Phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp cho thành phố nghĩa tình

10/11/2023 - 06:23

PNO - Đến TPHCM lập nghiệp, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã xem thành phố này như một gia đình lớn, nơi họ không chỉ nỗ lực xây dựng hạnh phúc riêng mà còn cùng nhau góp công sức gieo những hạt mầm tử tế.

Người của phụ nữ, trẻ em nghèo

Buổi trưa, chúng tôi tìm gặp dì Thạch Mỹ Hòa - Tổ trưởng tổ phụ nữ 4, khu phố 2, phường Tân Hưng Thuận, quận 12 - ở nhà chị Trần Lê Hà, người đang bị bệnh nan y. Chị Hà phân trần: “Mấy bữa nay người mệt quá, tôi buột miệng nói “phải chi có chén thịt hầm hạt sen”. Không ngờ làm khổ cô Hòa phải nấu nướng bưng qua. Cũng nhờ cô Hòa mà cháu tôi biết chữ, nhà tôi không bị đói. Gia đình tôi chịu ơn cô Hòa rất nhiều, không biết bao giờ mới báo đáp được”. Nghe chị Hà nói, dì Hòa cười: “Xóm làng với nhau thì giúp đỡ nhau chứ ơn nghĩa gì”. 

Dì Thạch Mỹ Hòa (trái) luôn quan tâm, hỗ trợ nhiều phụ nữ khó khăn ở địa phương,  trong đó có gia đình chị Trần Lê Hà (phải)
Dì Thạch Mỹ Hòa (trái) luôn quan tâm, hỗ trợ nhiều phụ nữ khó khăn ở địa phương, trong đó có gia đình chị Trần Lê Hà (phải)

Dì Hòa năm nay đã 70 tuổi, là giáo viên về hưu, người Khơ Me, quê ở Trà Vinh. Cán bộ, hội viên phụ nữ quận 12, khi nhắc đến dì đều dành tình cảm quý trọng. Riêng ở khu phố 2, phường Tân Hưng Thuận, chị em gọi dì là “người thương của khu phố”. Về hưu 15 năm cũng là chừng đó thời gian dì dồn hết tâm sức chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo, nhất là chuyện học hành, làm ăn, sức khỏe.

Dì kể: “Ba mất sớm, một mình mẹ tôi gồng gánh nuôi bầy con 8 đứa. Để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, từ nhỏ tôi đã đội khoai lang, khô cá đi bán, lớn lên chút thì phụ hồ. Xưa, tôi ở trọ, lấy chồng năm 1976, xuống Tân Hưng Thuận này sống cũng cực y vậy. Lương giáo viên thấp, chồng tôi là công nhân, cùng nuôi 3 đứa con ăn học. Ngày đi dạy, tối về tôi ngồi may quần áo, chăm đàn heo, còn chồng chạy thêm mấy cuốc xích lô. Tôi rất coi trọng chuyện học hành, ở khu phố thấy cháu nào chưa chăm hoặc có ý định bỏ học vì khó khăn là tôi la liền”. 

Trong nhà dì Hòa có tấm bảng treo tường. Từ năm 2009, dì bắt đầu “gom” những đứa trẻ nhà nghèo chưa đọc thông viết thạo về kèm toán, tiếng Việt buổi tối. Không chỉ vậy, dì còn cho bọn trẻ tập, bút và học bổng để khích lệ. Một số trẻ không có giấy khai sinh, như trường hợp cháu nội chị Hà, dì gõ cửa khắp nơi nhờ hỗ trợ để các em được đến trường.

Em Nguyễn Ngọc Hưng - sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM - kể chuyện bỏ học để đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và được dì Hòa kết nối với các nhà hảo tâm tặng học bổng, chi hội phụ nữ khu phố giúp đỡ gia đình. Nhờ vậy, đến nay, Hưng đang học năm cuối, những khó khăn của gia đình cũng phần nào bớt đi. Dì Hòa nói rằng, 2 vợ chồng dì đều có lương hưu, con cháu thỉnh thoảng lại cho nên cũng có đôi đồng san sẻ với bà con khi khó ngặt.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hưng Thuận - xúc động: “Khu phố 2 có 8 hộ đồng bào Khơ Me, tất cả chị em đều được dì Hòa vận động tham gia hội phụ nữ. Dì để ý hoàn cảnh từng người, ai cần vốn buôn bán, cần việc làm thời vụ, cần máy may hay đầu mối lãnh hàng về gia công, dì đều đứng ra kết nối giúp. Dì cũng là người góp công sức và kinh phí duy trì bếp yêu thương của Chi hội Phụ nữ khu phố 2. Mỗi tháng bếp đỏ lửa 2 lần vào ngày rằm và mồng Một”. 

Chị Lục Kim Hằng (trái) và dì Thạch Mỹ Hòa là 2 gương “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu” được UBND quận 12 tuyên dương
Chị Lục Kim Hằng (trái) và dì Thạch Mỹ Hòa là 2 gương “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu” được UBND quận 12 tuyên dương

Cho đi là còn mãi

Tại phường Hiệp Thành, quận 12, chị Lục Kim Hằng (52 tuổi) là một cán bộ hội nhiệt huyết, đã nói là làm. Dù mới đảm nhận trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7 từ năm 2018, nhưng chị Hằng đã thực hiện nhiều công việc ý nghĩa, góp phần xây dựng khu phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. 

Đường 551, tổ 56B, khu phố 7, đoạn dẫn vào chùa Pháp Thạnh có khu đất rộng hơn 200m2 bỏ hoang thành bãi rác. Năm 2019, chị Hằng đề xuất địa phương cho cải tạo nơi này thành vườn hoa rồi vận động kinh phí thực hiện. 

Cũng thế, trước đây, 50m đường đầu hẻm 184 Bùi Văn Ngữ bị xuống cấp, đi lại rất khó khăn. “Biết mình là người mới, tôi chưa dám vận động bà con, nên đã lân la tìm hiểu từng nhà, thăm hỏi bà con khi đau ốm, hỗ trợ những gia đình khó khăn để tạo sự gắn bó. Nhờ vậy, khi tôi kêu gọi góp kinh phí bê tông hóa hẻm thì cả hẻm đều ủng hộ.

Khi hẻm đã rộng rãi, khang trang, tôi rủ chị em làm một vườn hoa ngay đầu hẻm và cắt cử nhau chăm sóc, bà con thấy vậy đều rất phấn khởi. Đến nay, phụ nữ khu phố đã gầy được 3 khu vườn hoa và rau trên nền những bãi đất trống từng là điểm đen về rác. Tôi cũng không phải một mình làm mọi thứ mà đã có bà con cùng xắn tay phụ giúp. Nhiều anh còn chủ động góp tiền, nhờ tôi trang bị thùng rác loại lớn trên các tuyến đường và hướng dẫn mọi người phân loại rác” - chị Hằng chia sẻ. 

Là phụ nữ dân tộc Tày, quê ở tỉnh Bắc Kạn, chị Hằng vào TPHCM từ năm 22 tuổi. Ban đầu chị làm công nhân, rồi mở tiệm tạp hóa và làm thêm nghề thêu. Trải qua nhiều khó khăn, vợ chồng chị đã mua được đất, xây được nhà và 6 phòng trọ cách đây hơn 10 năm. Bên cạnh chú trọng bảo vệ môi trường sống, chị còn hết lòng vì người khó với phương châm “cho đi là con mãi”. Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị là nơi đặt bếp ăn nghĩa tình của phụ nữ khu phố. 

Tuyến hẻm 175, đường số 2, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức,  sạch đẹp, thoáng mát nhờ phần đóng góp quan trọng của dì Thạch Thị Song (trái)
Tuyến hẻm 175, đường số 2, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, sạch đẹp, thoáng mát nhờ phần đóng góp quan trọng của dì Thạch Thị Song (trái)

Tương tự, tại phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, dì Thạch Thị Song (75 tuổi) - một phụ nữ Khơ Me - có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn sẵn lòng hiến đất để mở hẻm. Dì Song kể, dì có 4 người con, 2 người đã mất, còn 2 người đều đau bệnh, chồng bị đột quỵ, kinh tế gia đình chật vật. Hằng ngày, dì làm nghề bó chổi kiếm tiền lo cho cuộc sống.

Buồn cảnh nhà, nhưng khi nhắc chuyện hẻm 175, đường số 2, khu phố 1, ánh mắt dì Song lại ánh lên niềm vui: “Hồi xưa, hẻm là đường đất nhỏ xíu, đầy ổ gà, mưa xuống là té nhào. Khi phường vận động mở rộng hẻm, dì là người đầu tiên xung phong hiến 120m2 đất. Nghĩa cử đó của dì đã giúp địa phương vận động được nhiều bà con trong hẻm 175 và nhiều hẻm khác cùng đồng lòng vì con đường chung. Đến nay, hẻm 175 đã được bê tông rộng rãi, xe ô tô có thể vào ra, có nhiều cây xanh. Thời buổi tấc đất tấc vàng, nhưng dì không tiếc đâu. Ai cũng vậy mà, phải vì cái chung chớ” - dì Song khẳng định. 

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI