Phụ nữ Chủ nhật và số báo đầu tiên: Dư âm vẫn đọng trên từng trang báo

27/12/2024 - 09:31

PNO - Bây giờ, đọc lại số báo đầu tiên, trong tôi dậy lên nhiều cảm xúc, vui vì nhớ về một thời vàng son của báo giấy, báo in nói chung nhưng nay đã qua, đã xa nên có gì đó rất đỗi bùi ngùi…

Tờ Phụ nữ Nguyệt san số 1 phát hành vào tháng 11/1993
Tờ Phụ nữ Nguyệt san số 1 phát hành vào tháng 11/1993

"Bạn đọc thân mến,

Trong ký ức của mình, Báo Phụ nữ vẫn còn ghi nhớ sự nồng nhiệt của bạn đọc thuộc các lứa tuổi, các giới, ở các địa phương dành cho các số phụ bản Báo Phụ nữ những năm 1980 về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Chính vì thế, khi bắt tay chuẩn bị tờ Phụ nữ Nguyệt san số 1, chúng tôi luôn tâm niệm đó là công việc cần thiết để tạo sự tiếp nối các phụ bản vắng mặt bất đắc dĩ bấy lâu nay. Tờ Phụ nữ Nguyệt san mà các bạn cầm trên tay là một sự ra mắt mang tính chất trùng phùng và với tất cả sự hy vọng được các bạn hài lòng.

Kể từ nay, mỗi tháng 1 lần, các bạn có thể tìm trong Phụ nữ Nguyệt san những gì gần gũi nhất với đời sống của người phụ nữ trong giai đoạn đất nước đổi mới: sự kiện thời sự, kiến thức, tâm lý, sức khỏe, kinh nghiệm sống giữa vợ chồng và nuôi dạy con, cách trang điểm, ăn mặc, nấu ăn, trang trí nhà cửa, những mode quần áo mới nhất, trò chuyện với những người nổi tiếng về tình yêu, hôn nhân…

Mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để Phụ nữ Nguyệt san ngày càng thêm hài lòng những người cầm nó trên tay”.

Văn bản này ký tên ban biên tập. Ê kíp thực hiện: Thế Thanh, Minh Hiền, Mai Hiền, Bạch Mai, Quỳnh Đông; phụ trách mỹ thuật trình bày: Minh Hạnh; minh họa nội dung: họa sĩ Nguyễn Tài. Tờ Phụ nữ Nguyệt san số 1 phát hành vào tháng 11/1993, kể cả bìa gồm 32 trang, giá bán 2.500 đồng. Hình bìa là diễn viên Mỹ Duyên - “gương mặt khả ái của Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 10 (11/1993)” do nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Trưởng chụp. Ban đầu là nguyệt san, đến tháng 7/1995, ấn bản trở thành bán nguyệt san và ít lâu sau, giữa năm 1996 trở thành tuần báo với tên gọi Phụ nữ Chủ nhật.

Các ấn bản trên, đúng như thư của ban biên tập đã cho biết, là “công việc cần thiết để tạo sự tiếp nối các phụ bản vắng mặt bất đắc dĩ bấy lâu nay”. Bởi trước đó, Báo Phụ nữ TPHCM đã linh hoạt thực hiện phụ bản không định kỳ như Bạn gái trẻ, Hôn nhân gia đình. Mãi đến tháng 11/1993, với giấy phép xuất bản số 1257/BC Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 20/9/1993, tờ Phụ nữ Nguyệt san với khuôn khổ, hình thức như các bạn đang cầm trên tay mới chính thức bước vào hành trình “đến hẹn lại lên” một cách thường xuyên và bền bỉ, không gián đoạn bất kỳ thời gian nào.

Sự ra đời của Phụ nữ Nguyệt san, Phụ nữ Bán nguyệt san, Phụ nữ Chủ nhật là một tất yếu về nghiệp vụ của cán bộ phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM nhằm thể hiện tốt nhất cho bạn đọc qua hình thức mới bởi bạn đọc lúc bấy giờ đang cần thêm nhiều thông tin mới, cần được tư vấn về hôn nhân, gia đình, tình yêu, kể cả nghệ thuật làm đẹp, làm bếp…

Ngay từ lúc ra đời, tờ báo thực sự được bạn đọc tin cậy, yêu mến bởi liên tục cải tiến và phát triển về nội dung lẫn số lượng in từng kỳ.

Khi đọc lại số đầu tiên, bạn nghĩ gì?

Từ tháng 7/1995, ấn bản trở thành Phụ nữ Bán nguyệt san
Từ tháng 7/1995, ấn bản trở thành Phụ nữ Bán nguyệt san

Với tôi, cảm giác đó không khác mình đã có được “bửu bối thần kỳ” của chú mèo máy Doraemon để ngược về quá khứ. Mở đầu là chuyên mục “Phóng sự xã hội” với Bia ôm bồ nhí tiêu tan cả hạnh phúc sự nghiệp của Vương Linh, xin bật mí chính là nhà báo nổi tiếng Mai Bá Kiếm; 1.001 cách ghen của các bà của Lâm Hà, Ngày vui ngắn chẳng tày gang của Trần Thị Khánh Hội.

Về chuyên mục “Trò chuyện với người nổi tiếng”, có bài của Diễm Chi. Có thể nói đây là nhà báo đã thực hiện nhiều bài phỏng vấn nhân vật nhất của Báo Phụ nữ thời ấy. Ở số báo đầu tiên, chị phỏng vấn nhà văn Sơn Nam qua bài Đèn nhà ai nấy sáng. Có câu nói của “ông già Nam Bộ” được nhiều người tâm đắc, nay vẫn nhắc lại chính là từ số báo này, khi Diễm Chi hỏi: “Anh thường đi vắng và rất ít ăn cơm nhà, có bao giờ anh cảm thấy thiếu và thèm không khí gia đình?”. Câu trả lời rất… Sơn Nam: “Tôi là người đi la cà vì sinh kế. Còn đi là còn sống, còn làm ra tiền. Đồng tiền nằm ở ngoài đường. Nếu ngồi nhà mà có tiền, chắc chẳng ai ra khỏi nhà làm gì”.

Kế tiếp đó là chuyên mục “Tranh luận” về chủ đề Phụ nữ không chồng mà vẫn có quyền sinh con, Tiền bạc không còn chia rẽ cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra, còn có thêm nhiều chuyên mục khác như: Khoa học, Chuyện lạ, Thơ, Truyện ngắn, Truyện dịch, Chuyện vui, Mua sắm, Cha mẹ và con cái, Khéo tay, Hướng dẫn làm bếp… Trải theo năm tháng, các chuyên mục này có sự thay đổi, kể cả bố cục trang… nhưng chuyên mục “Thời trang” vẫn bền vững nhất, số nào cũng 2 trang 4 màu. Ở số báo đầu tiên, chuyên mục “Thời trang” giới thiệu hình ảnh Đi tìm sự lãng mạn của vải hoa, Quần ống rộng bước trở lại mềm mại.

Trải dài theo năm tháng, Phụ nữ Chủ nhật ngày càng cải tiến, không chỉ nhờ vào kỹ thuật in ấn ngày càng phát triển, từ đó hình thức “bắt mắt” hơn, quyến rũ, hấp dẫn hơn mà các phóng viên còn thay đổi cả phong cách viết để phù hợp hơn với từng chuyên mục. Tất cả sự nỗ lực không dừng lại, không “ngủ quên” trong lời khen tặng của bạn đọc mà luôn trăn trở đi tới.

Thực tế của từng số báo khi đến tay bạn đọc cả nước đã chứng minh điều đó. Nói cách khác, trong dòng chảy của một nền báo chí nếu muốn tồn tại phải cạnh tranh quyết liệt, có thể nói Phụ nữ Chủ nhật là một trong những tờ báo luôn làm trọn phận sự vì bạn đọc, dành cho bạn đọc.

Nhưng, có một điều không ai có thể ngờ tới, thậm chí dám nói rằng, ngay cả cụ Trương Vĩnh Ký từ năm 1865 với Gia Định báo - tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam - dẫu có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới; ngay cả bộ óc thiên tài về trí tưởng tượng là nhà văn Jules Verne cũng không thể ngờ sẽ đến một ngày nhân loại thay đổi thói quen về tiếp nhận thông tin. Điều gì dẫn tới sự thay đổi thói quen đã hình thành hàng ngàn năm, cứ tưởng đã “vững như bàn thạch”? Tất cả chỉ gói gọn trong một cú nhấp chuột. Chỉ vậy thôi là thế giới đã từ Đông sang Tây, là mở ra trùng trùng điệp điệp, ngồn ngộn thông tin.

Điều gì dẫn đến sự thay đổi khốc liệt này?

Giữa năm 1996, ấn bản trở thành tuần báo với tên gọi Phụ nữ Chủ nhật
Giữa năm 1996, ấn bản trở thành tuần báo với tên gọi Phụ nữ Chủ nhật

Chính là công nghệ thông tin đã phát triển tột bậc và vẫn chưa có điểm dừng. Trên từng chặng đường, chính nó đã tác động ghê gớm đến sự thay đổi tâm lý lẫn thói quen của con người trong lĩnh vực báo chí. Trong vòng chục năm nay, hơn ai hết, chính những người làm báo đã ý thức, nhận ra, lập tức tìm mọi cách chống chọi, tìm mọi cách để tồn tại theo phương thức làm báo vốn có. Song, họ nhận ra rằng muốn tồn tại ắt phải dựa vào công nghệ thông tin. Ấy là lúc nền báo chí toàn cầu từng ngày cựa mình thay đổi, cũng là lúc cách làm báo theo lối cũ đã hoàn thành sứ mệnh, đã kết thúc.

Bây giờ, đọc lại số báo đầu tiên, trong tôi dậy lên nhiều cảm xúc, vui vì nhớ về một thời vàng son của báo giấy, báo in nói chung nhưng nay đã qua, đã xa nên có gì đó rất đỗi bùi ngùi… Ông bà ta nói: “Ăn theo thuở, ở theo thời”, khép lại cánh cửa này để mở ra cánh cửa mới. Dẫu phục vụ bạn đọc bằng hình thức nào, chúng tôi vẫn giữ một tình yêu bền bỉ theo năm tháng về vai trò, nhận thức và trách nhiệm của người làm báo.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI