Gặp gỡ và tạo nguồn cảm hứng
Tại buổi gặp gỡ, bà Basiroh được nhiều chị em biết đến, vì bà là thương nhân đang kinh doanh trang phục Hồi giáo và nhà hàng. Việc kinh doanh của bà đang tạo việc làm cho hàng chục lao động là những đồng bào dân tộc nghèo, ít học, xa quê.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho phụ nữ Chăm Islam nhân đại lễ Raya Idil Adha |
Trước khi bén duyên với công việc kinh doanh, bà Basiroh có khoảng 10 năm dạy tiếng Chăm trong thánh đường Hồi giáo. Cách đây 13 năm, một lần dẫn khách nước ngoài đi tham quan thành phố, tìm mua trang phục truyền thống của người Chăm, bà nhận thấy nhiều mẫu trang phục may không đúng quy cách nên đã ấp ủ và quyết tâm hiện thực ý định kinh doanh trang phục Hồi giáo.
Khởi đầu, bà đi tìm khách nhận may, nhận thuê. Vì không có nhiều vốn, bà Basiroh chỉ đặt may vài chục bộ. May mắn, các mẫu trang phục của bà đã nhận được sự ủng hộ của khách hàng, nhất là du khách người Chăm khi đến Việt Nam. Sản phẩm may đến đâu, bán hết đến đó rồi tăng dần số lượng theo thời gian. Khởi sự kéo dài khoảng 2 năm thì mới đi vào ổn định, bà mở cửa hàng kinh doanh. Song song với phát triển kinh doanh thời trang, bà cũng tập kinh doanh thêm ngành hàng ăn uống và cũng hướng đến khách du lịch.
Hiện tại, công việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng bà Basiroh vẫn cố gắng duy trì để tạo điều kiện việc làm cho con em người Chăm. Bà nói: “Hễ thấy con em người Chăm không có trình độ, xa quê lên thành phố tìm việc là tôi đều cố gắng nhận vào làm việc, dạy kinh nghiệm buôn bán, dạy chữ cho các em. Nhiều tháng, tôi phải lấy thêm tiền nhà để trả lương, duy trì việc làm cho người lao động”.
Bà Basiroh nổi tiếng trong cộng đồng người Chăm còn là vì bà tổ chức nhiều hoạt động xã hội từ thiện, tặng gạo, sửa nhà cho những gia đình người Chăm ở An Giang và nhiều tỉnh thành khác từ tiền túi của mình.
Bên cạnh bà Basiroh còn có sự tham gia của 2 phụ nữ trẻ tiêu biểu trong cộng đồng người Chăm là chị Ma Ghiêm và chị Kho Chah. Chị Ma Ghiêm hiện là biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Chăm tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM. Chị Kho Chah là bác sĩ học viên tại Bệnh viện Hùng Vương.
Rời tỉnh An Giang lên TPHCM học đại học, chị Ma Ghiêm chọn học ngành công nghệ thông tin. Tại thành phố, chị có cơ hội tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Chăm để rồi được truyền cảm hứng về việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc mình. Chị đăng ký tham gia cuộc thi tuyển chọn phát thanh viên tiếng Chăm rồi gắn bó với công việc này. Chị Ma Ghiêm cho biết: “Tôi yêu thích công việc hiện tại vì đã giúp tôi có cơ hội được tiếp cận gần hơn với cộng đồng người Chăm, quảng bá bản sắc, văn hóa dân tộc mình”.
Còn với chị Kho Chah lại là câu chuyện chinh phục bản thân để theo học ngành bác sĩ đa khoa tại đất nước Indonesia. Cũng được sinh ra và lớn lên tại tỉnh An Giang, khi lên TPHCM học đại học, chị Kho Chah xuất sắc nhận được học bổng du học toàn phần 6 năm. Khó khăn nhất của chị khi đi học ở nước ngoài là bất đồng ngôn ngữ và chị đã phải nỗ lực học tập và giao tiếp với bạn bè để cải thiện khả năng ngôn ngữ. Năm 2022, Kho Chah trở về nước và tiếp tục học tập, làm việc tại Bệnh viện Hùng Vương.
Khi biết chị Kho Chah sẽ trở thành bác sĩ chuyên về sản phụ khoa, nhiều chị em phấn khởi, đặt niềm tin. Các chị mong đợi Kho Chah sẽ chính thức trở thành một nữ bác sĩ giỏi, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ Chăm trong cộng đồng cũng như nhiều phụ nữ khác.
Chị Kho Chah cũng thấy vui vì được gặp gỡ, sẻ chia câu chuyện của mình và truyền năng lượng tích cực đến các chị, các mẹ, các gia đình và cộng đồng người Chăm. Chị mong, từ đây sẽ có nhiều bạn trẻ, nhất là phụ nữ được học tập, phát triển, thực hiện ước mơ, có cơ hội được phục vụ cho cộng đồng, cho đất nước.
Một ngày vui của phụ nữ Chăm Islam
Nhân đại lễ Raya Idil Adha năm 2023 (Hồi lịch 1444), tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Hội LHPN TPHCM tổ chức buổi họp mặt nói trên với 200 hội viên phụ nữ Chăm Islam. Cùng với chương trình văn nghệ do nhóm Hương Sắc Chăm đảm trách, nhiều chị em đã cùng múa hát, chúc mừng mùa đại lễ Raya Idil Adha đầm ấm, bình yên, hạnh phúc. Chị Amina (phường 17, quận Phú Nhuận) nhận xét: “Chương trình hôm nay rất vui, phụ nữ Chăm chúng tôi ở khắp các quận, huyện có dịp gặp gỡ, giao lưu”. Chị Amina đặc biệt thích thú khi tìm hiểu một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam một thời đã qua. “Hằng ngày tất bật với công việc buôn bán nên làm gì có thời gian để đến đây tham quan, tìm hiểu những điều thú vị như thế này” - chị nói.
Bà Nasiroh 58 tuổi (phường 12, quận 10) đến bảo tàng rất sớm và tham gia gần hết các hoạt động của chương trình. Bà xúc động: “Tôi rất vui khi trong ngày lễ lớn của dân tộc Chăm lại nhận được nhiều tình cảm, sự quan tâm từ Hội LHPN TPHCM. Buổi gặp mặt rất vui, gắn kết phụ nữ Chăm cùng chị em phụ nữ các dân tộc khác, cán bộ phụ nữ…”.
Bà Nasiroh cũng là 1 trong 200 phụ nữ Chăm được Hội LHPN TPHCM tặng quà (mỗi phần quà trị giá 700.000 đồng) dịp lễ Raya Idil Adha. Bà tâm tình: “Món quà là tình cảm, sự sẻ chia, chăm lo của hội, của chính quyền dành cho những người phụ nữ còn nhiều khó khăn như chúng tôi. Tôi rất tự hào khi được gặp, giao lưu cùng những người phụ nữ Chăm tiến bộ, thành công”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - gửi lời chúc mừng đến cộng đồng người Chăm Islam nhân đại lễ Raya Idil Adha. Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh nói: “Buổi họp mặt là dịp để phụ nữ thành phố ghi nhận, biểu dương những đóng góp của cộng đồng Hồi giáo đoàn kết cùng thành phố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc cũng như đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện công tác an sinh xã hội”.
Dịp này, Hội LHPN thành phố cũng tổ chức các đoàn đến thăm các cơ sở tôn giáo, ban đại diện, thánh đường và cộng đồng Hồi giáo trên địa bàn.
Thiên Ân