Phụ nữ chịu tác động bởi đại dịch nặng nề hơn nam giới

11/03/2022 - 11:49

PNO - Nhân Ngày Phụ nữ quốc tế vừa qua, CNN đã công bố kết quả của một cuộc thăm dò độc quyền được thực hiện với phụ nữ ở các nước G7 (Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Pháp, Ý và Đức), cho thấy phụ nữ đã bị tác động mạnh hơn nam giới ở nhiều lĩnh vực trong hơn 2 năm xảy ra đại dịch.

Phụ nữ các nước G7 cho biết đã bị ảnh hưởng nhiều nhất ở một số phương diện, bao gồm hoạch định cho tương lai, quan hệ cộng đồng (mối quan hệ với gia đình và bạn bè thân thiết), sức khỏe tâm thần, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và sự ổn định tài chính.

đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa các giới về một số yếu tố có liên quan đến sức khỏe và phúc lợi
Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa các giới về một số yếu tố có liên quan đến sức khỏe và phúc lợi

Theo cô Luisa Sorio Flor - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Washington và là tác giả chính của một nghiên cứu gần đây về tác động của đại dịch đối với phụ nữ trên toàn cầu - đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa các giới về một số yếu tố có liên quan đến sức khỏe và phúc lợi. Chẳng hạn, phụ nữ có nhiều khả năng bị mất việc làm hơn nam giới, và có xu hướng phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc chăm sóc không được trả công.

Phụ nữ cũng phải đối mặt với tình trạng gia tăng bạo lực do động cơ phân biệt giới trong thời kỳ đại dịch, ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao.

Đại dịch COVID-19 còn góp phần làm gia tăng chứng rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu nghiêm trọng vào năm 2020, và phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.

Theo CNN, kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, hơn 35% số phụ nữ tham gia khảo sát cho biết có ý định tự tử, trong đó có 168 người đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình trong thời gian này.

Một nghiên cứu do cô Michiko Ueda - phó giáo sư bộ môn khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Waseda - thực hiện, dựa trên phân tích số liệu thống kê về tự tử hàng tháng từ tháng 1/2017 đến tháng 10/2020, cho thấy số vụ tự tử ở phụ nữ tăng 70% vào tháng 10/2020, trong đó phụ nữ dưới 40 tuổi có mức tăng lớn nhất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ bị ảnh hưởng “một cách không cân đối” so với nam giới trong đại dịch còn do sự gián đoạn trong việc cung cấp các dịch vụ sinh sản và chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Trong tháng 7/2020, có chưa đến khoảng 45% phụ nữ đang mang thai đang phải đi làm bên ngoài được thăm khám thai định kỳ để đề phòng các rủi ro, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người mẹ và thai nhi.

Tình trạng này khiến họ lo lắng và bị suy giảm sức khỏe tâm thần. Phân tích dữ liệu của NHS (Dịch vụ y tế quốc gia Anh) cho thấy số bà mẹ cần được hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong năm 2021 tăng 40% so với năm 2019.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI