Phụ nữ có nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ cao sẽ giảm nguy cơ tử vong do COVID-19?

19/02/2022 - 14:33

PNO - Tiêm ngừa COVID-19 và tiêm tăng cường làm tăng đáng kể khả năng hồi phục sau khi một người bị nhiễm virus này. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến cho khả năng này thấp hơn, và nằm ngoài kiểm soát của con người. Chẳng hạn, nếu là nam giới (một yếu tố về sinh học) thì nguy cơ tử vong vì COVID-19 sẽ cao hơn phụ nữ…

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số nam giới tử vong vì COVID-19 cao hơn 20% so với phụ nữ.

Để giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, tốt nhất là tiêm ngừa
Để giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, tốt nhất là tiêm ngừa

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng sự khác biệt về nguy cơ tử vong giữa hai giới một phần có thể do hormone estrogen (nội tiết tố sinh dục nữ chính) ở phụ nữ có ảnh hưởng lên hệ thống miễn dịch.

Một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí BMJ Open vào ngày 14/2, đã tìm hiểu mối liên hệ giữa lượng estrogen với khả năng tử vong của phụ nữ sau khi họ bị nhiễm COVID-19. Trong nghiên cứu, các tác giả đã xem xét dữ liệu đăng ký y tế quốc gia của Thụy Điển từ hơn 16.000 phụ nữ, ở độ tuổi từ 50 đến 80, và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 từ ngày 4/2/2020 đến ngày 14/9/2020. Hầu hết đã trải qua thời kỳ mãn kinh (estrogen thường giảm trong thời kỳ này).

Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến những phụ nữ trong nhóm đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến nồng độ estrogen: 227 người đang điều trị nội tiết - một phương pháp điều trị ung thư vú làm giảm estrogen - và khoảng 2.500 người đang điều trị thay thế hormone, làm tăng nồng độ estrogen để giảm các triệu chứng mãn kinh.

Sau khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố về bệnh lý nền, tuổi tác và kinh tế xã hội của phụ nữ, họ phát hiện ra rằng những phụ nữ đang dùng thuốc làm tăng nồng độ estrogen có thể giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong vì COVID-19 so với những phụ nữ không dùng thuốc có ảnh hưởng đến estrogen. 

“Estrogen - và hormone progesterone (một loại nội tiết tố sinh dục nữ), ở mức độ thấp hơn - được cho là có liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể, và có thể giúp hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Điều này rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân COVID-19, vì sự viêm nhiễm do virus này gây ra có thể dẫn đến một “cơn bão cytokine”, tức  một tình trạng nguy hiểm trong đó hệ thống miễn dịch có thể bị quá tải”, tiến sĩ Franck Mauvais-Jarvis -  Giám đốc Phòng thí nghiệm Y học theo giới tính tại Đại học Tulane (người không tham gia vào nghiên cứu) - giải thích.

Tiến sĩ Malin Sund - giáo sư tại Đại học Umeå ở Thụy Điển và là đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết, một nghiên cứu khác cũng cho thấy estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến các thụ thể protein gai (Spike), mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào các tế bào.

Tuy nhiên, như tiến sĩ Sund và nhóm các tác giả của nghiên cứu mới chỉ ra rằng, cần có các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để xác định xem mối liên hệ giữa nồng độ estrogen và nguy cơ tử vong do COVID-19 có phải là quan hệ nhân quả hay không, và liệu việc làm tăng estrogen nhân tạo có thể giúp bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh COVID-19 cao hơn không. Nhóm tác giả cũng thừa nhận một số nhược điểm trong nghiên cứu của mình; chẳng hạn, họ không thể kiểm tra nồng độ hormone của phụ nữ theo thời gian.

Vì vậy, tiến sĩ Sund nhấn mạnh rằng phụ nữ không nên thử nghiệm thay đổi nồng độ estrogen của mình, vì việc tăng nồng độ estrogen có thể tạo ra những tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư vú.

“Ngược lại, những phụ nữ đã bị ung thư vú tuyệt đối không nên ngừng điều trị nội tiết dựa trên nghiên cứu này vì họ thực sự cần điều trị ung thư vú. Để giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, tốt nhất là tiêm ngừa”, tiến sĩ Sund khuyên.

Nhất Nguyên (theo Time)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI