Phụ nữ châu Á với áp lực… phải trắng!

24/02/2024 - 07:53

PNO - Ngày nay, các tiêu chuẩn vẻ đẹp châu Âu vẫn tiếp tục phát huy ảnh hưởng. Việc lý tưởng hóa da trắng đã trở thành tiêu chuẩn sắc đẹp chủ đạo ở nhiều quốc gia, qua nhiều thế hệ.

Nhiều phụ nữ châu Á xem làn da trắng trẻo là biểu thị quyền lực và sự sung túc. Ngay cả Nhật Bản, phụ nữ quý tộc thời Edo đã áp dụng cách trang điểm màu trắng để mô phỏng hình ảnh sang trọng gắn liền với da dẻ sáng hơn.

Tôn sùng làn da trắng sáng

Dù việc “tôn sùng da trắng hơn” bắt nguồn từ những lý tưởng truyền thống về vẻ đẹp của xứ Phù Tang nhưng ngày nay nó chịu ảnh hưởng nhiều từ phương Tây. Các chương trình truyền hình, phim ảnh và quảng cáo thường xuyên miêu tả phụ nữ trẻ tuổi có da trắng như là tiêu chuẩn của cái đẹp, khiến phụ nữ Nhật Bản bị áp lực phải… trắng. Một nghiên cứu cho thấy: 80% phụ nữ Nhật không hài lòng với làn da của mình. Có người cho biết, cô đã từng bị từ chối khi đến nhận việc chỉ vì da không trắng.

Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc theo xu hướng “thẩm mỹ phụ nữ phương Tây” khi bắt chước lối sống,  thói quen trời Âu - Nguồn ảnh: SCMP
Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc theo xu hướng “thẩm mỹ phụ nữ phương Tây” khi bắt chước lối sống, thói quen trời Âu - Nguồn ảnh: SCMP

Nhà nghiên cứu Chie Torigoe (Đại học Seinan Gakuin) cho rằng, việc xuất hiện quá nhiều người da trắng trên truyền thông Nhật Bản đang tái tạo nền văn hóa của người da trắng thống trị. Bà cũng chỉ ra: sự tôn sùng da trắng ảnh hưởng đến quan niệm về việc kết giao. Nhiều người Nhật, đặc biệt phụ nữ, có xu hướng thích hẹn hò với người da trắng với kỳ vọng về vẻ đẹp và mong muốn có con lai.

Haruka Suzuki - một doanh nhân từng sống ở Malaysia và Hà Lan - nói: “Ngay cả trong sách giáo khoa, hình ảnh gaikokujin (người nước ngoài) đều có làn da trắng. Chúng ta vô tình phải tin rằng người da trắng hấp dẫn vì đó là cách mà truyền thông miêu tả về họ”. Chuyện “tôn sùng da trắng” không chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với phụ nữ Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng kỳ thị đến người nước ngoài (không có làn da trắng) khi bị phân biệt đối xử, gây khó khăn trong việc hòa nhập vào xã hội Nhật.

Không phải chỉ có xứ mặt trời mọc, niềm đam mê làn da trắng kéo dài hàng thế kỷ của người châu Á được duy trì thông qua các kênh truyền thông. Đó là di sản của chủ nghĩa thực dân, với da trắng là dấu hiệu cho thấy địa vị xã hội cao, còn những người lao động chân tay thường có da sẫm màu, do tiếp xúc với ánh nắng.

Ngày nay, các tiêu chuẩn vẻ đẹp châu Âu vẫn tiếp tục phát huy ảnh hưởng. Việc lý tưởng hóa da trắng đã trở thành tiêu chuẩn sắc đẹp chủ đạo ở nhiều quốc gia, qua nhiều thế hệ. Một khảo sát do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện cho thấy 40% phụ nữ ở Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm trắng da.

Theo khảo sát của Asia Market Intelligence, 75% nam giới Malaysia tin rằng bạn tình của họ sẽ xinh đẹp hơn nếu có làn da sáng.

Tìm kiếm lối sống thoải mái

Ngày càng nhiều thiếu nữ Trung Quốc từ bỏ tiêu chuẩn sắc đẹp truyền thống, tìm kiếm lối sống thoải mái hơn và “bắt chước” thói quen sinh hoạt, ăn uống của phương Tây. Với họ, đó là những lựa chọn lành mạnh. Khắp đất nước đang chứng kiến nữ giới tránh xa các chuẩn mực gia trưởng và sự trỗi dậy của xu hướng mới mệnh danh là “thẩm mỹ phụ nữ phương Tây”. Cụm từ này ngày càng trở nên thông dụng trên mạng xã hội Xiaohongshu, kèm theo khẩu hiệu hiện rất phổ biến: “Hãy hỏi phụ nữ da trắng, hiểu phụ nữ da trắng, trở thành phụ nữ da trắng”.

Việc chuyển đổi lối sống của phụ nữ đại lục thể hiện qua việc mặc quần tập yoga Lululemon, sử dụng bình giữ nhiệt Stanley và ăn các món được xem là rất tốt cho sức khỏe. Thành phần thực phẩm trung tâm của trào lưu này là chén sữa chua Hy Lạp khô và đặc, kết hợp với các loại hạt, ngũ cốc và trái cây ít đường nhằm tạo ra một món ăn giàu protein, carbohydrate, vitamin và chất béo. Họ còn bị thu hút bởi nhiều loại sản phẩm khác, từ áo ba lỗ đến ba lô, cho thấy sự thay đổi hướng tới một lối sống phóng khoáng, dễ chịu hơn.

Theo Huxiu.com, điều đó phản ánh mong muốn ngày càng tăng để đạt được vị thế của tầng lớp trung lưu.
Những người có ảnh hưởng trên TikTok thường xuyên chia sẻ thói quen hằng ngày với cuộc sống trong những ngôi nhà đơn giản, gọn gàng, sáng sủa, nơi họ thường bắt đầu ngày mới bằng cách uống nước từ bình Stanley, mặc đồ hiệu, pha cà phê sữa trên mặt bàn bếp đắt tiền và chuẩn bị chén sữa chua hay bột yến mạch. Blogger thể hình Da Mengli thường mặc áo ba lỗ để khoe cơ bắp trong ngôi nhà có hệ thống sưởi dưới sàn. Trong các video của cô, người ta thấy rõ phong cách căn bếp bằng đá cẩm thạch đúng chất Tây phương.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, điều kiện sống và thói quen ăn kiêng khác nhau ở Trung Quốc có thể khiến việc thích nghi với “thẩm mỹ phụ nữ phương Tây” trở nên khó khăn. Có người đưa ra ví dụ, ở một căn hộ chung cư làm sao có thể tái tạo được cảm giác như một biệt thự ở ngoại ô. Một công nhân có mức lương hằng tháng 1.120 USD không thể nào thức dậy lúc 6g sáng để chăm sóc da và tập thể dục.

“Điều này đặc biệt khó xảy ra khi họ cần bắt chuyến tàu điện ngầm sớm. Ngoài ra, ăn sữa chua, bột yến mạch mỗi bữa sẽ khiến dạ dày của người Trung Quốc khó chịu. Rất nhiều người thực sự không biết mình thích lối sống nào, mà chỉ chạy theo xu hướng một cách mù quáng” - người khác nói. 

Nam Anh (theo The Japan Times, SCMP, Travel Noire)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI