Phụ nữ ấp đảo Thiềng Liềng làm du lịch cộng đồng

08/04/2023 - 06:13

PNO - 9g sáng, chiếc ca nô cập bến Thiềng Liềng. Nhóm du khách còn đang lụi hụi bước lên bờ thì đã thấy 1 phụ nữ mặc chiếc áo bà ba màu hồng tươi cười đứng đợi.

Đón khách bằng bữa cơm dân dã

Người phụ nữ tươi cười: “Chị Mười Giạ đây. Các em đi có mệt không? May sao bữa nay trời xâm xâm, đỡ nắng. Tiết trời được như vầy thì đi chơi ngon nè. Thôi đi nhanh về nhà uống miếng nước mát rồi nghỉ ngơi”. 

Các nữ xã viên Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng mặc đồng phục đón khách
Các nữ xã viên Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng mặc đồng phục đón khách

Nhường đường cho nhóm bạn trẻ đi trước, chị dò bước theo sau. Con đường bê tông duy nhất của ấp đảo Thiềng Liềng trông tươm tất, sạch sẽ dù còn thô sơ lắm. Vừa đi, chị Mười Giạ vừa làm hướng dẫn viên: “Đây là nhà chị Hai Loan, nổi tiếng với các món bánh dân gian. Trưa nay, các em sẽ ăn cơm do chị ấy nấu”. Vừa nói, chị vừa chỉ vào ngôi nhà có tấm bảng treo bằng gỗ được làm thủ công, trên đó có dòng chữ màu trắng mộc mạc “Hộ Hai Loan - món bánh dân gian”.

Nhóm du khách cũng tự nhận ra ngôi nhà của chị Mười Giạ và dừng lại nhờ tấm bảng “Hộ Mười Giạ - homestay và nước mát”. Đây là 1 trong 15 sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng.

Thiềng Liềng là 1 trong 3 ấp của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM, có biển, núi, hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, ruộng muối… Ngày 28/12/2022, Sở Du lịch TPHCM và UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức công bố chọn ấp Thiềng Liềng làm nơi triển khai mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của TPHCM.

Ngôi nhà của chị Mười Giạ có khoảng sân rộng và hàng cây si rô đang trổ bông trắng muốt. Từ ngày ấp Thiềng Liềng có dịch vụ du lịch cộng đồng, chị Mười Giạ biến phần sân nhà mình thành phòng khách mở, đặt những bộ bàn ghế đan bằng mây, tre làm không gian để khách nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức loại nước mát làm từ trái si rô do chính tay chị chế biến. Ngồi ở không gian này, khách có thể nhìn người qua lại trên con đường trước mặt, nhấm nháp hương vị là lạ của loại thức uống được làm từ trái si rô và nghe bà chủ nói về những công đoạn để biến những trái si rô đỏ mọng trên cây thành loại nước uống đặc biệt.

Nghề chính của gia đình chị Mười Giạ là làm muối nhưng bây giờ, 2 ngày cuối tuần, chị tất bật tiếp đón khách du lịch. Từ tháng 8/2022, khi Sở Du lịch TPHCM có chủ trương thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, nhà chị có thêm khu vực gồm 5 phòng ngủ nằm tách biệt phía sau. Dọn phòng xong, canh điện thoại, chị phải đi đón khách trong giờ đò ghe cập bến, phục vụ nước mát, liên hệ cơm nước cho những khách đăng ký lưu trú…

Cách nhà chị Mười Giạ vài chục mét, chị Hai Loan đã cùng cô con dâu lớn hoàn thành bữa cơm trưa, sắp đặt bàn ghế, dọn cơm cho 10 khách đặt trước. “Nguồn rau củ, thực phẩm ở đây không được dồi dào như trong thành phố nên có gì chị nấu cái đó, dân dã giống như nhà chị ăn vậy” - chị Hai Loan nói với khách. Tuy dân dã, nhưng bữa cơm nào dành cho khách cũng có đầy đủ món canh, 2 món mặn, 1 món rau luộc hoặc xào, 1 món tráng miệng và nước uống. Do đó, không chỉ bận rộn chuyện chợ búa, nấu nướng, chị Hai Loan còn phải mày mò lên mạng tìm thực đơn phù hợp nhất với nguồn thực phẩm sẵn có trong ấp.

Chị Hai Loan - chủ dịch vụ bánh dân gian - đang phục vụ du khách món bánh ít trần  do chính tay chị chế biến
Chị Hai Loan - chủ dịch vụ bánh dân gian - đang phục vụ du khách món bánh ít trần do chính tay chị chế biến

Đặc biệt, khách ghé nhà chị Hai Loan có thể yêu cầu phục vụ các món bánh dân gian hoặc yêu cầu được trực tiếp làm bánh. Khi đó, chị Hai Loan sẽ hướng dẫn từng công đoạn và khách có thể mang thành phẩm về nhà sau chuyến tham quan. Chị Hai Loan cho biết, từ ngày làm du lịch, thu nhập hằng tháng của gia đình chị tăng thêm khoảng 3 triệu đồng. 

Vẫn còn "trắc trở đò giang"

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng - cho biết, dịch vụ du lịch cộng đồng ở đây chính thức hoạt động được 3 tháng nay. Bước đầu, mô hình du lịch cộng đồng giúp cuộc sống của người dân Thiềng Liềng sôi động, vui hơn vào mỗi cuối tuần, khi đón các lượt khách tham quan, trải nghiệm. 

Theo chị, trong 3 tháng qua, đã có hơn 500 lượt khách đặt tour và đến Thiềng Liềng. Là đầu mối tiếp nhận khách, chị Bạch Tuyết sẽ thông báo với các hộ thành viên hợp tác xã để họ sẵn sàng đón khách. Ngoài lượng khách trên, hằng tuần, còn có những nhóm khách tự đón ghe, đò từ trung tâm xã Thạnh An sang mà không đăng ký trước. Khi đó, khách sẽ tự lựa chọn dịch vụ trải nghiệm.

“Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong mô hình du lịch cộng đồng ở đây bởi họ trực tiếp đón khách và cung cấp các dịch vụ cho du khách. Do đó, ngoài chuyện bận rộn sắp xếp nhà cửa sao cho tươm tất, sạch sẽ và đầu tư sản phẩm sao cho ấn tượng, chị em còn cố gắng tự học để làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ khách tốt hơn. Hiện hợp tác xã cũng đang có lớp đào tạo các kiến thức liên quan đến du lịch cộng đồng để hỗ trợ xã viên, nhưng xã viên vẫn phải tự tìm hiểu thêm nhiều thứ” - chị Bạch Tuyết chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Năm Tuyết) giới thiệu  các đặc sản của hợp tác xã  với du khách
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Năm Tuyết) giới thiệu các đặc sản của hợp tác xã với du khách

Chị Mười Giạ nhận định, du lịch cộng đồng sẽ giúp kinh tế Thiềng Liềng phát triển trong tương lai. Nhưng chị cũng nêu một trở ngại lớn cần được giải quyết sớm, đó là phương tiện phục vụ việc đi lại của du khách. Hiện nay, khách muốn đến ấp Thiềng Liềng, phải ghé thị trấn Cần Thạnh đón đò sang trung tâm xã đảo Thạnh An, rồi từ đó bắt đò sang ấp Thiềng Liềng. 

Ngặt nỗi, đò từ trung tâm xã Thạnh An sang ấp Thiềng Liềng chủ yếu để phục vụ học sinh nên không hoạt động vào ngày cuối tuần. Do đó, du khách phải đi ca nô từ xã Lý Nhơn sang, tiền vé rất cao so với đi bằng đò, ghe, vỏ lãi của dân bản địa. Nhưng các phương tiện này hiện chưa được cấp phép để chở khách, cũng không có bến bãi. 

Chị Mười Giạ nói: “Nếu việc đi lại thuận tiện, tôi nghĩ, du khách sẽ đến ấp Thiềng Liềng nhiều hơn, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập từ du lịch chứ không chỉ dựa chủ yếu vào nghề làm muối như hiện nay”. 

Đề xuất có thêm buýt sông đưa khách đến Thiềng Liềng 

Ông Từ Quý Thành - Phó chủ tịch Hội Lữ hành, thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM - đánh giá, điểm cộng của du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng là người dân nhiệt tình, thân thiện, món ăn truyền thống ở đó độc đáo, cảnh thiên nhiên đa dạng, không khí hết sức trong lành. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng ca nô hơn 1 giờ để đến nơi là quá dài và không phải ai cũng đi bằng ca nô được. Nếu có mưa lớn, ca nô cũng không thể chở khách. Theo ông, cần có thêm phương tiện buýt sông để hạ giá tour bởi giá đi ca nô quá cao, đẩy giá tour lên cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM sáng 6/4, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng, sở đã nắm được sự hạn chế về giao thông, phương tiện đi lại nối khu vực trung tâm với ấp đảo này. Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch của sở cũng đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị, sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn này. Các bên đang bàn thảo và sẽ sớm đưa ra giải pháp.

Quốc Thái

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI