Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện của ba người phụ nữ thường bị/được gọi là “cá tính”: nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương, chị Trần Thị Thanh Thủy (Mondelez Kinh Đô) và nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm. phúc
* Các chị thường được coi là những người phụ nữ “cá tính”, cuộc sống cũng có những thăng trầm, vui buồn “đặc biệt”. Từ góc độ của mình, các chị có thể nói gì về “lời nguyền” trên?
Nhà văn - nhà biên kịch Thu Phương: Tôi nghĩ, để đi vào vấn đề này, trước tiên cần định nghĩa thế nào là phụ nữ cá tính và thế nào là hạnh phúc. Theo tôi, người được gắn cho hai chữ “cá tính” là người có cách sống độc lập, tự tin và tự chủ về cách sống đó của bản thân, không bị chi phối bởi ý kiến, nhận xét của người khác và cảm thấy sống như mình muốn mới là sống. Ngay từ nhỏ, tôi đã thường bị nói (tôi dùng từ “bị” vì người ta thường nói theo hướng tiêu cực): “con bé này có cá tính”. Chữ “cá tính” người ta gắn vào tôi khi đó hình như mang nghĩa “cá biệt”.
Tôi bị coi như người dị biệt chứ không chỉ là khác biệt. Còn về hạnh phúc? Tôi có một cô bạn rất giỏi giang, thành đạt; làm việc nhiều và tự thấy cuộc sống của mình rất ổn. Thế nhưng, cô mệt mỏi vì gặp ai nói chuyện một lúc cũng đều bị hỏi: “Chừng nào lấy chồng? Lấy chồng trễ làm sao sinh con?”. Đến nỗi, giờ nói chuyện với ai là cô quy định trước: không nói chuyện chồng con! Cô bảo, không hiểu vì sao xã hội lại mặc định phụ nữ phải lấy chồng, sinh con mới là hạnh phúc?
Chị Thanh Thủy: Theo từ điển của Đào Duy Anh, cá tính là sự tổng hòa các nét đặc trưng của một con người từ tính tình tới cách nói chuyện, suy nghĩ, hành động. Thế nhưng, theo cách nói của người Việt chúng ta hiện nay, đặc biệt theo chủ đề của cuộc tọa đàm này, thì “cá tính” được hiểu như một người mạnh mẽ, quyết liệt, khác với số đông trong cách hành xử, suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề. Tóm lại thì đó là một người hoàn toàn khác biệt. Vì thế, tôi nghĩ phải đổi hai từ “cá tính” thành “cá tính mạnh” thì chính xác hơn. Nhớ khi mới sáu-bảy tuổi, tôi đã bắt đầu nghĩ về hai chữ hạnh phúc.
Có lần tôi viết cho ông ngoại, rằng tôi nghe mọi người, nhất là mẹ, luôn nhắc nhở tôi phải ráng học, lớn lên vào đại học, rồi lấy chồng, sinh con. Tôi nghĩ, nếu đơn giản và giống nhau hết thế thì sống để làm gì? Ông ngoại trả lời tôi, ai cũng phải đi qua con đường như vậy nhưng trên con đường đó mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau. Con cứ bình tĩnh đi rồi sẽ tìm được câu trả lời… Vậy thì hạnh phúc là trải nghiệm riêng, là mục đích riêng của mỗi người chứ không phải là con đường giống nhau.
Nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm: Thông thường, theo tôi người cá tính là người suy nghĩ và hành động không bị ảnh hưởng bởi đám đông và dám bảo vệ những gì mình nghĩ, mình làm vì rất tự tin vào bản thân. Nếu cho là người cá tính (mạnh) khó có hạnh phúc là không chính xác. Mỗi người có cách nghĩ về hạnh phúc khác nhau, đừng lấy cái lồng hạnh phúc của người này chụp lên người kia. Có người lấy bình an làm hạnh phúc nhưng có người lại cho rằng hạnh phúc là học hỏi, đấu tranh và lớn lên từng ngày. Có người chịu đựng một gia đình đã hư hỏng đến tận gốc rễ mà không dám phá bỏ đi, lấy việc người ta nghĩ mình hạnh phúc làm hạnh phúc, nhưng có người không chấp nhận điều đó, phải thoát khỏi nó mới là hạnh phúc…
* Những gì các chị nói đang chứng minh một điều: vì có cá tính đặc biệt nên những người phụ nữ đó cảm thấy không cần đến những hạnh phúc bình thường như bao người phụ nữ khác?
Nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm: Phụ nữ có cá tính mạnh cũng không có chủ định đi tìm những thứ hạnh phúc đặc biệt, mà vì tính cách đó ảnh hưởng phần nào đến việc đi tìm hạnh phúc phúc của họ. Họ tự tin đến mức đôi khi bỏ qua những gì người khác nghĩ, người khác muốn. Tuy nhiên, có lẽ hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ cá tính là dám sống như mình mong muốn.
Chị Thanh Thủy: Đúng là với tính cách mạnh mẽ, đôi khi họ bước đi theo một chiều mà không nhìn thấy chiều ngược lại. Thế nhưng trong cuộc sống, dù cá tính mạnh đến thế nào thì ai cũng mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Riêng tôi, sau khi trải qua con đường như ông ngoại mình đã nói, tôi nhận ra hạnh phúc là sự an nhiên, là cảm thấy được yêu thương, được chăm sóc. Nghe thấy có vẻ như cuối cùng cũng chính là một mục tiêu mà mọi phụ nữ dù cá tính hay không cá tính cũng đều hướng tới, nhưng sau khi vượt qua những trở ngại, chông gai trên con đường riêng của mình, họ thấm thía và bình an hơn. Đó thật sự là hạnh phúc.
Nhà biên kịch - nhà văn Thu Phương: Người phụ nữ cá tính có nhiều năng lượng để phục hồi nhanh sau vấp ngã, họ đứng dậy một cách can đảm và đi tiếp con đường của mình. Tôi tin những phụ nữ cá tính thường không hối tiếc về những gì họ chọn, bởi họ hạnh phúc khi được sống thật với mình. Với những người phụ nữ cá tính, hạnh phúc có lẽ là được sống như họ mong muốn. Gia đình chỉ là một phần trong khái niệm hạnh phúc.
* Phải chăng để có được hạnh phúc, đôi chỉ là một hạnh phúc bình thường như những người phụ nữ khác, phụ nữ cá tính phải trả giá nhiều hơn?
Nhà biên kịch - nhà văn Thu Phương: Có thể trong mắt người ngoài là như vậy. Họ thấy người phụ nữ kia phải trải qua vấp ngã, mất mát và họ cho đó là sự trả giá. Thực ra, để sống như mình muốn, đi ngược chiều mọi người hay làm con quạ trắng giữa bầy quạ đen chẳng bao giờ là điều dễ dàng, nhưng những phụ nữ cá tính không coi đó là sự trả giá.
Chị Thanh Thủy: Người phụ nữ không cá tính, sợ đổ vỡ, mất mát cũng phải trả giá để có được sự bình yên. Cái giá đó là sự chấp nhận bị chà đạp, coi thường; là việc phải ngày ngày chịu đựng một hạnh phúc, bình yên giả tạo. Tôi nghĩ, thậm chí họ phải trả giá gấp hai lần, vì vừa phải bán mình để mua cuộc sống đó, vừa phải sống một cuộc sống hoàn toàn không như mình mong muốn.
Nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm: Thật sự là khi bạn buộc phải hành động quyết liệt để bảo vệ mình, bạn sẽ bị tổn thương, bị va đập; nhất là khi bạn không chỉ chống đối với một người hay một sự việc mà bị cả xã hội xung quanh bàn tán, dè bỉu, chế nhạo. Khi đó, bạn sẽ phải cân nhắc giữa việc sống vì mình hay vì những điều mọi người muốn, mọi người quen mắt, tán đồng. Không, tôi không gọi đó là sự trả giá.
* Trong câu chuyện của các chị, tôi có cảm giác các chị chỉ đi tìm hạnh phúc một mình. Chẳng lẽ người phụ nữ cá tính thì phải cô đơn? Các chị mạnh mẽ đến mức không cần đến một bờ vai? Đôi khi, người ta cho rằng những phụ nữ mạnh mẽ thường… ích kỷ?
Chị Thanh Thủy: Những phụ nữ cá tính không phải không cần một bờ vai, không cần một hạnh phúc bình thường mà là họ đi tìm một hạnh phúc vừa vặn với mình và thật sự của mình.
Nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm: Tôi hiểu vì sao họ nói phụ nữ cá tính ích kỷ. Có lẽ vì mọi người nghĩ khi chọn đương đầu với khó khăn thì có nghĩa là những đứa con cũng phải chịu những khó khăn ấy cùng với họ. Nhưng thật sự, những phụ nữ ấy thường đã chịu đựng đến tận cùng mọi vấn đề, sức chịu đựng của họ cao và khi chấp nhận từ bỏ thì họ đủ bản lĩnh và tự tin để đối phó với mọi thứ, để bảo vệ con cái mình. Là ích kỷ sao khi họ không muốn con cái mình sống trong giả tạo hay môi trường gia đình nhiễm độc?
Nhà biên kịch - nhà văn Thu Phương: Chẳng phải chỉ phụ nữ mới cần đến một bờ vai, mà đàn ông cũng cần một người phụ nữ. Chỉ có điều, một phụ nữ cá tính sẽ cần người đàn ông mang hạnh phúc đến cho họ chứ không phải cần cho có với người ta. Họ không sợ bỏ đi cái không xứng đáng và không sợ làm lại từ đầu.
* Vậy họ phải làm gì để dung hòa giữa cá tính với những đòi hỏi của cuộc sống gia đình, mà ít nhất là phải hòa nhập được với một cá tính khác thì mới có hạnh phúc?
Nhà biên kịch - nhà văn Thu Phương: Điều đầu tiên mà tôi đã nói: đó là đủ thông minh, đủ lý trí để tìm ra một người xứng đáng với mình. Xứng đáng không có nghĩa về địa vị, tiền bạc mà là một người hiểu biết, có nhân cách. Trong cuộc đồng hành với mình, người ấy biết đối thoại, chia sẻ để cả hai cùng điều chỉnh cho phù hợp với nhau.
Chị Thanh Thủy: Người ta thường nói: người cá tính khó có hạnh phúc cũng có phần đúng, nhưng vấn đề là ở chỗ hễ đã vấp thì phải biết rút kinh nghiệm để thay đổi cho phù hợp. Đừng gàn dở, đừng ương bướng, bởi khi bạn gàn dở ương bướng, biết những gì mình đang đối đầu là những bức tường mà cứ đâm vào thì chịu bất hạnh là… đáng đời.
Nhà báo - nhà thơ Nguyệt Phạm: Tôi từng chống đối lại người thân, cha mẹ mình để bảo vệ những gì mà tôi nghĩ là đúng. Tuy nhiên, càng sống và trải nghiệm, tôi dần hiểu hơn những điều cha mẹ mong muốn cho mình, thậm chí dần dần tôi thấy mình suy nghĩ giống cha mẹ ở một vài điều. Nó giúp tôi hiểu, đừng quá tự tin vào những điều mình nghĩ và muốn. Hãy học cách nhìn cuộc sống từ nhiều chiều, khi đó sự thể hiện cá tính của mình sẽ dễ phù hợp hơn với mọi người xung quanh.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".