Bùng nổ xu hướng
Nếu trước đây, xu hướng đông lạnh trứng còn khá xa lạ với phụ nữ châu Á thì hiện tại, nó đã trở nên phổ biến và được phái đẹp ưa chuộng, sử dụng như một lá chắn an toàn.
|
Kim Ji Hyun, giáo sư tại Trung tâm Y tế CHA, kiểm tra bệnh nhân tại phòng khám ở Bundang, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters |
Ở Hàn Quốc, ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn phương pháp này khi chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao ngất ngưởng. Lim Eun-young, một công chức 34 tuổi, cho biết cô chưa sẵn sàng lập gia đình do e ngại vấn đề tài chính và vì cô cũng chỉ mới bắt đầu hẹn hò vài tháng trước. Tuy nhiên, do lo lắng đồng hồ sinh học của bản thân (liên quan đến khả năng sinh sản) sẽ giảm theo thời gian, cô đã quyết định đông lạnh trứng của mình vào cuối năm 2021.
"Điều này khiến tôi vô cùng nhẹ nhõm. Nó giúp tôi yên tâm khi biết rằng những quả trứng khỏe mạnh của mình đã được đông lạnh" - cô nói.
Eun-young chỉ là một trong số khoảng 1.200 phụ nữ độc thân chưa kết hôn đã làm thủ thuật vào năm ngoái tại Trung tâm Y tế CHA. CHA là chuỗi phòng khám sản khoa lớn nhất Hàn Quốc, chiếm khoảng 30% thị phần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).
Cho So-Young, một y tá 32 tuổi tại CHA, người dự định đông lạnh trứng của mình trong tháng này, cũng muốn ổn định tài chính trước khi có con: "Nếu bây giờ kết hôn và sinh con, tôi không thể cho con tôi môi trường như tôi ngày xưa... Tôi muốn có nhà ở tốt hơn, môi trường sống tốt hơn".
Không riêng khu vực Đông Á có nền kinh tế phát triển, Nam Á - nơi tồn tại nhiều hủ tục - xu hướng đông lạnh trứng cũng đang bùng nổ. Bước sang thế kỷ XXI, phụ nữ Ấn Độ thay đổi tư duy và có học thức cao, rũ bỏ nhiều suy nghĩ cũ kỹ đã kìm kẹp họ. Giờ đây, nữ giới đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong các lĩnh vực, nắm các vai trò trọng yếu trong chính phủ. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến họ đối mặt với áp lực thường xuyên khi cố gắng ổn định cuộc sống ở tuổi đôi mươi.
Do đó, phụ nữ Ấn Độ đổ xô tìm đến phương pháp đông lạnh trứng để đảm bảo cho hạnh phúc gia đình sau này. Trong khi hầu hết phụ nữ đều trân trọng thiên chức làm mẹ, họ cũng muốn theo đuổi ước mơ sự nghiệp, cuối cùng là xây dựng gia đình khi có đủ khả năng tài chính và tình cảm chín muồi. Họ không còn muốn bị coi như người giúp việc trong gia đình hoặc từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn hoặc sinh con.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, 20 triệu phụ nữ Ấn Độ đã phải bỏ việc từ năm 2004 - 2012, trong đó 65 - 70% không bao giờ quay trở lại làm việc.
Muôn vàn khó khăn bủa vây phụ nữ
|
Singapore cho phép phụ nữ độc thân từ 21 - 35 tuổi đông lạnh trứng nhằm đảm bảo khả năng sinh sản - Ảnh: CNA |
Tiến sĩ Krishna Chaitanya, làm việc tại trung tâm sinh sản Oasis Fertility, cho biết không giống như nam giới (có khả năng sản xuất tinh trùng trong suốt cuộc đời), phụ nữ được sinh ra với nguồn cung cấp trứng hạn chế: "Càng lớn tuổi, số lượng trứng trong buồng trứng càng giảm và tỷ lệ trứng không khỏe sẽ tăng lên. Sau 35 tuổi, trứng giảm cả về chất lượng và số lượng, chưa kể đến khả năng có thể có bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản…”.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ sinh sản ở các nước châu Á, nhất là khu vực Đông Á, đang ngày càng giảm mạnh thì một số nước tỏ ra hà khắc với phương pháp đông lạnh trứng, điển hình như Trung Quốc.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng vì những rủi ro y tế và vấn đề đạo đức, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân, khi họ cho rằng lệnh cấm là phân biệt đối xử và có thể tước đoạt quyền sinh con của phụ nữ.
Theo đó, Chính phủ Trung Quốc cho rằng phụ nữ độc thân muốn đông lạnh trứng chỉ đơn giản nhằm trì hoãn việc sinh con. Tuy nhiên, với không ít phụ nữ châu Á, hiện tại, ngoài nỗi lo lớn nhất là vấn đề tài chính và mong muốn con mình sinh ra có được cuộc sống tốt đẹp, họ còn gặp khó trong vấn đề tìm bạn đời phù hợp.
Quy định này của chính quyền Bắc Kinh có thể không gây khó cho những người giàu vì họ có thể dễ dàng đến Mỹ, châu Âu thực hiện đông lạnh trứng nhưng rất bất lợi cho những phụ nữ có mức thu nhập tầm trung.
Lim Eun-young tâm sự: “Chúng tôi nghe từ các cặp vợ chồng đã kết hôn và xem các chương trình truyền hình thực tế về việc nuôi dạy con cái tốn kém như thế nào. Tất cả lo lắng này dẫn đến việc ít kết hôn và sinh con hơn”. Ví dụ một căn hộ ở Seoul hiện nay có giá ước tính bằng tổng thu nhập trung bình suốt 19 năm của một gia đình Hàn Quốc, tăng so với con số 11 năm vào năm 2017.
Chuẩn bị cho tương lai
|
Eva Cai chấp nhận bỏ ra chi phí lớn để đông lạnh trứng vì muốn chuẩn bị cho tương lai - Ảnh: CNN |
Đứng trước muôn vàn khó khăn, phụ nữ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có con, nên mới tìm đến phương pháp đông lạnh trứng. Thế nhưng, không ít người cho rằng họ ích kỷ, không muốn kết hôn sớm để có thời gian hưởng thụ cuộc sống độc thân… Thực tế, rất nhiều phụ nữ vì muốn thực hiện thiên chức làm mẹ mới đông lạnh trứng.
Trước khi áp dụng phương pháp này, các bác sĩ phải tư vấn rất kỹ về những tác dụng phụ (nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng hay hội chứng quá kích buồng trứng…) mà nữ giới có thể đối mặt và phải kiểm tra xem sức khỏe của họ có đủ để đáp ứng hay không.
Chưa kể chi phí tư vấn, đánh giá lâm sàng, kích thích buồng trứng, lấy trứng, đông lạnh và bảo quản trứng trong một năm cũng dao dộng từ 7.000 - 11.000 USD. Các khoản phí lưu trữ tiếp theo cũng tốn khoảng 650 USD.
Cô Clozette Dora (Singapore) chia sẻ: “Tôi biết một số phụ nữ trên 35 tuổi xung quanh tôi, dù chưa lập gia đình nhưng rất muốn có con. Nỗi lo lớn nhất của họ là lúc tìm kiếm được tình yêu muộn màng thì không thể sinh con được nữa. Vì vậy, việc Singapore cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng mang lại sự nhẹ nhõm, hạnh phúc cho họ và tôi”.
Clozette Dora đang nghiêm túc xem xét việc đông lạnh trứng của mình khi cô bước sang tuổi 34 và vẫn độc thân.
Singapore đã thực hiện động thái chưa từng có - hợp pháp hóa việc đông lạnh trứng cho phụ nữ từ 21 - 35 tuổi, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2023. Hiện tại, thủ thuật này chỉ được phép áp dụng cho những phụ nữ mắc các bệnh lý như ung thư, những người muốn bảo tồn khả năng sinh sản của mình.
Trong khi đó, không ít phụ nữ cũng tính đến tương lai xa hơn như Eva Cai (Quảng Châu, Trung Quốc). Cô tâm sự rất muốn có con, chỉ không chắc cô muốn có chồng hay không nên đã đến Hồng Kông đông lạnh trứng ở một phòng khám tư nhân như “tấm vé an toàn” cho tương lai.
“Tôi coi việc này như một hợp đồng bảo hiểm, tạo ra nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống thay vì sống một mình và không bao giờ có con hoặc kết hôn vội vàng với một người chỉ vì mục đích xây dựng gia đình, kiếm một đứa con” - Cai chia sẻ. Cô đã phải trả 17.000 USD cùng phí lưu kho hằng năm gần 1.400 USD để đông lạnh trứng của mình. Tốn kém là thế nhưng cô vẫn vui và cảm thấy hạnh phúc vì đã chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
Chung Thu Hương