Có lẽ khi nhắc tới tên Hoàng Thị Minh Hồng, nhiều người không biết cô ấy là ai, nhưng khi nói đến người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực thì chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến hình ảnh cô gái với nụ cười tươi tắn, gương mặt bừng sáng khi cầm cờ Tổ quốc giương cao trên nền tuyết trắng Nam Cực hơn hai mươi năm trước.
Để rồi sau chuyến đi ấy, từ một người ngoại đạo với lĩnh vực môi trường, chị đã toàn tâm dấn thân hoạt động vì môi trường - lao vào một con đường mới mẻ và nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ chị có ý định từ bỏ. Hiện Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập và điều hành CHANGE - Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển tại TP.HCM.
Chúng tôi gặp chị vào một sáng cuối tuần ở văn phòng CHANGE sau khi chị vừa tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khóa đầu tiên ở Trường Đại học Columbia tại thành phố New York trở về. Và câu chuyện giữa hai người quen đã lâu không gặp dường như bất tận…
|
Ở CHANGE, chúng tôi không chỉ hướng dẫn kỹ năng công việc, kỹ năng sống, mà còn trao cho các bạn cơ hội học tập |
Phóng viên: Được biết, để có mặt tại chương trình Học giả Quỹ Obama này, những ứng viên phải vượt qua những vòng tuyển chọn ở quy mô toàn cầu. Chuyến đi khá dài, chị thu hoạch được nhiều điều thú vị?
Hoàng Thị Minh Hồng: Quỹ Obama sáng lập với sứ mệnh truyền cảm hứng, trao quyền và kết nối mọi người để cùng nhau thay đổi cho một thế giới tốt đẹp hơn. Năm 2018-2019 là khóa đầu tiên của chương trình này, kéo dài trong hơn 9 tháng (từ nửa cuối tháng 8/2018 đến hết tháng 5/2019) tại New York do Trường Đại học Columbia (một trong 8 trường đại học xuất sắc nhất nước Mỹ) phối hợp với Quỹ Obama thiết kế riêng cho 12 học giả đến từ 12 quốc gia.
Mục tiêu của chương trình này là tiếp tục nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo, để họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với những mạng lưới quốc tế, giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi. Tôi học được rất nhiều điều không chỉ từ các chương trình học và các cơ hội kết nối, mà còn từ chính 11 thành viên của nhóm, họ đều là những người đi đầu các phong trào xã hội nổi bật tại các quốc gia.
Trong thời gian 9 tháng, nhóm có 4 lần tập trung tại các thành phố khác nhau tại nước Mỹ để có các chương trình hoạt động chung và cùng lập kế hoạch cho việc xây dựng mạng lưới các cựu học giả Obama trên toàn cầu khi về nước. Mạng lưới này sẽ cùng hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau mà các quốc gia đang đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến giáo dục, từ sức khỏe cộng đồng đến sự minh bạch của chính phủ...
* Chị có ấn tượng gì khi gặp cựu Tổng thống Barack Obama?
- Tôi được gặp cựu Tổng thống Obama hai lần. Ông có những chia sẻ thân tình, truyền cảm hứng, kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội để thế giới có một tương lai tươi sáng hơn.
|
Tổng thống Obama chụp hình lưu niệm cùng các học giả |
Ông ấy rất thân thiện với cách nói chuyện truyền cảm, hóm hỉnh. Ông có nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi: “Chúng ta muốn thay đổi thế giới thì phải xây dựng cộng đồng. Để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động”. Truyền thông bằng cách kể những câu chuyện chính là việc tôi và CHANGE đang nỗ lực thực hiện trong các dự án môi trường tại Việt Nam.
* CHANGE là một trong số các tổ chức phi lợi nhuận về môi trường năng động nhất ở TP.HCM hiện nay, với vai trò là người sáng lập, chị có thể nói rõ hơn về mục tiêu hoạt động của CHANGE?
- Để có CHANGE như hôm nay thật sự là cả một câu chuyện dài về quá trình thay đổi của tôi và tập thể CHANGE. Thành lập năm 2013, CHANGE thông qua hai phương pháp tiếp cận chính là truyền thông sáng tạo và kết nối cộng đồng nhằm thực hiện các chiến dịch chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, khuyến khích phát triển bền vững, thúc đẩy việc gìn giữ và bảo tồn môi trường nhằm thay đổi thói quen và truyền cảm hứng để cộng đồng cùng hành động tại Việt Nam.
* Câu chuyện dài có phải từ lúc chị tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên năm 1997?
- Đúng vậy, chuyến đi ấy là dấu ấn đã thay đổi cuộc đời tôi. Thời điểm đó tôi chưa có khái niệm gì về môi trường. Đang làm marketing cho báo Đầu tư, tình cờ người quen thông báo có cuộc thi đi thám hiểm Nam Cực, chỉ cần là người trẻ, năng động, có nhiều hoạt động xã hội... là có thể tham gia nên đăng ký và trúng tuyển.
Khi tham gia rồi mới biết đó là chuyến đi về môi trường, về tình trạng trái đất nóng lên… Thế nên lần đó tôi vỡ ra rất nhiều điều mới mẻ. Hiểu rằng con người đã tác động xấu, làm nguy hại đến môi trường như thế nào. Chuyến đi 1,5 tháng ấy (gồm cả thời gian tập huấn) đã thật sự làm tôi được mở rộng tầm mắt, thấy thế giới rộng lớn và thay đổi nhận thức một cách tích cực.
* Từ thay đổi nhận thức, chị đã có những hành động cụ thể vì môi trường?
- Trở về sau chuyến đi Nam Cực, tôi quan tâm hơn đến môi trường bằng những hành động tình nguyện như nhặt rác, trồng cây… nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược lâu dài do không có tổ chức nào đỡ đầu. Năm 2002-2009 tôi chuyển sang làm việc cho tổ chức WWF - Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên - nơi tôi học được rất nhiều kiến thức chuyên môn về môi trường.
Sau năm 2009 tôi chuyển vào sống ở Sài Gòn, lúc đó WWF không có văn phòng ở Sài Gòn nên tôi nghỉ việc. Thấy thành phố có hơn 10 triệu dân mà không có tổ chức phi chính phủ nào về môi trường nên tôi nảy ra ý nghĩ phải làm một cái gì đó về môi trường và phát triển bền vững. Cũng trong năm 2009, tôi trở lại Nam Cực lần thứ hai với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam trong chuyến Thám hiểm Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực do tổ chức 2041 thực hiện.
Lần này tôi nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu lên Nam Cực rõ ràng hơn. Về phần mình, trong nhiều năm tôi cũng đã tập hợp được nhiều bạn trẻ, tình nguyện viên, đặc biệt giới truyền thông, báo chí cũng ủng hộ hoạt động về môi trường một cách tích cực. Tận dụng lợi thế “tài nguyên” này nên tôi bắt tay vào gầy dựng, đến năm 2013 CHANGE mới chính thức có giấy phép hoạt động.
* CHANGE đặt ra mục tiêu như thế nào, có gặp những khó khăn gì khi thực hiện?
- CHANGE đặt ra mục tiêu để giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách ở Việt Nam như giảm số lượng tiêu thụ động vật hoang dã, tìm nhà tài trợ cùng mục tiêu với mình. Rất khó tìm được tài trợ từ các doanh nghiệp trong nước, vì tài trợ cho môi trường không giống như các hoạt động phi lợi nhuận khác, đòi hỏi đối tác cũng phải có một tầm nhìn dài hạn và đồng hành không vì mục đích quảng bá doanh nghiệp. Tâm lý người ta vẫn muốn giúp đỡ người nghèo, trẻ em… vì nó gần gũi, dễ cảm thông, còn tài trợ về môi trường thì thấy nó mông lung, kết quả khó đo đếm được. Vì thế, đối tác là doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu là các nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Những hoạt động của CHANGE tập trung vào ba lĩnh vực chính là động vật hoang dã, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ba nội dung chính ấy vẫn xuyên suốt từ khi thành lập đến giờ và có những chương trình lớn hơn, tác động mạnh mẽ hơn.
|
Một trong những hoạt động của Change: tác phẩm vẽ tranh trên tường chống ô nhiễm môi trường |
Sau nhiều năm hoạt động về lĩnh vực môi trường tôi thấy rằng vấn đề về môi trường ở Việt Nam phần lớn là do nhận thức của người dân, đồng thời do việc giáo dục môi trường trong học đường chưa được quan tâm đúng mức. Ai cũng nghĩ làm về môi trường là rất mệt, kiểu “ôm tù và hàng tổng” nên ít ai muốn làm. Trong khi đó, giới trẻ dễ thích nghi, chấp nhận thay đổi nên tôi nghĩ dùng truyền thông tác động đến các bạn để thay đổi nhận thức về môi trường, song song với việc xây dựng năng lực cho giới trẻ để họ cùng hành động với mình.
* Có phải vì người trẻ dễ thích nghi, chấp nhận thay đổi nên đội ngũ nhân sự của CHANGE đều rất trẻ, chị đã “chiêu dụ” các bạn bằng cách nào?
- Ngay từ đầu những bạn trẻ đến với CHANGE đều xác định rõ là làm ở đây không phải vì tiền, vì mức lương ở đây rất… tượng trưng. Các bạn cũng nói là bị tôi “dụ”, nhưng thật sự các bạn đều là những người yêu động vật, thiên nhiên, môi trường...
Ở CHANGE, chúng tôi không chỉ hướng dẫn kỹ năng công việc, kỹ năng sống, mà còn trao cho các bạn cơ hội học tập. Quan trọng hơn, tôi không bao giờ buộc các bạn làm việc một cách cứng nhắc, các bạn tự biết mục tiêu cuối cùng mà xây dựng chương trình làm việc. Các bạn là chủ của chương trình, kế hoạch đó nên phải có trách nhiệm cao nhất. Tôi tự hào về đội ngũ của CHANGE là các bạn trẻ rất sáng tạo, tâm huyết với công việc, có sự đồng lòng và cùng mục tiêu mới đi chung với nhau.
|
Nghệ sĩ và các bạn trẻ tham gia chiến dịch “Nói không với ngà voi” |
* Chị vừa kỷ niệm 10 năm ngày “Nam tiến”, thấy chị vẫn hay nhớ về Hà Nội… Chị có định trở về làm một cái gì ngoài ấy không?
- Ước muốn thì nhiều lắm nhưng sức người có hạn. Ở Hà Nội có rất nhiều tổ chức phi chính phủ, mục tiêu dài hạn của CHANGE cũng sẽ có văn phòng ở Hà Nội bởi có nhiều vấn đề cần làm, hơn nữa bạn bè ngoài đó “kêu la” quá trời. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội từ lâu đã vượt ngưỡng báo động. Nếu mọi người không ai nghĩ đến việc lâu dài, bất chấp mọi giá thì người dân phải hứng chịu mọi hậu quả về môi trường một cách rất nặng nề.
* Có phải chính vì vậy mà chị đang xây dựng chương trình kêu gọi “I change - Tôi thay đổi”, nhắm đến thay đổi nhỏ của mỗi cá nhân mà ai cũng có thể làm được?
- Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường như hiện nay không phải là không có cách, quan trọng là ý chí của những người có thẩm quyền. Ví dụ như New York cách đây 50 năm rất ô nhiễm, những người lãnh đạo thành phố nhìn thấy rằng đây là cái giá phải trả cho nhiều năm sau nên bằng mọi cách phải thay đổi.
Họ cương quyết áp những quy chuẩn ngặt nghèo cho các nhà máy, tăng mạnh phí bảo vệ môi trường vì hiểu rằng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho những khoản y tế, sức khỏe... Với nạn ô nhiễm môi trường, cần tạo ra một làn sóng bảo vệ môi trường mạnh mẽ trong cộng đồng để từ đó tác động đến xã hội. Tôi nghĩ phụ nữ có một sức mạnh rất lớn, bởi vì họ là những người mẹ và dĩ nhiên họ luôn lo lắng cho con của mình.
|
Cùng các bạn trẻ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường |
* Chị vừa nhắc đến vai trò của người phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, đây là công việc không đơn giản, tại sao lại trút thêm lên vai phụ nữ?
- Không phải trút gánh nặng mà là đúng người, đúng việc. Một trong những điều tôi muốn làm sau khi tham gia chương trình ở Mỹ là vận động những người phụ nữ để họ đi tiên phong trong các phong trào thay đổi xã hội. Tôi nhận thấy rằng phụ nữ có một sức mạnh rất lớn trong việc vận động xã hội một cách tích cực.
Nhưng thực tế, một số phụ nữ Việt Nam còn chưa tự tin. Tôi muốn có những chương trình gọi là trao quyền, tăng sự tự tin và cả năng lực lãnh đạo cho giới nữ. Bởi vì trong tương lai, các bạn vừa là chủ gia đình, có thể là chủ doanh nghiệp, có thể làm chủ xã hội, làm lãnh đạo… Họ có sức mạnh mềm đủ làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
|
Sự kiện “Ước mơ đại dương xanh” |
Tôi thấy rằng môi trường không phải là vấn đề duy nhất mà có rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, bất bình đẳng trong xã hội. Rất nhiều vấn đề xã hội kết dính nhau mà chỉ giải quyết một khía cạnh thì sẽ không triệt để. Chính vì vậy, tôi mong muốn liên kết với các tổ chức phi chính phủ làm các lĩnh vực khác nhau liên quan đến môi trường thông qua việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo là phụ nữ để làm cho cộng đồng, xã hội tốt đẹp hơn.
Tôi muốn có những chương trình tập huấn dành cho các bạn gái trẻ ở các tỉnh, thành, giúp các bạn tự tin hơn, có nhiều thông tin hơn. Sau đó, các bạn tự xây dựng dự án cho cộng đồng địa phương mình. Khi tôi chia sẻ ý tưởng này, lãnh đạo nữ của một số tổ chức phi chính phủ đều rất ủng hộ.
* Cảm ơn chị, chúc chị và CHANGE luôn thành công, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.
Một số hoạt động của CHANGE
WildAid phối hợp cùng CHANGE tổ chức chương trình “Chuyến xe nghệ thuật hoang dã” nhằm vẽ tranh tường với các thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã tại những nơi công cộng trong 8 thành phố của Việt Nam bao gồm Cà Mau, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hạ Long, Móng Cái và TP.HCM để thu hút người dân địa phương và khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
“Chuyến xe nghệ thuật hoang dã” là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố và các hoạt động tương tác, giao lưu với các địa phương nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng, lãnh đạo địa phương và đặc biệt là giới trẻ về việc ngừng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã và cam kết bảo vệ những loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, chú trọng vào ba loài voi, tê giác và tê tê.
CHANGE phối hợp cùng phong trào 350.org với sự tài trợ từ Lãnh sự quán Đức tại TP.HCM, tổ chức tour triển lãm ảnh “Cảm nhận không khí” qua các trường đại học trong địa bàn TP.HCM nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng trẻ về vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn của Việt Nam, từ đó kêu gọi sự chung tay hành động, hướng đến một bầu không khí trong lành.
Với thời gian hoạt động tại mỗi điểm dừng chân kéo dài từ 8g-17g, ngoài việc thưởng thức các tác phẩm ảnh, sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động tương tác thú vị bao gồm: “Gieo hạt trồng cây, ươm mầm không khí sạch” - trồng cây trên môi trường giấy cũ tái chế nhằm nâng cao nhận thức về việc lọc không khí thông qua thực vật và tạo cơ hội cho mọi người đóng góp một phần sức lực vào công cuộc gìn giữ bầu trời xanh; “Đố vui có thưởng” giúp các bạn trẻ thu thập thêm nhiều kiến thức về không khí nói chung và vấn đề ô nhiễm khói bụi đang ngày càng trầm trọng tại các đô thị hiện nay.
Sự kiện “Ước mơ xanh của đại dương” thuộc giải Marathon TP.HCM thu hút sự quan tâm về lối sống xanh của nhiều bạn trẻ và đối tượng gia đình, đặc biệt là các em nhỏ. Những bạn trẻ và các bé háo hức đến nô đùa, nhảy cùng chú cá voi và tham gia trò chơi thách đố. Qua đó tuyên truyền về tác động của việc sử dụng tràn lan các sản phẩm nhựa dùng một lần đến hệ sinh vật biển.
Thay áo cho hơn 40 bức tường ở Pandora City, các tình nguyện viên tham gia cạo và sơn lại các mảng tường cho đều màu sau đó vẽ những tấm áo mang thông điệp bảo vệ các loài động vật đang nguy cấp.
Theo changevn.org
|
Thu Ngân (thực hiện)
Ảnh: The obama foundation, changevn.org