Phụ nữ Anh: Đi làm hay ở nhà chăm con?

02/04/2013 - 07:30

PNO - PN - Hàng năm, vào cuối tháng Ba, chính phủ Anh sẽ công bố chính sách ngân quỹ quốc gia trước toàn dân. Năm nay, ngoài những chính sách điều chỉnh giá xăng dầu, rượu bia, vấn đề nổi cộm gây nhiều tranh cãi là cắt phụ cấp chăm sóc...

Theo đó, chính phủ sẽ dành khoảng một tỷ bảng Anh cho việc chăm sóc trẻ. Những gia đình mà cả bố mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đơn thân đi làm, sẽ được hưởng khoảng 1.200 bảng cho mỗi trẻ dưới năm tuổi, gọi là tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Những gia đình mà cha hoặc mẹ ở nhà, sẽ không được nhận số tiền này.

Thủ tướng Anh David Cameron lý giải, trẻ em trong các gia đình có cả bố lẫn mẹ đều đi làm sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn là những gia đình đã có một trong hai người lớn ở nhà chăm sóc trẻ. Qua đó, chính phủ khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ hơn, góp phần vào phát triển nền kinh tế đang trì trệ. Bên cạnh đó, số tiền trợ cấp dôi ra này sẽ “rót” thẳng cho ngành chăm trẻ mầm non.

Phu nu Anh: Di lam hay o nha cham con?

Ngay lập tức, làn sóng phản đối nổi lên, đặc biệt từ những bà mẹ phải chọn lựa giữa việc ở nhà chăm sóc trẻ, hay đi làm và mang con gửi nhà trẻ hoặc ông bà. Đầu tiên, họ chỉ trích phát ngôn của thủ tướng đã phân biệt giữa bà mẹ đi làm và những bà mẹ phải ở nhà chăm con. Họ lý luận, việc chăm sóc một hoặc nhiều đứa trẻ cũng vất vả không kém gì đi làm ăn lương. Hơn nữa, trẻ em rất cần sự chăm sóc trực tiếp của người mẹ trong những năm tháng đầu đời. Họ dẫn chứng những nghiên cứu khoa học cho thấy tỷ lệ trẻ mắc bệnh tâm thần hoặc phạm tội liên quan đến sự chăm sóc của mẹ khi trẻ mới ra đời, vì thế về lâu dài, chính sách này không bảo đảm cho xã hội lành mạnh.

Sau khi chính sách vừa được công bố, Phó Thủ tướng Nick Clegg đã bị Laura Perrins, một cựu luật sư, hiện đã nghỉ việc để chăm hai con nhỏ, chất vấn đến toát mồ hôi trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên radio. Laura cho rằng, thay vì chính phủ phải khuyến khích việc các bà mẹ từ bỏ sự nghiệp để ở nhà chăm con, để xã hội có thêm công dân gương mẫu, thì cô lại có cảm giác bị dè bỉu là làm biếng.

Khi chính phủ cắt khoảng trợ cấp trẻ em hồi tháng 1/2013, Laura không phản đối vì chồng cô, cũng là một luật sư, có thu nhập khá cao và cô ủng hộ chính phủ phải tiết kiệm ngân sách. Nhưng lần này, Laura thấy bị phân biệt đối xử. Điều này chẳng khác nào cáo buộc các bà mẹ không đi làm đã chọn việc nhẹ nhàng và nó không giúp cho việc nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của các bà mẹ trong giáo dục và nuôi dạy mầm non của đất nước.

Có 52% số phụ nữ ở nhà chăm con rất muốn đi làm nhưng điều kiện không cho phép vì phí chăm sóc trẻ ở Anh quá cao. 17% khác cho rằng tiền lương đi làm và phải thuê người khác trông con không đáng để bỏ qua những năm tháng đầu đời của con cái.

Đây là vấn đề mà chính phủ cần phải giải quyết gấp rút, nếu như muốn thu hút một số lớn phiếu bầu từ cử tri nữ, đặc biệt là các bà mẹ.

PHAN QUỲNH DAO
(Từ London, Anh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI