Phụ nữ dân tộc thiểu số chung tay lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

14/12/2023 - 06:17

PNO - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đảng bộ TPHCM lần thứ XI với nhiều nỗ lực, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh dường như đang dần hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, trong quá trình này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã và đang góp một bàn tay…

Soi vào đó mà nhắc nhở nhau

Đứng lên ghế, bé Shakira - 6 tuổi, phường 11, quận 8 - với tay chỉ vào bức ảnh Bác Hồ đang trò chuyện cùng phụ nữ các dân tộc. Đây là bức ảnh cô bé thích nhất trong số những bức ảnh được trưng bày ở một góc nơi phòng khách của nhà chị Saly Gia - bà nội bé. “Bác Hồ là người có tóc trắng và cái râu trắng. Cô giáo con nói, Bác Hồ sống tiết kiệm, không bao giờ lãng phí” - bé Shakira chỉ vào Bác Hồ trong ảnh và nói. 

Chị Saly Gia kể, từ ngày có không gian này, cô cháu nhỏ có rất nhiều chuyện về Bác Hồ để nói cho mọi người nghe. Khi thì Bác Hồ đi cứu nước từ bến Nhà Rồng, khi thì Bác Hồ rất yêu thiếu nhi… Vì có đứa cháu ưa nói, hay hỏi, nên khi nào rảnh, chị Saly Gia cũng tìm những mẩu chuyện về Bác Hồ để đọc và trò chuyện với cháu.

Bà Huỳnh Nga giới thiệu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhà khi có khách đến chơi
Bà Huỳnh Nga giới thiệu Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhà khi có khách đến chơi

Trong ngôi nhà 22m2 có 3 thế hệ cùng sinh sống, chị Saly Gia cố gắng vun vén, dành phần lớn không gian tại phòng khách để trưng bày hình ảnh và sách về Bác Hồ. Chị cho biết, là người yêu kính Bác, nên khi Đảng bộ TPHCM phát động xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, và Hội LHPN quận 8 hưởng ứng phong trào này với phương châm “Mỗi cơ quan, đơn vị, gia đình là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, chị đã hưởng ứng với mong muốn góp phần lan tỏa công trình lớn mà cả thành phố đang hướng đến. 

Chị chia sẻ: “Ủng hộ chủ trương của thành phố, tôi cũng như những người Chăm khác, đều rất yêu mến Bác Hồ, muốn con cháu học theo những điều hay, điều tốt ở Bác” - chị Saly Gia bộc bạch.

Chị Saly Gia cho biết, người Chăm theo đạo Hồi không cho phép trưng bày hình ảnh cá nhân, kể cả những bức ảnh kỷ niệm của gia đình. Do đó, khi quyết định thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại nhà, chị đắn đo lên ý tưởng sao cho không gian ấy phù hợp với những quy định tôn giáo của gia đình. Cuối cùng, chị chọn những lời dạy của Bác Hồ về gia đình làm chủ đề với mong muốn các thành viên trong gia đình sẽ soi rọi vào đó mà nhắc nhở nhau về giá trị gia đình, từ đó góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn như lời Bác dạy: “Gia đình tốt thì xã hội tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Cùng với những câu nói của Bác về gia đình, chị Saly Gia cũng lựa chọn những hình ảnh chụp Bác thật tự nhiên, sống động trong cuộc sống đời thường cho không gian gia đình, như Bác Hồ đến thăm và trò chuyện với phụ nữ các giới, Bác Hồ với thiếu nhi… Để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của gia đình thêm phong phú, chồng chị Saly Gia cũng đầu tư những chiếc kệ nhỏ, trưng bày thêm một số sách viết về Bác Hồ cho con cháu đọc. “Mấy đứa nhỏ cũng chăm chút, cứ rảnh là cha con lấy sách ra đọc cùng nhau” - chị Saly Gia kể. 

Góp từng việc nhỏ

Trong nhà bà Huỳnh Nga - một phụ nữ dân tộc Hoa tại phường 11 - cũng có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại gian nhà trước. Bà Nga cho biết, nhà có cửa hàng tạp hóa nhỏ, 3 chị em gái bà đều sống độc thân nên chị em trong khu phố thích lại chơi. Do đó, bà quyết định thu dọn không gian sinh hoạt để dành một phần diện tích xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với bộ bàn ghế vừa đủ để mọi người có thể đọc sách, trò chuyện với nhau.

Cũng theo mô típ trưng bày hình ảnh, sách vở về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, nhưng góc về Bác ở nhà bà Nga đặc biệt hơn là mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách đều có mã QR phiên bản tiếng Hoa để cho bà con người Hoa không rành tiếng Việt có thể đọc. Trong không gian ấy bà Nga còn trưng bày và khuyến khích mọi người đọc cả các ấn phẩm Những tấm gương thầm lặng mà cao cả viết về những mẩu chuyện, những con người dung dị được TPHCM tuyên dương qua các năm.

Theo bà, đây là những quyển sách truyền cảm hứng về lối sống nhân ái ở một thành phố nghĩa tình. Cũng tại đây, bà Nga còn trưng bày một cách trang trọng quyển sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi theo bà, trong đó không chỉ có cuộc đời, sự nghiệp của riêng vị đại tướng tài ba mà còn là cả một giai đoạn lịch sử của đất nước được tái hiện sinh động.

“Có nhiều cô bác bận rộn chuyện gia đình, ít tham gia hội họp nên khi đến đây, nhìn thấy tôi trưng bày như vầy, họ lạ lắm, hỏi han đủ chuyện. Cũng từ đó, mình có cơ hội nói nhiều hơn về các hoạt động của phường, hội, rồi có chủ đề để chị em, hàng xóm “tám” với nhau. Những chuyện chúng tôi nói với nhau như hành vi vứt rác bừa bãi, kể chuyện chỗ này làm đường hoa đẹp xóm, chỗ kia có những người đàn bà không ngại lội nước vớt rác để làm đẹp dòng kênh… Lâu dần, chị em cũng ý thức được việc phải lên tiếng nhắc nhở trước những hành vi không đẹp như vứt rác ra đường” - bà Nga kể.

Theo bà Nga, tuy chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng như Bác đã dạy, “tích tiểu thành đại”, ai cũng hành động tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Những việc tốt dù nhỏ cũng là cách lan tỏa những bài học, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu trong mỗi người. 

Nguyệt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI