Phụ nữ cần được bảo vệ và tạo cơ hội để tỏa sáng

07/03/2021 - 21:07

PNO - Giữa đại dịch, nạn bạo hành phụ nữ trên khắp thế giới gia tăng, nữ giới cũng phải hy sinh nhiều hơn để che chở tổ ấm của mình. Thế nhưng, nhiều y bác sĩ, nhà khoa học nữ đã và đang dẫn dắt cuộc chiến chống lại COVID-19. Vì vậy, điều phụ nữ cần chính là một môi trường an toàn cùng cơ hội bình đẳng để cống hiến và tỏa sáng.

Chấm dứt bạo hành phụ nữ

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc giãn cách khiến bạo lực gia đình tăng đột biến. Pháp chứng kiến ​​sự tăng vọt 32% cuộc gọi báo cáo về bạo lực gia đình chỉ trong hơn 1 tuần phong tỏa. Lithuania cũng ghi nhận số vụ bạo lực gia đình nhiều hơn 20% trong khoảng thời gian 3 tuần phong tỏa, so với cùng kỳ năm 2019. Riêng Cơ quan Cảnh sát Nam Phi (SAPS) nhận được 2.300 cuộc gọi cầu cứu liên quan đến giới trong tuần đầu giãn cách.

Việc giãn cách xã hội khiến nạn nhân của bạo lực gia đình gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Các dịch vụ hỗ trợ chính thức đôi khi bị đóng cửa hoặc hoạt động với công suất giảm. Gia đình, bạn bè và hàng xóm thường ít liên lạc với nhau, giảm khả năng phát hiện ra các dấu hiệu bị lạm dụng.

Mặt khác, dù mọi quốc gia ở EU và Mỹ đều đưa ra các biện pháp đặc biệt để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực do nửa kia của họ gây ra, việc hỗ trợ cho nạn nhân thường mang tính chắp vá. Nhân viên dịch vụ hỗ trợ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: Nhu cầu gia tăng và sự lo lắng ngày càng cao của nạn nhân, thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân, hỗ trợ từ xa còn hạn chế và nguy cơ lộ danh tính nạn nhân...

Một cuộc biểu tình ở Berlin trong ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2019, kêu gọi quyền bình đẳng bao gồm thu hẹp khoảng cách lương giữa phụ nữ và nam giới. (Ảnh: Getty Images)
Một cuộc biểu tình ở Berlin trong ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2019, kêu gọi quyền bình đẳng bao gồm thu hẹp khoảng cách lương giữa phụ nữ và nam giới - Ảnh: Getty Images

Tuy vậy, cuộc đấu tranh chống bạo lực của phụ nữ cũng có những hy vọng mới. Chẳng hạn sau gần một thập niên tìm kiếm, Iran cuối cùng có thể đưa ra dự thảo luật có tên “Bảo vệ nhân phẩm và an ninh cho phụ nữ chống lại bạo lực”. Chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani lên kế hoạch ký ban hành dự luật trước tháng 6/2021, sau khi quốc hội và cơ quan thẩm tra hiến pháp xem xét.

Riêng đối với hàng chục phụ nữ tại một trường bắn gần Johannesburg, học cách sử dụng súng đã trở thành một phương tiện bảo vệ ở Nam Phi - quốc gia mà trung bình 3 giờ lại có 1 phụ nữ bị sát hại. Lần đầu tiên trong đời, Ntando Mthembu cầm trên tay một khẩu súng lục ổ quay. Tháng 11/2020, chị họ của Mthembu, ở nhà một mình trong vài giờ đồng hồ, đã bị hãm hiếp tập thể và sát hại. Mthembu chia sẻ: “Trước khi điều đó xảy ra với tôi, tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó”.

Tạo cơ hội để phụ nữ phát triển

Tổng thư ký  Liên Hiệp Quốc António Guterres tuyên bố vào tháng 2/2021: “Thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ là điều cần thiết để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta đã chứng kiến ​​điều này một lần nữa trong cuộc chiến chống COVID-19”. Phụ nữ, chiếm 70% tổng số nhân viên y tế, nằm trong nhóm những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cả những người dẫn đầu phản ứng chống dịch.

Theo UNESCO, phụ nữ chỉ chiếm 1/3 số nhà nghiên cứu trên thế giới và giữ ít vị trí cấp cao hơn nam giới tại các trường đại học hàng đầu, dẫn đến “tỷ lệ xuất bản nghiên cứu thấp, ít được công nhận và cấp kinh phí hơn”. Tuy nhiên trên thực tế, một số nhà khoa học nữ đang đi đầu trong phản ứng của thế giới đối với COVID-19.

Đầu tiên phải kể đến tiến sĩ Özlem Türeci - người cùng chồng là Tiến sĩ Ugur Sahin - đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học BioNTech tại Đức vào năm 2008. Năm 2020, BioNTech và công ty dược phẩm Pfizer đã phát triển vắc-xin gốc RNA đầu tiên chống lại COVID-19. Tương tự, giáo sư Sarah Gilbert (từ Anh) là Trưởng dự án Oxford về vắc-xin Oxford/AstraZeneca, loại vắc-xin hiện được WHO khuyến nghị sử dụng cho tất cả người trưởng thành trên toàn thế giới.

Theo  báo cáo từ UNESCO, nữ giới hiện chiếm 28% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật, 40% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, và 33% trong tổng số tất cả nhà  nghiên cứu trên thế giới
Theo báo cáo từ UNESCO, nữ giới hiện chiếm 28% sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật, 40% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, và 33% trong tổng số tất cả nhà nghiên cứu trên thế giới

Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Joe Biden sẽ ký 2 sắc lệnh hành pháp vào ngày 8/3/2021, liên quan đến bình đẳng kinh tế cho phụ nữ. Khi còn là ứng cử viên, ông Biden cam kết thu hẹp khoảng cách lương giữa nam và nữ, đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và chống lại sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa công bố chi tiết về một dự luật yêu cầu các công ty thu hẹp khoảng cách trả lương theo giới, và cung cấp cho các ứng viên xin việc thông tin lương trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng.

Các động thái này diễn ra trong bối cảnh các nữ công nhân trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng không cân xứng bởi những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19. Những luật được đề xuất cũng sẽ trao quyền cho phụ nữ xác minh xem họ có được trả công xứng đáng so với các đồng nghiệp nam hay không. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định: “Phụ nữ phải biết người sử dụng lao động có đối xử công bằng với họ hay không. Và nếu không, họ phải có đủ sức mạnh để chống trả và giành lấy những gì họ xứng đáng có được”.

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI