Phụ nữ chới với khi mất việc ở tuổi trung niên

06/03/2024 - 05:56

PNO - Không dễ để phụ nữ kiếm được việc làm ở tuổi trung niên. Do vậy, khi mất việc ở độ tuổi này, đường mưu sinh của họ hết sức gian nan, cuộc sống của họ rơi vào bế tắc. Nhưng trong vài năm qua, có hàng chục ngàn nữ công nhân tuổi trung niên ở TPHCM mất việc…

Nộp đơn khắp nơi, không ai tuyển

17g30, cái nóng hầm hập vẫn bao trùm khu phòng trọ công nhân trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Trong phòng trọ chừng 10m2 nằm cuối dãy, chị Lê Thị Bích Trâm - 37 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng - cùng chồng ngồi xếp từng chiếc áo mưa mỏng cho vào túi zip, dán nhãn hiệu lên túi để kịp giao hàng và nhận tiền công 250 đồng/sản phẩm.

Sau 6 tháng mất việc, chị Trần Thị Hạnh xin được vào công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà ở với mức lương thỏa thuận 5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Tam Nguyên
Sau 6 tháng mất việc, chị Trần Thị Hạnh xin được vào công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà ở với mức lương thỏa thuận 5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Tam Nguyên

Chị Trâm cho biết, nếu làm liên tục từ sáng đến tối, mỗi ngày, vợ chồng chị hoàn thành từ 500-700 sản phẩm, kiếm được khoảng 150.000 đồng. Nhưng mỗi tuần, họ chỉ có hàng để làm trong 3-4 ngày, có tuần chỉ 2 ngày. Anh Đào Văn Khỏe - chồng chị Trâm - đã ôm hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng đến đâu cũng nghe báo “đủ người rồi”. Anh Khỏe từng làm bảo vệ trong khu công nghiệp Tân Tạo nhưng bị cho nghỉ việc trong đợt cắt giảm nhân sự vào tháng 9/2023. Chị Trâm cũng nộp đơn cho hơn 10 công ty nhưng không được tuyển. 

Theo cha mẹ đến TPHCM từ lúc 14 tuổi, chị Trâm làm ở một số công ty trước khi vào làm công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân). Làm ở Pouyuen 6 năm thì tháng 3/2023, chị bàng hoàng khi nhận thông báo nằm trong danh sách bị cắt giảm. Nghĩ đến 2 đứa con đang tuổi học hành, chị nhiều lần làm đơn xin được xem xét lại, nhưng vô ích. 

Chị buồn bã kể: “Đợt đó, công ty cắt giảm cả dây chuyền, hầu hết là người có thâm niên. Lương công nhân của tôi hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca nhiều thì được 8 triệu đồng, cộng với lương bảo vệ của chồng cũng được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chừng đó mà dùng trả tiền thuê phòng trọ, học phí cho 2 đứa nhỏ, cơm nước hằng ngày cũng chật vật, huống hồ không có đồng lương nào như bây giờ”.

Muôn nỗi lo đè nặng khiến chị Trần Thị Hạnh thường xuyên đau đầu, mất ngủ - Ảnh: Tam Nguyên
Muôn nỗi lo đè nặng khiến chị Trần Thị Hạnh thường xuyên đau đầu, mất ngủ - Ảnh: Tam Nguyên

Suốt 1 năm qua, ngoài thời gian ôm đơn dự tuyển đi khắp các công ty, chị Trâm còn kiếm nguồn hàng gia công để có đồng ra đồng vào, nhưng do có quá nhiều công nhân thất nghiệp như chị nên nguồn hàng cũng bị chia năm xẻ bảy, không đủ để làm luôn tay. Chị khóc, kể: “Lúc công việc còn ổn định, tiền ăn mỗi ngày hết 100.000 đồng, hôm nào mệt mỏi quá, không kịp nấu cơm sáng thì cả nhà ăn ở quán. Nay cả 4 nhân khẩu chỉ ăn cơm nhà với chi phí tiền chợ tối đa 50.000 đồng/ngày. Cả năm nay, sữa cho 2 con cũng bị cắt. 20 năm ở TPHCM, chưa bao giờ tôi thấy bế tắc như thế này”.

Lay lắt theo những công việc thời vụ

18g30, vừa ăn xong bữa tối thì điện thoại reo, chị Nguyễn Thị Thu - 53 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long - vừa nghe xong điện thoại liền dẹp chén đũa bỏ vào chậu rồi mặc vội áo khoác, xách xe chạy đến xưởng, gương mặt lộ vẻ vui mừng. Chị cho biết, đang làm thời vụ cho một công ty xuất khẩu hàng đông lạnh, cụ thể là đóng gói sản phẩm. Do là công việc thời vụ nên người ta gọi giờ nào, chị đi làm giờ đó, không có giờ giấc cố định. Như hôm nay, chị làm từ 7g, đến 10g thì hết việc; tối lại vào làm trong 2-3 giờ do có hàng. 

Muôn nỗi lo đè nặng khiến chị Trần Thị Hạnh thường xuyên đau đầu, mất ngủ - Ảnh: Tam Nguyên
Muôn nỗi lo đè nặng khiến chị Trần Thị Hạnh thường xuyên đau đầu, mất ngủ - Ảnh: Tam Nguyên

Công việc bấp bênh nên thu nhập cũng không cố định. Chị Thu kể: “Có hôm làm được 5 tiếng, được trả 150.000 đồng; ngày nào hên thì làm liên tục 10 tiếng, kiếm được 300.000 đồng, nhưng hiếm khi được vậy. Những đợt công ty thiếu hàng, tui chờ điện thoại hoài mà không nghe ai gọi, khi được gọi thì chỉ làm được 2-3 tiếng đồng hồ là hết việc”.

Cuộc sống ở quê khó khăn, chị Thu cùng 2 con đến TPHCM khi đã ngoài 40 tuổi nên nhiều năm nay, chị không xin được việc làm ở các công ty mà chỉ đi rửa chén, dọn dẹp vệ sinh cho các quán ăn. 2 năm nay, quán xá lần lượt đóng cửa, chị cũng thất nghiệp. Trước tết Giáp Thìn, nghe tin công ty mình cần nhân công làm thời vụ, con trai chị Thu đã xin cho mẹ vào làm. “Mình làm ăn theo giờ nên làm nhiêu ăn nhiêu, không có tiền tết, cũng không đóng bảo hiểm. Cũng mừng là qua tết, ngày nào cũng có hàng để làm, không ít thì nhiều” - chị Thu tâm sự.

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 24/11 - Ảnh: Tú Ngân
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 24/11 - Ảnh: Tú Ngân

Tháng 11/2022, bị Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) cho nghỉ việc sau 13 năm gắn bó với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chị Trần Thị Hạnh - 53 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi - rơi vào cảnh khốn đốn do phải nuôi 2 đứa con đang học lớp Tám và năm thứ hai đại học; chồng chị bị bệnh, sức khỏe yếu, thu nhập từ nghề chạy xe ôm giao hàng quá thấp. 

Gần nửa năm đi xin việc nhưng không ai nhận, mãi đến tháng 5/2023, chị Hạnh mới được người quen giới thiệu vào làm việc cho một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh nhà ở. Mỗi ngày, chị làm việc từ 7g30 đến 16g30, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chị chỉ làm theo thỏa thuận chứ không có hợp đồng lao động nên không được đóng bảo hiểm xã hội, không có khoản thưởng nào trong các dịp lễ, tết. Nghỉ ngày nào, chị sẽ bị công ty trừ lương ngày đó.

Thu nhập chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt hằng ngày, đóng tiền thuê trọ nên khi nghe hỏi đến khoản học phí của con, chị Hạnh bật khóc. Suốt 1 năm cân nhắc, quyết tâm để dành khoản bảo hiểm xã hội cho tuổi về hưu nhưng cuối cùng, chị Hạnh đành làm đơn xin hưởng chế độ trợ cấp 1 lần để có mấy chục triệu đồng lo học phí cho con. Chị ngậm ngùi: “Khổ sở bao nhiêu tôi cũng không ngại, chỉ mong có được một công việc ổn định để nuôi con học hành”. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động nữ mất việc

Theo Cục Thống kê TPHCM, năm 2023, TPHCM có trên 4,7 triệu người lao động, trong đó nữ chiếm trên 46%. 

Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) đã tiếp nhận và giải quyết 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó nữ chiếm 56,3%. Lao động nữ trên 40 tuổi chiếm 27,5% tổng số lao động nữ mất việc, tập trung ở lĩnh vực dệt may, da giày, dịch vụ thương mại, hành chính văn phòng…

Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp để họ thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng biến động lao động với số lượng lớn.

Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức các hoạt động kết nối việc làm thông qua các phiên, sàn giao dịch việc làm; tổ chức tư vấn, hướng dẫn các chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn để người lao động tham gia các khóa hỗ trợ học nghề (nghề mới hoặc đào tạo nâng cao) nhằm chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội.

Sở cũng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhằm giúp người lao động nâng cao tay nghề để thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong quá trình làm việc, triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở 6 quận, huyện và TP Thủ Đức. Sở cũng tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ người lao động vay vốn để khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM 

Tú Ngân (ghi)

Đón xem talk show của báo Phụ nữ TPHCM về việc làm cho phụ nữ trung niên

Theo kế hoạch, ngày 10/3, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi thảo luận truyền hình (talk show) “Phụ nữ thời đại mới” năm 2024 với chủ đề “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên”. Trong buổi thảo luận này, các chuyên gia, đại diện cơ quan chuyên trách về lao động, việc làm bàn cách giải quyết việc làm cho phụ nữ ở độ tuổi trung niên bị mất việc. 

Chương trình dự kiến sẽ có sự góp mặt của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia xã hội học và phát triển; nhà báo Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; bà Lượng Thị Tới - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM; bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM. Chương trình sẽ được phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trên fanpage, trên Báo Phụ nữ TPHCM điện tử (phunuonline.com.vn), trên fanpage của Hội LHPN TPHCM và các cấp hội phụ nữ.

Từ hôm nay, quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia, đại diện các cơ quan chức năng qua email toasoan@baophunu.org.vn hoặc qua số điện thoại 0913159315. Rất mong nhận được sự quan tâm, tương tác của quý độc giả.

Báo Phụ nữ TPHCM

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI