phận theo những định kiến xưa cũ.
Qua thử thách thương trường, không ít phụ nữ đã chứng tỏ độ “lì” mà nam giới chưa chắc sánh được. Như trường hợp chị Phan Thị Mỹ Trang, 26 năm kinh qua các vị trí quản lý cấp cao, từng là tổng giám đốc phụ trách quản lý kiểm soát nội bộ, kế toán tài chính, kiểm toán và thuế của Mercedes-Benz Vietnam. Trong hoàn cảnh công ty tái cấu trúc doanh nghiệp, toàn bộ lãnh đạo cấp cao của công ty đều được thay mới, nhưng đội ngũ bên dưới đa phần là người cũ nhiều năm. Chị Trang gặp nhiều khó khăn do nhân sự bị biến động liên tục trong sáu tháng đầu tiên.
Sau hai tháng tiếp nhận công việc, công ty nhận thông báo về việc thanh tra thuế ba năm trước. Các nhân sự cũ phụ trách các vấn đề có liên quan thuế (đã nghỉ việc) không hợp tác, trong khi công ty còn phải hoàn thành các bước để chuẩn bị hòa nhập vào hệ thống báo cáo chung của các nước thành viên cho công ty mẹ ở Đức. Chị vừa phải lo việc tuyển dụng người mới, ổn định nội bộ, vừa chuẩn bị tất cả báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Sau đó, công ty tiếp tục bị thanh tra thuế thu nhập cá nhân trong vòng chín năm. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chị Mỹ Trang vẫn vượt qua.
“Nhờ chịu lắng nghe, kiên nhẫn học hỏi nên tôi có được sự hậu thuẫn từ sếp tập đoàn cũng như sự hỗ trợ của lãnh đạo trực tiếp và đội ngũ làm việc các phòng, ban. Nhưng phải nói rằng, tôi cũng rất thích đối mặt với thử thách và muốn khẳng định năng lực của mình” - chị chia sẻ.
Những năm gần đây, phụ nữ nắm giữ khoảng 30% vị trí quản lý cấp cao và gần 14% số ghế trong ban quản trị doanh nghiệp. Theo nghiên cứu Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: nhận thức và tiềm năng của IFC - thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới - bên cạnh năng lực tự thân của giới nữ, bình đẳng giới ở Việt Nam cũng được đánh giá tốt hơn so với các quốc gia khác có cùng trình độ phát triển, đặc biệt là về sự tham gia và cơ hội kinh tế. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
|
Rất nhiều nữ doanh nhân tham gia các buổi nói chuyện của Họ c việ n Quản lý PACE về "định nghĩa lại lãnh đạo" ẢNH: X.L |
“Hầu như không có gì khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trên thương trường, nhưng có vẻ động lực của phụ nữ còn mạnh mẽ hơn cả nam giới, bởi lẽ họ muốn chứng tỏ rằng “phái yếu” cũng có thể làm nên những thành công lớn. Phụ nữ thường bắt đầu bằng công việc mình yêu thích, đam mê và mong muốn khẳng định bản thân trước, sau đó mới tìm kiếm sự giàu có” - Trương Lý Hoàng Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), nhận xét.
Ưu thế của phụ nữ khi làm lãnh đạo
“Phụ nữ có thiên hướng ưu tiên nhu cầu của người khác. Họ có sự thấu hiểu một cách bản năng về cách tạo dựng những sự kết nối, đặc biệt là với khách hàng và đồng nghiệp, điều này mang lại lợi thế hợp tác” - Sage Lavine, tác giả cuốn sách Phụ nữ khuấy đảo giới kinh doanh - lý giải về thành công của nữ doanh nhân.
Theo Nguyễn Huỳnh Kim Ngọc - người có hơn mười năm làm giám đốc nhân sự ở các tập đoàn, nay là CEO của Vietnam Barista School - phụ nữ thường thành công ở lĩnh vực nhân sự vì họ nhạy cảm và vị tha, thường trao quyền cho người khác thay vì kiểm soát họ bằng quyền lực. Ngoài ra, sự dịu dàng của phụ nữ giúp họ dễ dàng thấu hiểu và chạm đến những cảm xúc sâu kín nhất, giúp kết nối mọi người tốt hơn.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Phượng Hoàng Lam - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ ETEST - đúc kết: “Sự kết hợp hài hòa giữa nét linh hoạt và lòng vị tha của phụ nữ cùng sự quyết đoán, mạnh mẽ trong tính cách của người quản lý giúp họ đưa ra những quyết định thấu đạt nhân tâm hơn”. Trở thành nhà quản lý ở độ tuổi chỉ mới ngoài 30 nhưng chị Hoàng Lam đã rất thành công trong việc quản trị con người. Bí quyết của chị là rất xem trọng đắc nhân tâm: “Trước khi quyết định một vấn đề, tôi thường đặt mình vào vị trí của đồng nghiệp hoặc đối tác để cảm nhận suy nghĩ và mong muốn của họ và đưa ra giải pháp thấu tình đạt lý nhất có thể”.
|
Nguyễn Phượng Hoàng Lam rất tâm huyết với hành trình phát triển du học sinh - Ảnh: Xuân Lộc |
Còn trong lĩnh vực tài chính, phụ nữ thành công nhờ lợi thế về sự cân nhắc thiệt hơn. Linh Trương - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Terraverde - kể: “Giám đốc công ty có xu hướng đầu tư mạo hiểm nên giữa chúng tôi thường xảy ra những tranh cãi về tài chính. Tuy nhiên, khi tôi đưa ra những phân tích rõ ràng, hợp lý về các khoản đầu tư, ông ấy cũng rất đồng tình”.
Theo nghiên cứu Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: nhận thức và tiềm năng của IFC, cả phụ nữ và nam giới đều cần mức hỗ trợ quản lý tài chính như nhau nhưng nhìn chung, phụ nữ ít hài lòng với các ngân hàng và cố vấn tài chính của họ hơn so với nam giới, họ có sự nghi ngờ nhiều hơn. Phụ nữ có xu hướng yêu cầu nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra quyết định và muốn đảm bảo rằng họ hiểu mọi vấn đề, trong khi nam giới thường ra quyết định với ít thông tin hơn.
Phụ nữ vẫn là người xây tổ ấm
Theo nghiên cứu nói trên của IFC, mặc dù trách nhiệm gia đình là quan trọng và được xem là một thách thức, phần lớn nữ chủ doanh nghiệp nữ đều có thể cân đối được trách nhiệm với cả doanh nghiệp lẫn gia đình.
Dù vô cùng bận bịu, chị Phan Thị Mỹ Trang vẫn dành thời gian đưa đón con đi học. Để làm được như vậy, chị phải tạm gác bớt công việc ở công ty. Nhiều lúc, con chị vẫn phải tranh thủ ăn ngay trên xe để tiết kiệm thời gian cho cả mẹ và con, nhưng cả hai đều thấy rất vui. “Tôi trực tiếp đưa đón con để con thấy việc học là quan trọng và tôi luôn ưu tiên cho giáo dục con cái. Tôi đã làm tốt việc định hướng cho con và dạy con tính tự lập” - chị cho biết.
Với Nguyễn Phượng Hoàng Lam, gia đình quan trọng nhất vì cuộc sống gia đình ổn định, lành mạnh sẽ giúp phụ nữ thăng hoa rất nhiều trong công việc. Do vậy, những vấn đề gia đình và con cái được chị ưu tiên giải quyết, sau đó mới đến công việc. “Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, tôi dành toàn thời gian tại công ty cho công việc và khi trở về nhà, tôi dành thời gian thật sự có chất lượng cho gia đình và con cái” - chị nêu kinh nghiệm bản thân.
Xuân Lộc